> Tập trung phát triển kinh tế-xã hội nửa cuối năm
> Lỗi do cơ chế điều hành
> Mất cơ hội giảm giá xăng dầu do Bộ Tài chính?
Hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước có quyền được biết thực chất giá xăng dầu mà họ phải mua. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng:
Petrolimex cung cấp thông tin chưa đầy đủ
Thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội một số đại biểu Quốc hội rất băn khoăn về những công bố lỗ, lãi của Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ý kiến của ông ra sao?
Việc minh bạch thông tin trong sản xuất kinh doanh nói chung, cũng như việc cung thấp thông tin của các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, là điều rất cần thiết. Đây cũng là chủ trương của Chính phủ. Nếu một doanh nghiệp nào đó không minh bạch trong việc cung cấp thông tin sẽ dẫn đến những quan ngại của dư luận, không phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh cũng như bức tranh tài chính của đơn vị đó.
Điều này theo tôi chỉ có hại cho doanh nghiệp, chưa nói là nó gây tác động xấu đến xã hội. Cụ thể về giá xăng, dầu, tôi không phân tích một cách chi tiết nhưng có lẽ bản thân Petrolimex và các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu khác đã cung cấp thông tin chưa đầy đủ, nói chưa rõ. Dẫn đến, nhân dân và dư luận hiểu chưa hoàn toàn phù hợp với thực tế.
Ông có thể nói cụ thể hơn về việc công bố thông tin của các doanh nghiệp xăng, dầu?
Về Petrolimex, do là doanh nghiệp nhà nước, phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá, góp phần kiềm chế lạm phát. Do vậy, trong những giai đoạn hết sức khó khăn, giá xăng dầu thế giới tăng cao nhưng Petrolimex vẫn phải chịu sự chỉ đạo về giá của nhà nước. Dẫn đến tình trạng lỗ.
Tính chung lại, từ năm 2008 đến nay, theo tôi được biết Petrolimex vẫn đang lỗ trong kinh doanh xăng, dầu. Nhưng tại sao có câu chuyện Petrolimex nói là lỗ mà khi cáo bạch để IPO thì lãi. Lý do là, không phải Petrolimex chỉ kinh doanh xăng dầu, mà tổng công ty còn kinh doanh vận tải xăng, dầu, kinh doanh chế biến dầu nhờn, ngân hàng xăng dầu và các hoạt động khác có liên quan đến ngành kinh doanh chính.
Những hoạt động khác có lãi nên khi cộng tất cả lại thì bù được khoản lỗ của mặt hàng xăng, dầu. Phải nói rõ như vậy. Tôi sợ là Petrolimex nói chưa hết, chưa đầy đủ. Điều này phải qua kiểm toán mới rõ được.
"Theo tôi hàng năm nên kiểm toán bắt buộc các doanh nghiệp xăng dầu, điện."- Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng. |
Vậy ông có cho rằng phải kiểm toán cả giá xăng, dầu, điện để minh bạch thông tin?
Hằng năm, Kiểm toán Nhà nước đều có hoạt động kiểm toán cả. Nhưng do nhân lực kiểm toán không nhiều nên không thể cùng một lúc kiểm toán tất cả các doanh nghiệp được. Theo tôi hằng năm nên kiểm toán bắt buộc các doanh nghiệp xăng dầu, điện. Lần này, Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp vào kiểm toán việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Vừa qua, cũng có ý kiến cho rằng, chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội giảm giá xăng, dầu?
Ý kiến như vậy vì người ta cho rằng, thời điểm giá thế giới giảm, một vài mặt hàng xăng, dầu bắt đầu có lãi dù không nhiều, thì có thể điều chỉnh. Dù giảm giá chút ít cũng có tác dụng lớn về mặt tâm lý xã hội. Nhưng rất tiếc là giai đoạn giá thế giới giảm rất ngắn, nếu chúng ta giảm thì khi giá thế giới tăng lại phải điều chỉnh, sẽ gây khó khăn trong dư luận.
Đối với ngành điện, trong khi chưa có kết quả kiểm toán thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục thông báo lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm, như vậy việc đầu tư nguồn điện mới là rất khó khăn?
Rõ ràng với tình hình hiện nay về giá điện, cơ chế thì sản xuất của các cơ sở hiện có cũng như thu hút đầu tư mới sẽ tiếp tục khó khăn. Vì vậy, chủ trương của Đảng, nhà nước là tiếp tục cơ chế giá thị trường nhưng phải có lộ trình. Chúng ta không làm một cách đột ngột được mà phải đi từ từ mặc dù cũng có nhiều người sốt ruột. Tôi cho rằng không nóng ruột được.
Khi điều chỉnh giá phải tính đến những tác động về mặt xã hội. Ví như, trong bối cảnh hiện nay, khi lạm phát cao, đời sống người lao động khó khăn thì có nên điều chỉnh hay không? Nếu buộc phải điều chỉnh thì ở mức độ nào? Đó mới là điều quan trọng. Hiện nay chủ trương của Chính phủ là chưa điều chỉnh giá điện. Tôi cho là phải kiểm soát được lạm phát thì lúc đó mới tính đến việc điều chỉnh giá từng bước.
Như vậy là từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ không điều chỉnh giá điện, thưa ông?
Chính phủ yêu cầu, khi tính toán điều chỉnh giá điện phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể và các mục tiêu vĩ mô. Nếu lạm phát ở mức cao, đời sống nhân dân khó khăn thì chưa đặt vấn đề điều chỉnh.
Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ:
Sẽ làm rõ lỗ, lãi của Petrolimex
Ông Huệ nói:
Chúng ta phải kiên trì điều hành giá xăng, điện theo cơ chế thị trường. Nhưng phải tính đến mục tiêu kiềm chế lạm phát. Tôi nhấn mạnh phải kiểm soát để minh bạch giá thành xăng, dầu, điện.
Về giá xăng, dầu ông sẽ xử lý ra sao khi chính thức nhận nhiệm vụ mới?
Một trong những ưu tiên của tôi trong cương vị Bộ trưởng Tài chính là làm việc với các đơn vị trong bộ, cơ quan Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm để làm rõ thực trạng sản xuất kinh doanh, chi phí giá thành, lợi nhuận của Petrolimex trong thời gian vừa qua, nhất là những tháng gần đây khi có thông tin cho rằng chưa minh bạch.
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã vào kiểm toán Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Khi trích quỹ là căn cứ trên doanh thu, và khi sử dụng quỹ phải xem xét giá cơ sở và giá bán lẻ. Khi đó, chắc chắn sẽ rõ chi phí và lời, lỗ của hoạt động kinh doanh xăng, dầu. Vấn đề này sẽ phải làm rõ, minh bạch về hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, trong đó đặc biệt là Petrolimex, đơn vị chiếm 60% thị phần.
"Vấn đề này sẽ phải làm rõ, minh bạch về hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng, dầu, trong đó đặc biệt là Petrolimex, đơn vị chiếm 60% thị phần." - Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. |
Vậy khi nào kết quả kiểm toán sẽ được công bố, thưa ông?
Kiểm toán đã làm việc từ ngày 24-7 và sẽ kéo dài trong 40 ngày. Sau đó, có 45 đến 60 ngày để lấy ý kiến của các đơn vị và lập báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật.
Về giá điện, ông sẽ ưu tiên xử lý như thế nào?
Theo tôi, áp lực để tăng giá điện trong thời gian tới đã giảm bớt. Sau khi có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của EVN, sẽ xác định được mức độ lỗ của ngành điện. Chúng tôi đang yêu cầu EVN báo cáo để đánh giá lại khoản dự kiến lỗ lũy kế và chênh lệch tỷ giá cho đến 31-12-2011.
Hiện nay, số liệu sơ bộ cho thấy, lỗ lũy kế của ngành điện đã giảm đáng kể so với dự báo đưa ra từ đầu năm. EVN dự kiến mức lỗ lũy kế là trên 46.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ còn ở mức 35.000 tỷ đồng. Mức lỗ của năm 2011 chắc chắn sẽ ít hơn 2010. Bởi năm nay nước về các hồ thủy điện rất sớm mà giá thành thủy điện rất rẻ.
Hà Nhân thực hiện