Ông Võ Văn Thưởng: Phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề sống còn của Đảng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, phòng chống tham nhũng là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm, có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng, của Nhà nước, của chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước của ta hiện nay.

Ngày 23/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri thành phố để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã nêu một số ý kiến, kiến nghị liên quan đến việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, sai phạm đất đai xảy ra ở Đà Nẵng; công tác phòng, chống tham nhũng; các chính sách hỗ trợ người dân ảnh hưởng do COVID-19.

Ông Võ Văn Thưởng: Phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề sống còn của Đảng ảnh 1

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Thành

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các cử tri TP Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của Đà Nẵng. Năm 2019, trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33, Bộ Chính trị tiếp tục ra Nghị quyết 43 về xây dựng, phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong Nghị quyết 43, Bộ Chính trị đã nêu rất rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp rất quan trọng, rất cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của Đà Nẵng. Ban cán sự đảng Chính phủ đã phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chính sách đặc thù, chính quyền đô thị và xây dựng một số cơ chế cho TP Đà Nẵng.

Ông Võ Văn Thưởng: Phòng chống tham nhũng luôn là vấn đề sống còn của Đảng ảnh 2

Cử tri TP Đà Nẵng nêu ý kiến đến Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Thưởng cho biết, hiện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đang chuẩn bị đề án xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính lớn của cả nước và khu vực theo tinh thần Nghị quyết 43. Tuy nhiên, mô hình như thế nào? Vận hành theo cơ chế nào? Pháp luật và cơ chế chính sách đã đủ để hình thành trung tâm tài chính vận hành hiệu quả hay chưa? Nếu hình thành trung tâm tài chính và các chính sách TP đề xuất thì liệu có xung đột với chính sách hiện có và điều chỉnh như thế nào?...

“Sắp tới, khi Đà Nẵng làm xong với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tùy theo mức độ chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo để hiện thực hóa Nghị quyết 43 đã đề ra”, ông Thưởng cho biết.

Trả lời ý kiến của cử tri về các vướng mắc của TP Đà Nẵng hiện nay, Thường trực Ban Bí thư thẳng thắn nêu rõ: Trong quá trình phát triển, Đà Nẵng đã đạt được những thành tích rất lớn nhưng cũng có rất nhiều thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm. Để khắc phục, tháo gỡ các vấn đề này đòi hỏi sự kiên trì, tích cực và phối hợp giữa cơ quan Trung ương và TP Đà Nẵng, đặc biệt là trong việc thực hiện các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thực hiện các bản án đã có hiệu lực.

“Giải quyết vấn đề này phải căn cứ lịch sử của quá trình sử dụng đất, kinh nghiệm thực tế và phải nằm trong mối quan hệ với các địa phương có vấn đề tương tự để giải quyết. Có nhiều vấn đề Đà Nẵng nêu lên, nếu được giải quyết không chỉ có tác dụng cho Đà Nẵng mà còn có tác dụng cho các địa phương khác. Những vấn đề đó không chỉ có Đà Nẵng vướng mà một số tỉnh cũng đang vướng. Vậy phối hợp với nhau để giải quyết như thế nào, đòi hỏi Đà Nẵng phải cố gắng và cơ quan Trung ương phải tích cực chuẩn bị”, ông Thưởng nói.

Làm sao để cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng

Về công tác phòng chống tham nhũng, ông Võ Văn Thưởng cho biết: Đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm, có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của Đảng, của Nhà nước, của chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước của ta hiện nay. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 4 (khoá XIII) đặt vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng ở tầm mức cao hơn. Điều đó cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực luôn luôn ở mức độ cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngưng nghỉ và trên tất cả các lĩnh vực, kể cả trong lĩnh vực lập pháp.

“Đầu nhiệm kỳ Bộ Chính trị đã ra kết luận định hướng về xây dựng pháp luật, trong đó nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách.”, ông Thưởng cho biết.

Theo Thường trực Ban Bí thư, ngay sau Đại hội XIII, công tác phòng chống tham nhũng đã được triển khai rất tích cực. Đã có những cán bộ, thậm chí những đồng chí vừa bầu vào Trung ương khoá XIII nhưng phát hiện ra sai phạm cũng kiên quyết xử lý.

“Đây chỉ mới là xử lý bước đầu. Tinh thần là rõ đến đâu xử lý đến đó. Khi đã rõ, vi phạm quy định của Đảng, của Nhà nước trước hết xử lý hành chính, sau đó sẽ làm tiếp các bước để xử lý theo Luật Hình sự, xem xét một cách rất nghiêm túc”, ông Thưởng cho biết.

Cũng theo ông Thưởng, những quy định của Đảng sau Đại hội XIII đã sửa đổi theo hướng đổi mới, chặt chẽ, rõ ràng, có tính khả thi và phòng ngừa rất cao. Ví dụ Quy định 41 trước đây quy định về việc miễn nhiệm, từ chức nhưng trong vòng 10 năm thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức rất ít. Nhưng vừa rồi khi ban hành quy định mới vào đầu tháng 11, chúng ta đã miễn nhiệm 2 cán bộ trong đó có cả cán bộ cấp cao.

“Nếu cán bộ có khuyết điểm, có sai lầm, uy tín giảm sút thì trước hết khuyến khích từ chức nhưng đồng thời cũng phải tạo ra áp lực chính trị của tổ chức đảng, của cơ quan để cán bộ phải từ chức khi uy tín của cán bộ đó giảm sút, không chờ đến hết nhiệm kỳ”, ông Thưởng nói.

Ông Thưởng cũng cho biết thêm: Quy chế luôn hướng tới việc làm sao để cán bộ "không dám", "không thể", "không cần" và "không muốn" tham nhũng. Để không dám tham nhũng thì phải có hình phạt, trừng trị ngay thẳng, đúng mức. Để không thể tham nhũng phải có cơ chế chính sách chặt chẽ, công khai, minh bạch và sự giám sát của người dân phải được tăng cường, tăng hiệu quả. Còn ở mức độ cao hơn “không cần”, “không muốn” tham nhũng theo ông Thưởng phải cần có thời gian.

Theo Thường trực Ban Bí thư, có người đề xuất tăng lương để cán bộ không tham nhũng, nhưng thật ra không phải vậy. Bởi thực tế ở những nước giàu, có mức thu nhập rất cao vẫn xảy ra tham nhũng.

"Trong thực tế khi xử lý cán bộ, giải quyết các vụ án liên quan tham nhũng thì cán bộ tham nhũng không phải vì nghèo khó. Thậm chí cán bộ đó có điều kiện sống tốt hơn nhiều cán bộ khác nhưng vẫn tham nhũng”, ông Thưởng cho biết.

MỚI - NÓNG