Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương:

Phải kiểm soát thu nhập của người dễ tham nhũng

ĐB Đỗ Văn Đương: Phải kiểm soát thu nhập bất thường của công chức
ĐB Đỗ Văn Đương: Phải kiểm soát thu nhập bất thường của công chức
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: “Đối với tội phạm tham nhũng cần xử lý thật nghiêm khắc, mới đủ sức răn đe. Nhưng phòng tham nhũng cũng quan trọng không kém, trong đó có kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức, người dễ tham nhũng”.

Phải theo dõi nguồn gốc tài sản

Vấn đề kiểm soát tài sản cán bộ, công chức lâu nay đã đặt ra. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào trong phòng, chống tham nhũng?

Vấn đề kiểm soát tài sản cán bộ, công chức không quan trọng bằng kiểm soát nguồn thu nhập của họ. Tài sản không chỉ là đất đai, nhà cửa mà còn là tiền gửi ở các tổ chức tín dụng hay kim loại quý, nếu họ chôn giấu làm sao biết được. Thế nên phải kiểm soát thu nhập hằng tháng và những thu nhập bất thường của công chức. Đặc biệt, phải theo dõi địa chỉ những người có liên quan đến nhiệm vụ họ đang làm, ví dụ như họ thẩm định dự án, phân bổ ngân sách, phải theo dõi chính người đó. Việc theo dõi, giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không nên dàn trải. Tóm lại, phải theo dõi những người cán bộ có nguy cơ tham nhũng và tham nhũng lớn.

Tham nhũng vặt đang hoành hành, cử tri cho rằng điều đó không chỉ xói mòn lòng tin của người dân với cơ quan công quyền, mà làm tha hóa cả đạo đức xã hội: Hoặc người ta thờ ơ với tham nhũng vặt, để nó hoành hành; hoặc coi việc đó là tất nhiên “nộp phong bì cho được việc”?

Vấn đề kiểm soát tài sản cán bộ, công chức không quan trọng bằng kiểm soát nguồn thu nhập của họ. Tài sản không chỉ là đất đai, nhà cửa mà còn là tiền gửi ở các tổ chức tín dụng...

Ủy viên UB Tư pháp Quốc hội Đỗ Văn Đương

Tham nhũng vặt xảy ra ở những nơi cán bộ thực thi hành chính công. Đó là những người có chức trách bình thường nhưng họ thi hành các thủ tục hành chính, ví dụ như họ giữ con dấu, làm thủ tục cấp sổ đỏ, khám chữa bệnh...Nếu như tham nhũng lớn là ung nhọt nằm trong cơ thể thì tham nhũng vặt như loại chấy, rận bên ngoài cơ thể, nó cắn đầy đủ các bộ phận cơ thể bên ngoài, làm tiêu hao sinh lực, cũng rất nguy hiểm. Nguy hại hơn, nó làm tha hóa hình ảnh cơ chế kinh tế xã hội, gây phiền hà, bức xúc cho người dân, gây nhức nhối cho xã hội.

Cần thay đổi thủ tục hành chính, nếu cứ để ổ tham nhũng vặt phát triển, người dân rất khổ. Họ cảm thấy như mình bị áp bức, dồn nén về mặt tinh thần. Còn về tài sản, đối với mỗi người dân tuy không lớn, có thể vài chục đến vài trăm nghìn đồng, nhưng nếu tính toàn xã hội, trên nhiều lĩnh vực thì rất lớn. Vấn đề lớn hơn còn là lòng tin của người dân với chế độ.

Phải chống tham nhũng vặt bằng cách nào thưa ông?

Phải sửa đổi căn bản triệt để bằng việc đơn giản thủ tục hành chính. Muốn vậy phải có chế tài mạnh, giảm biên chế mạnh. Vì còn nuôi bộ máy công chức không làm được việc, ăn bám như hiện nay, còn xảy ra tham nhũng vặt. Càng đông người thì lương càng trải đều. Ai túng thiếu khi gặp tiền chẳng như người khát nước. Phải có cơ chế sàng lọc, cương quyết loại bỏ cán bộ thiếu đức. Không phải ai cũng thành cán bộ công chức được. Công chức ít mà tinh, tốt hơn là công chức kiểu đại trà như hiện nay.

Cần mạnh dạn tinh giản biên chế, trả lương xứng đáng, xử lý nghiêm khi công chức có sai phạm. Đấu tranh chống tham nhũng mà như gãi ngứa thì tham nhũng vặt càng phát triển, còn tham nhũng lớn vẫn nhiều.

Quyết liệt hơn

Gần đây, chúng ta đưa một loạt vụ án tham nhũng ra xét xử, nhưng dường như đó cũng vẫn chỉ là cách giải quyết phần ngọn, trong khi cái gốc phát sinh tham nhũng mới đáng lo ngại?

Đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng có hai mặt: Thứ nhất là phòng ngừa, hai là chống. Chống nghĩa là điều tra, xử lý, đưa ra tòa xét xử là một biện pháp xử lý tội phạm. Việc trừng phạt, thậm chí tước sinh mạng của đối tượng phạm tội tham nhũng như một số vụ gần đây là rất cần thiết. Xử nghiêm minh như vậy mới có tác dụng răn đe để người khác không dám phạm tội. Tuy nhiên, biện pháp hình sự đưa ra xét xử chỉ là bất đắc dĩ, vấn đề quan trọng là phòng ngừa, đó mới là phương hướng chính. Vấn đề không phải là việc trừng phạt tội phạm tham nhũng nặng hay nhẹ, quan trọng hơn là không để tội phạm đó xảy ra.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, chúng ta nói quá nhiều, nhưng tác dụng còn rất hạn chế?

Phải có biện pháp phòng ngừa tốt hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, phải quan tâm đến cơ chế quản lý. Cơ chế quản lý kinh tế hiện nay của chúng ta có nhiều sơ hở nên tội phạm tham nhũng lợi dụng. Cơ chế đề bạt, quản lý cán bộ cũng còn kẽ hở. Tội phạm không chỉ lợi dụng cơ chế mà còn là bản tính con người. Quan trọng là phải xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế pháp lý chặt chẽ, bịt kín những gì là nguyên nhân, điều kiện để tham nhũng. Ví dụ, Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công, Luật đầu tư và quản lý vốn, tài sản nhà nước vào sản xuất, kinh doanh; việc chi tiêu ngân sách, các gói hỗ trợ của nhà nước... Phải có cơ chê kiểm toán độc lập.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG