Thông tin chính thức về việc điều tiết, giảm lưu lượng xe buýt hoạt động trên các trục đường đang có công trường thi công để chống ùn tắc, chủ trì buổi họp báo sáng qua, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho hay: Sau khi khảo sát và nghiên cứu nhiều phương án, bắt đầu từ ngày 14/11, Sở GTVT thực hiện việc giảm từ 25% đến 46% lượng xe buýt trên các trục đường đang có công trường thi công, như Nguyễn Trãi đi Hà Đông, Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu. Thời gian giảm tập trung vào các khung giờ cao điểm sáng, chiều. Cụ thể, trên đường Nguyễn Trãi, hiện tuyến đường này đang có 10 tuyến buýt hoạt động, vào giờ cao điểm có 65 lượt xe với 9.500 lượt hành khách đi lại/giờ. Từ ngày 14/11, Sở GTVT Hà Nội thực hiện điều chỉnh giảm lưu lượng xe buýt tuyến đường này bằng cách giãn tần suất 5 tuyến buýt, gồm 02, 21, 22, 27, 39. “Với các tuyến 02, 22 sẽ điều chỉnh giãn cách từ 5 phút/lượt như hiện nay xuống còn 7 phút/lượt; đối với các tuyến 21, 27, 39 điều chỉnh giãn cách từ 8 phút/lượt xuống còn 10 phút/lượt”, ông Quang nói.
Theo ông Quang, phương án điều chỉnh này, giúp đường Nguyễn Trãi giảm được 12 lượt xe mỗi giờ trên một chiều đường, tương đương giảm được 25% lưu lượng xe buýt. Trên trục đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin, hiện tuyến đường này có 12 tuyến buýt hoạt động, giờ cao điểm tuyến đường có 69 xe với 7.700 lượt hành khách đi lại/giờ. Từ 14/11, Sở GTVT Hà Nội thực hiện điều chỉnh lộ trình 7 tuyến buýt, gồm 05, 16A, 16B, 27, 34, 35, 49. Theo đó, các tuyến buýt 16A, 16B, 27, 49 được điều chỉnh đi tránh đường Xuân Thủy theo lộ trình Trần Đăng Ninh - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông - Tôn Thất Thuyết; điều chỉnh tuyến buýt 35 đi tránh, đi vòng sang đường Cầu Giấy - Xuân Thủy theo lộ trình: Liễu Giai - Đào Tấn - Nguyễn Khánh Toàn - Trần Đăng Ninh - Nguyễn Phong Sắc; điều chỉnh tuyến 05 đi tránh đoạn trục cầu vượt Mai Dịch - Hồ Tùng Mậu theo lộ trình: Hàm Nghi - Nguyễn Cơ Thạch. “Tuyến đường Cầu Giấy - Xuân Thủy đoạn từ Trần Đăng Ninh đến cầu vượt Mai Dịch sau khi điều chỉnh theo phương án trên giúp tuyến đường này giảm được 24 lượt xe mỗi giờ cao điểm, tương đương 46%”, ông Quang nhấn mạnh.
Giảm xe buýt đã đi ngược chủ trương?
Trả lời câu hỏi của đại diện nhiều cơ quan báo chí về việc đường ùn tắc là do các công trường thi công chậm; việc giảm xe buýt đã đi ngược với chủ trương phát triển vận tải công cộng của thành phố Hà Nội?... Ông Quang cho rằng, hiện trên địa bàn thành phố đang có 45 công trình xây dựng liên quan đến đường giao thông, trong đó hai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Tại nhiều đoạn đường có công trường dự án thi công, lòng đường nhiều đoạn chỉ còn 3 đến 4 mét. Với mặt cắt ngang như vậy chỉ cần 1 xe buýt đi qua cũng đã bịt gần hết lòng đường, trong khi đó xe buýt không chỉ đi mà còn dừng lại để bắt khách. Việc này đã gây ùn tắc kéo dài và là lý do Sở GTVT Hà Nội phải điều chỉnh tần suất vào giờ cao điểm.
Theo ông Quang, nhờ có chủ trương hợp lý, xe buýt tại Thủ đô hiện nay luôn đông hành khách đi lại. Do vậy trước khi điều chỉnh Sở GTVT đã phải nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên trước thực tế ùn tắc hiện nay và việc thi công các dự án cũng là để giải quyết ùn tắc về lâu dài, cần phải điều chỉnh một số phương án giao thông, trong đó có xe buýt để đạt được các nhiệm vụ lớn hơn.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền phong về việc vẫn còn nhiều công trường lập hàng rào rồi để đấy; đến khi nào phương án điều chỉnh lưu lượng xe buýt sẽ kết thúc? Ông Quang, cho hay: Đi đôi với giải pháp điều chỉnh trên, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị thực hiện các dự án cam kết khẩn trương thi công, không thể để dự án chậm thêm nữa. Với hàng rào được lập mà không thi công sẽ bị thu hồi giấy phép. Riêng với hàng rào công trường hầm chui Thanh Xuân trên đường Nguyễn Trãi, Sở GTVT Hà Nội đang chỉ đạo lực lượng chức năng giám sát chặt và đưa ra yêu cầu chậm nhất trước Tết Âm lịch năm nay các đơn vị thi công phải dỡ bỏ toàn bộ hàng rào, khôi phục lại lượt chuyến buýt đã điều chỉnh. Tại công trường đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đường Cầu Giấy - Xuân Thủy, đoạn từ Cầu Giấy đến cầu vượt Mai Dịch, để phục vụ nhân dân đi lại dịp Tết Âm lịch, trong đó có việc khôi phục trở lại một số tuyến buýt đã bị điều chỉnh, hạng mục thi công trụ xà mũ phải xong và dỡ bỏ hàng rào.