Ngày 8/12, kỳ họp thứ 16, HĐND TP Đà Nẵng khoá IX tiếp tục phiên thảo luận để bàn về các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến.
Phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng đã đề cập đến cơ chế bảo vệ cán bộ trong việc khắc phục các sai phạm, vướng mắc ở Đà Nẵng trong thời gian qua.
Theo ông Hùng, trong suốt một thời gian dài thành phố vướng vào sai phạm liên quan đến quản lý đất đai trên địa bàn. Các sai phạm đều liên quan đến Kết luận 2852, Kết luận 34, Kết luận 269 của Thanh tra Chính phủ hay hàng loạt các bản án đã và đang thực thi. Các sai phạm tập trung vào việc giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, miễn giảm giá đất không đúng quy định, việc vận dụng chính sách đền bù không đúng đối tượng, xác định thời hạn đất lâu dài đối với đất sản xuất kinh doanh – thương mại dịch vụ…
“Một thời gian dài thành phố đã vận dụng những cách làm trên nhằm thúc đẩy tiến trình phát triển. Rất nhiều diễn đàn, nhiều tổ chức, lãnh đạo đánh giá Đà Nẵng như một điểm sáng trong vấn đề phát triển kinh tế xã hội”, ông Hùng nói.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho rằng nếu không có chính sách thu hút, rút ngắn thủ tục quy trình trong kêu gọi đầu tư thì những mảnh đất vốn là cát trắng, đất cằn cỗi xa xôi, hẻo lánh sẽ không ai để mắt đến. Nếu không có chính sách đột phá trong chính sách đền bù thì không thể di dời hàng trăm ngàn hộ dân trong một khoảng thời gian ngắn để kiến tạo diện mạo thành phố như hiện nay.
“Tuy nhiên, với pháp luật mọi sự vận dụng không phù hợp đều là sai phạm, phải xử lý, buộc phải khắc phục”, ông Hùng nhấn mạnh.
“Chúng tôi những người đang đương chức cũng rất ray rứt khi những người lãnh đạo đi trước đang phải hứng chịu, xử lý với mức án nặng nề. Hơn lúc nào hết cần sự chia sẻ,, cảm thông, cần tháo gỡ những nút thắt trong tư duy quan điểm khi tiếp cận vấn đề đất đai mang tính lịch sử của thành phố”, ông Hùng phát biểu.
Từ những thực tiễn xử lý các vấn đề sai phạm của TP Đà Nẵng hiện nay, ông Hùng đề nghị HĐND TP cần sớm xem xét ban hành một Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn vướng mắc đất đai, dự án đầu tư trên địa bàn TP . Trong đó, ông đề nghị cần có quan điểm cụ thể đối với các nhóm vấn đề trước đây để làm cơ sở cho các đơn vị tham mưu, tháo gỡ.
“Nghị quyết cần nêu rõ một số quy tắc để bảo vệ cán bộ trong quá trình tham mưu, đề xuất tháo gỡ vì có những sai sót, thiếu sót do vấn đề khách quan đem lại”, ông Hùng nói.
Đồng thời đề nghị Thường trực HĐND TP cần vào cuộc cùng nghiên cứu, định hướng những giải pháp chỉ đạo để cơ quan tham mưu thực hiện đối với các vấn đề do yếu tố lịch sử để lại.
“Chúng tôi từng đối diện với các văn bản trả lời với các nội dung “Đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật” nên rất lúng túng. Bởi bản chất vấn đề đã sai, tiếp cận tháo gỡ thì làm sao đúng quy định pháp luật”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trong các cuộc họp tháo gỡ, có những lúc tưởng như bế tắc. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo, nêu ra quy tắc: Đảm bảo phù hợp với những tình hình chung trước đây, phù hợp với quy định của pháp luật, không để xảy ra thất thoát. Với quy tắc này, có thể lướt qua những điều không đúng để có thể tham mưu tháo gỡ. Đây là một cách làm hiện nay của thành phố Đà Nẵng.
Ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ của cộng đồng, người dân trong việc xử lý các vướng mắc sai phạm. Quan điểm của thành phố luôn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, vận dụng các quy định hiện hành để tháo gỡ. Tuy nhiên rất cần có nhiều thời gian. Có những vấn đề vượt thẩm quyền phải xin ý kiến Trung ương.
Ông Hùng nêu ví dụ: Nghị định 79, liên quan đến việc xử lý tiền chậm nộp cuả các hộ dân tái định cư. Cuối 2018, TP Đà Nẵng kiến nghị với Trung ương liên quan đến việc này nhung mãi đến tháng 10/2019 mới có Nghị định 79.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý vướng mắc theo ông Tô Văn Hùng cần có sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà đầu tư mặc dù các vướng mắc dẫn đến sai phạm là của cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có phần trách nhiệm của doanh nghiệp do tiếp cận “đi tắt đón đầu”, xây dựng công trình nhưng bỏ qua bước lập dự án… Nếu không đồng hành thì nhiều dự án sẽ không có lối thoát, thiệt hại chung cho xã hội là rất lớn.
“Trong thời gian gần đây, trong các văn bản kiến nghị, thành phố tự nhận cái sai về mình. Việc này được doanh nghiệp đánh giá cao, thể hiện việc chính quyền không né tránh trách nhiệm. Nếu những giải pháp đưa ra hài hoà, rất mong các nhà đầu tư, doanh nghiệp chung tay cùng thực hiện”, ông Hùng chia sẻ.