Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của ông Tập Cận Bình với một nhà lãnh đạo thế giới trong gần hai năm qua. Tối nay tại Bắc Kinh sẽ diễn ra lễ khai mạc Olympic mùa Đông 2022 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ, tổ chức quốc tế, trong đó có ông Vladimir Putin.
Thỏa thuận khí đốt
Trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm nay, Tổng thống Putin ca ngợi mối quan hệ thân thiết giữa Nga và Trung Quốc vào thời điểm gia tăng căng thẳng với phương Tây về khủng hoảng Ukraine và các vấn đề khác, Al Jazeera đưa tin. Ông nói rằng, mối quan hệ Nga-Trung “là một ví dụ về mối quan hệ đàng hoàng”.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Putin và ông Tập thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư. Ông Putin cho biết, Nga đã chuẩn bị một thỏa thuận mới để cung cấp cho Trung Quốc 10 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ khu vực Viễn Đông của nước này.
Trung Quốc đã tăng cường ủng hộ Nga trong tranh chấp với các cường quốc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, điều này “không nhất thiết có nghĩa là Trung Quốc sẽ hoan nghênh bất kỳ cuộc tấn công tiềm năng nào nhằm vào Ukraine” vì Bắc Kinh đang có mối quan hệ tốt đẹp với Kiev, một đối tác thương mại quan trọng cũng là một phần của sáng kiến Vành đai - Con đường, Al Jazeera nhận định.
Theo Al Jazeera, chắc chắn ông Tập không muốn bất cứ điều gì phá vỡ sự ổn định; hai nhà lãnh đạo đang cố gắng truyền tải thông điệp về một mặt trận thống nhất khi cả hai nước phải trải qua quan hệ khó khăn với Mỹ và các đồng minh trong những năm gần đây.
Theo giới quan sát, Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng họ sẽ hỗ trợ Nga về mặt kinh tế nếu Mỹ áp đặt bất kỳ hình thức trừng phạt nào nhằm vào Nga. Trong khi đó, Nga đang tìm kiếm sự hỗ trợ sau khi việc triển khai 100.000 binh sĩ gần biên giới với Ukraine khiến nhiều quốc gia phương Tây cảnh báo về một cuộc tấn công và “hậu quả nghiêm trọng”.
Hôm qua (ngày 3/2) tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Ông Vương nói rằng, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Mátxcơva để “làm sâu sắc thêm tình hữu nghị lâu đời và sự phối hợp chiến lược toàn diện giữa hai nước”, China Daily đưa tin.
Tuần trước, ông Vương gọi những lo ngại về an ninh của Nga là “chính đáng”, nói rằng chúng cần được “xem xét và giải quyết một cách nghiêm túc”.
Chủ tịch Trung Quốc đã không rời khỏi đất nước kể từ tháng 1/2020, khi nước này vật lộn với đợt bùng phát đại dịch COVID-19 đầu tiên. Giờ đây ông dự kiến gặp hơn 20 nhà lãnh đạo nhân dịp khai mạc Thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh.
Các nhà phân tích nhận định, Trung Quốc hy vọng Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ là một chiến thắng của quyền lực mềm và chuyển sự chú ý khỏi cuộc tẩy chay ngoại giao và lo ngại về đại dịch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 4/2. Ảnh: Sputnik. |
Quan hệ “kiểu mẫu”
Mỹ cảnh báo Trung Quốc
Trong một tuyên bố chung, Mátxcơva và Bắc Kinh tán thành chia sẻ quan điểm về một loạt vấn đề địa chính trị, nhưng tránh nêu đích danh cuộc khủng hoảng Ukraine, thay vào đó ám chỉ sự phản đối “các cuộc cách mạng màu” và “một số lực lượng đại diện cho một thiểu số trên thế giới”, những người “tiếp tục ủng hộ các cách tiếp cận đơn phương để giải quyết các vấn đề quốc tế ”. Chỉ vài giờ trước cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Mỹ cảnh báo Trung Quốc không nên giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt tiềm tàng liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, The Washington Post đưa tin ngày 4/2.
Tổng thống Putin đã ca ngợi mối quan hệ “kiểu mẫu” của Mátxcơva với Bắc Kinh trong cuộc điện đàm với ông Tập hồi tháng 12/2021, gọi người đồng cấp Trung Quốc là “bạn yêu quý”.
Hôm qua, Xinhua đăng một bài viết của ông Putin, trong đó nhà lãnh đạo Nga vẽ chân dung hai nước láng giềng với những mục tiêu toàn cầu càng lúc càng có điểm chung. Ông Putin viết: “Sự phối hợp chính sách đối ngoại giữa Nga và Trung Quốc dựa trên các cách tiếp cận gần gũi và trùng hợp để giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực”.
Ông Putin cũng đề cập các cuộc tẩy chay ngoại giao của phương Tây do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Thế vận hội Bắc Kinh với lý do Trung Quốc vi phạm nhân quyền. “Đáng buồn thay, những nỗ lực của một số quốc gia nhằm chính trị hóa thể thao vì lợi ích ích kỷ của họ gần đây đang gia tăng mạnh mẽ”, ông Putin viết, đồng thời gọi những động thái như vậy là “sai lầm cơ bản”.
Mối quan hệ Nga-Trung nồng ấm trở lại sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990 và hai nước theo đuổi quan hệ đối tác chiến lược trong những năm gần đây, hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề thương mại, quân sự, địa chính trị. Mối quan hệ này được tăng cường dưới thời ông Tập.