Phái oanh tạc cơ đến hai cực địa cầu, Không quân Mỹ gửi thông điệp đến Nga, Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Một máy bay ném bom B-1B tại sân bay Ørland vào ngày 13 tháng 3
Một máy bay ném bom B-1B tại sân bay Ørland vào ngày 13 tháng 3
TPO - Tháng Hai là một tháng lịch sử đối với các máy bay ném bom của Không quân Mỹ, khi chúng lần đầu tiên tham gia hai chiến dịch ở hai phía đối diện của địa cầu, gửi thông điệp đến Trung Quốc và Nga.

Vào ngày 3 tháng 2, một máy bay ném bom B-1 và 40 lính không quân được triển khai tới triển lãm thương mại Aero India ở miền nam Ấn Độ. Một máy bay ném bom của Mỹ đã xuất hiện lần gần nhất ở Ấn Độ là vào năm 1945, khi nước này vẫn còn nằm dưới sự cai trị của Anh,  và do vậy đây là lần đầu tiên máy bay ném bom Mỹ xuất hiện tại Cộng hòa Ấn Độ.

Sự kiện này bao gồm màn trình diễn phối hợp, khi máy bay ném bom Mỹ bay theo đội hình cùng máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Đây là "một thời điểm rất quan trọng" trong quan hệ quân sự Mỹ-Ấn, trung tá Michael Fessler, phi công trình diễn chính của Mỹ tại Aero India, nói trong một thông cáo.

Tướng Kenneth Wilsbach, người đứng đầu Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, đã lặp lại cảm xúc đó hồi cuối tháng 2, khi nói với Insider rằng "rất thú vị khi được chứng kiến cảnh đó”.

"Giá trị" của việc này là "sự hợp tác và khả năng trò chuyện trực tiếp với những người có lợi ích chung", tướng Wilsbach nói trong cuộc họp báo tại hội nghị chuyên đề về tác chiến trên không của Hiệp hội Không quân Mỹ.

Mối quan hệ Mỹ-Ấn thắt chặt trong những tháng gần đây, được thúc đẩy bởi căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Ấn Độ gần đây tạm giải tỏa thế đối đầu với Trung Quốc ở biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya.

Mỹ đã tăng cường hỗ trợ cho Ấn Độ trong cuộc đối đầu kéo dài nhiều tháng đó bằng cách cung cấp thiết bị chống rét và thông qua "chia sẻ thông tin tình báo", tướng Wilsbach cho biết hồi tháng 11 năm ngoái.

"Khả năng hợp tác với Ấn Độ đã mở rộng tới mức khiến nó thực sự quan trọng đối với chúng tôi", tướng Wilsbach nói với Insider hồi tháng Hai.

Ông Wilsbach đã đến thăm các nhà lãnh đạo Không quân Ấn Độ hồi đầu tháng 3 để thảo luận về "cách tăng cường hơn nữa" quan hệ song phương.

Đó là ở Nam Á. Còn vào ngày 22 tháng 2, bốn chiếc B-1 đã hạ cánh xuống Na Uy để triển khai máy bay ném bom của Mỹ tới quốc gia đó lần đầu tiên. Kể từ đó, chúng đã hoạt động quanh khu vực, bao gồm cả các cuộc hạ cánh lần đầu tiên xuống Ba Lan và Na Uy phần Bắc Cực.

Các hoạt động này "thực sự là một minh chứng tuyệt vời về quan hệ đối tác với những người bạn Na Uy của chúng tôi và khả năng làm việc thông qua khả năng  tương tác rất quan trọng", Tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở Châu Âu và Châu Phi, nói với Insider tại một cuộc họp báo.

Căng thẳng giữa NATO và Nga đã gia tăng kể từ khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014. Na Uy có chung đường biên giới với Nga và trước đây luôn thận trọng về các cuộc tập trận của NATO gần ranh giới đó.

Nhưng căng thẳng gia tăng đã dẫn đến nhiều hoạt động quân sự hơn ở Bắc Cực và Na Uy đã hợp tác chặt chẽ với các đồng minh NATO khi họ tăng cường hoạt động ở đó.

"Bắc Cực là một khu vực rất quan trọng đối với sự hợp tác giữa Mỹ và Na Uy", Frank Bakke-Jensen, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, nói tại một sự kiện gần đây.

"Việc triển khai này thể hiện một cơ hội hợp tác và huấn luyện chung với các lực lượng Na Uy", bộ trưởng Bakke-Jensen nói thêm.

Ông nói: “Đồng thời, phạm vi hoạt động của các đồng minh phải được đo lường để tránh leo thang và hiểu lầm không cần thiết”.

Các máy bay ném bom của Mỹ đã duy trì tốc độ hoạt động cao trên khắp thế giới, kể cả ở Trung Đông. Vào đầu tháng 3, các máy bay B-52 đã thực hiện "sứ mệnh tuần tra đa quốc gia" qua khu vực đó, lần thứ tư trong năm nay.

MỚI - NÓNG