Bài 1: Xe khách trá hình nghênh ngang cạnh Hồ Gươm
Trong khi Hà Nội lên phương án cấm xe buýt lớn vào khu phố nhỏ, có lô cốt để chống ùn tắc thì cạnh hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm), nhiều doanh nghiệp công khai lập văn phòng đón khách, đi chậm như rùa bò trong phố cổ, dừng đỗ bất ngờ...
Có tuần tra, xe vẫn chạy
Cách Hồ Gươm chưa đầy 500m, trục đường Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải luôn tấp nập các xe chở khách loại 16 chỗ đón khách đi Lạng Sơn. Hầu như bất cứ giờ nào trong ngày cũng có xe đi tuyến này quần thảo trên đường. Lơ xe thò đầu ra cửa kính hoặc mở toang cửa hét lớn “Lạng Sơn không?”, “Lạng Sơn đi”. Khi khách gật đầu, xe liền tạt nhanh vào lề; thậm chí dừng ngay lòng đường đón khách. Mỗi lần như vậy, dòng phương tiện phía sau dồn ứ; xe máy loạng choạng lách qua. Lúc cao điểm, xe máy húc vào đuôi nhau, giao thông ùn ứ, hỗn loạn.
Một phụ nữ tên Lan đang đợi xe, vừa từ chợ Đồng Xuân đi bộ ra bắt xe trở về Lạng Sơn, nói: “Cứ 10 đến 15 phút là có một chuyến đi Lạng Sơn. Bắt xe ở đây nhanh, khỏi phải sang bến xe”. Vừa dứt lời, bỏ nốt miếng bánh mỳ ăn dở vào miệng, chị này lách giữa làn xe máy đông nghịt lao về phía chiếc xe 16 chỗ màu bạc biển số 29V-3673 đi Lạng Sơn.
Quan sát tại một điểm trong vòng 30 phút ngày 26/10, chúng tôi chứng kiến có 4 xe đi Lạng Sơn qua đây. Xe tham gia tại “bến xe ngoài trời” này đủ thể loại: Xe đăng ký hoạt động chở khách theo hợp đồng (theo từng chuyến, chở đoàn khách) trá hình chở khách theo tuyến cố định; xe đăng ký chạy tuyến cố định từ Bến xe Lương Yên đi Lạng Sơn (đáng ra sau khi rời Bến xe Lương Yên phải đi ra phía ngoại thành qua cầu Vĩnh Tuy nhưng đã quay lại trung tâm vợt khách). Nhiều xe không treo biển để không quá lộ liễu; một số xe treo hẳn biển đón khách đi Lạng Sơn, thậm chí, có xe còn treo biển bằng tiếng Trung phục vụ khách Trung Quốc đi từ biên giới về Hà Nội và ngược lại.
Đáng lưu ý, trụ sở Đội CSGT số 1 Hà Nội và Đội Thanh tra Giao thông quận Hoàn Kiếm đều đóng trên trục đường này và lực lượng thường xuyên tuần tra qua đây.
Loạn xe hợp đồng, du lịch trá hình
Không chỉ xe chạy tuyến Lạng Sơn, xung quanh khu vực trung tâm Thủ đô này có hàng loạt công ty du lịch, khách sạn và kiêm luôn dịch vụ chạy xe hợp đồng, nhưng thực chất là xe chạy theo tuyến cố định.
Số 56 Trần Nhật Duật (Hoàn Kiếm) là trụ sở Cty du lịch Xaqueen, đồng thời cũng là nơi Cty này tổ chức hoạt động xe đón khách đi Lào Cai, Sa Pa. Mỗi ngày Cty này có hai 2 chuyến xe cố định đi Lào Cai, Sa Pa lúc 7h và 22h. Dù theo quy định của Bộ GTVT, xe hợp đồng du lịch chỉ được ký hợp đồng theo chuyến, phục vụ khách đoàn nhưng trên internet, Cty này công khai bán vé lẻ cho khách cá nhân với mức giá 250 nghìn đồng/chiều. “Xe gần phố cổ nên rất đông khách, anh muốn đi phải đăng ký và trả tiền ít nhất trước một tuần” - nhân viên Cty này nói.
Theo quan sát của PV Tiền Phong trong nhiều ngày, Cty này thường sử dụng hệ thống các xe nhỏ để gom khách đưa về trụ sở. Vì thế, mỗi khi xe “lên khách” người đi xe máy phải đi ra giữa đường để tránh những chiếc xe này.
Cách bờ hồ Hoàn Kiếm hơn 1 km, tại địa chỉ 338 phố Trần Khát Chân, Cty Hưng Long gần đây mở rộng hoạt động đón khách đi Quảng Bình. Cũng mang danh nghĩa chở khách du lịch nhưng thực chất đây là hoạt động xe khách tuyến cố định trá hình. Cty này thông báo công khai việc tiếp nhận khách lẻ, thu tiền từng người; thậm chí còn nhận vận chuyển hàng hóa như một xe khách tuyến cố định.
Cơ quan chức năng biết nhưng bất lực?
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, Đội trưởng Thanh tra Giao thông quận Hoàn Kiếm Nguyễn Việt Hà thừa nhận tình trạng xe hợp đồng, du lịch hoạt động như xe khách tuyến cố định diễn ra nhức nhối. “Nhiều Cty du lịch, khách sạn tổ chức đón khách theo tuyến cố định. Thậm chí có doanh nghiệp cho xe 50 chỗ chạy lòng vòng trong phố cổ đón khách gây ùn tắc. Tuy nhiên, họ lách luật bằng cách ký hợp đồng theo đoàn nên chúng tôi chỉ xử lý được lỗi dừng đỗ sai vị trí. Nếu muốn làm tận gốc phải lập đoàn thanh tra liên ngành” - ông Hà nói.
Trung tá Thiều Minh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 Hà Nội thừa nhận có tình trạng xe trá hình đang hoạt động mạnh quanh khu vực quận Hoàn Kiếm. Cũng như ông Hà, ông Ngọc cho hay, dù biết bản chất các xe này hoạt động trá hình nhưng không thể xử lý. Ông Ngọc chỉ “hứa” sẽ tăng cường lực lượng xử lý các lỗi dừng đỗ sai vị trí, bắt khách dọc đường.
Một cán bộ thuộc Phòng Quản lý Vận tải - Sở GTVT Hà Nội cho rằng, năm 2014, sau khi báo Tiền Phong có tuyến bài về hoạt động trá hình của Thành Bưởi tại TPHCM, Bộ GTVT có ra quy định xe hợp đồng phải thông báo qua Sở GTVT. Hiện ở Hà Nội, các doanh nghiệp chạy xe hợp đồng có thông báo nhưng lịch trình xe hợp đồng ngày nào cũng như nhau, thực chất là chạy xe cố định nhưng không có chế tài xử lý. “Thông tư của Bộ GTVT hầu như không có tác dụng gì trong việc xử lý các xe khách trá hình”, vị này nói.
Bảo An- Mỹ Duyên