Ông Quảng cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai nghị quyết Đại hội đảng bộ lần thứ 22 với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải tập trung cao đô, khẩn trương thực hiện quyết liệt các giải pháp, thúc đẩy kinh doanh, nhanh chóng khôi phục tăng trưởng kinh tế. Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 2 (nhiệm kỳ 2020 – 2025), lãnh đạo chính quyền thành phố đã xác định mục tiêu tăng trưởng của thành phố cố gắng phấn đấu trên 6%.
“Nếu mục tiêu này đạt được cũng chỉ phát triển bằng năm 2018. Đây là một khó khăn rất lớn nhưng cũng là mốc cần có sự phấn đấu với quyết tâm cao mới đạt được”, ông Quảng cho biết.
Bí thư Đà Nẵng đề nghị, trong năm 2021, TP cần rà soát điều chỉnh, ban hành các cơ chế, chính sách cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút mạnh các tập đoàn kinh tế lớn. Quyết liệt triển khai thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công… HĐND TP cần tập trung đề xuất, quyết định các giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý đất đai của các dự án tồn đọng, kéo dài, giúp khơi thông nguồn lực, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư…góp phần tạo những động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của cả TP.
Nói về việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển Đà Nẵng, ông Quảng yêu cầu HĐND TP tập trung thảo luận, đưa ra những giải pháp, quyết sách để thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội.
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong năm 2020, khó khăn của TP Đà Nẵng trong phát triển đã kéo theo khó khăn trong việc thu ngân sách. Tuy nhiên, trong thu ngân sách có một điểm sáng là thu từ đất vượt 36%. Mức thu này, không phải đấu giá các khu đất mới mà do tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo ra cơ chế để các nhà đầu tư cũ nộp tiền sử dụng đất.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng lên 3 kịch bản tăng trưởng trong năm 2021. Kịch bản 1, ngay từ đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi nhanh, tốc độ tăng GRDP năm 2021 (giá so sánh 2010) đạt 8,5-9%. Các loại hình dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông lâm thủy sản... đều tăng trưởng. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 8,5-9%, trong đó vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt khoảng 9.600 tỷ đồng.
Kịch bản 2: 6 tháng đầu năm 2021, kinh tế thành phố phục hồi chậm, và bắt đầu tăng tốc từ quý III/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt trên khoảng 5-6%, tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đạt thấp hơn năm 2019 và cao hơn năm 2018. Các loại hình kinh tế khác sẽ tăng trưởng nhưng chậm.
Kịch bản 3: Năm 2021, kinh tế thành phố vẫn phục hồi chậm, chỉ có thể tăng tốc từ quý IV/2021. Tốc độ tăng GRDP năm 2021 đạt khoảng 3-3,5%, tổng giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các khu vực Dịch vụ, Công nghiệp và xây dựng đạt xấp xỉ năm 2018.
Theo ông Minh, kịch bản 1 là lý tưởng. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, kịch bản 3 cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, kịch bản 2 là lựa chọn phù hợp, đồng thời khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, thành phố sẽ phấn đấu để đạt các chỉ tiêu tăng trưởng theo kịch bản 1.
Kỳ họp thứ 16 HĐND TP Đà Nẵng cũng sẽ xem xét miễn nhiệm và bầu các chức danh Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch UBND TP và một số Ủy viên UBND TP. Ông Nguyễn Văn Quảng thay mặt Thành ủy ghi nhận tinh thần trách nhiệm và những đóng góp quan trọng của ông Nguyễn Nho Trung (Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng), ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) trong nhiệm kỳ 2016-2021.
“Ban Thường vụ Thành ủy tin tưởng, kỳ vọng các lãnh đạo chủ chốt HĐND TP và UBND TP được kiện toàn tại kỳ họp này sẽ có tín nhiệm cao của các đại biểu HĐND TP và của cử tri, nhân dân TP. Các lãnh đạo chủ chốt được bầu, sẽ luôn đặt lợi ích của người dân và TP lên hàng đầu trong thực thi nhiệm vụ để xây dựng TP Đà Nẵng”, ông Quảng nhấn mạnh.