“Mong được về với mẹ”
Ngày 19/5, Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại QCHQ. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiến - Đô đốc, nguyên Tư lệnh Hải quân thừa nhận có trách nhiệm khi không kiểm tra việc cấp dưới, để Cty Hải Thành (100% vốn của hải quân) mang 3 khu đất tại đường Tôn Đức Thắng (TPHCM) đi góp vốn sai quy định trong 49 năm, gây thiệt hại 939 tỷ đồng.
Vị cựu Đô đốc khẳng định được đào tạo tốt trong 9 năm ở nước ngoài về quân sự nhưng chưa một ngày học về kinh tế, đất đai. Ông Hiến nói thêm, không đồng tình hoàn toàn với cáo buộc ông phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như truy tố. Bị cáo cho biết, từng chỉ đạo tổng kiểm tra cả dự án kinh tế thuộc hải quân gồm cả Cty Hải Thành. “Tôi yêu cầu đến từng khu đất, từng công ty. Công ty phải cử cán bộ có năng lực làm việc với đoàn. Tôi đã ra chỉ thị rất kỹ” - bị cáo Hiến nói. Tuy vậy, ông Hiến thừa nhận không đủ sát sao, quyết liệt và không “truy” đến cùng sự việc.
Về thời gian xảy ra vụ án (từ 2006 - 2010), bị cáo Hiến cho biết ông rất bận vì ngoài chỉ huy bộ đội, ông phải làm công tác Đảng, Đại biểu Quốc hội, lớp trưởng nghiên cứu sinh quân sự… Khai báo về tình tiết giảm nhẹ, ông Hiến nói trong thời gian làm Tư lệnh QCHQ đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh vì thiết kế công trình phòng thủ ở Trường Sa; chỉ huy bộ đội vượt nhiều khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ như đối với sự kiện giàn khoan 981…
Ông Hiến cho biết thêm, hiện còn mẹ già 91 tuổi - người góa chồng từ năm 30 tuổi và có con trai đầu hi sinh trên chiến trường Quảng Trị. Vị này nói: “Bị cáo trước đây đau đáu mong muốn khi nghỉ hưu sẽ về với mẹ để bù đắp cho mẹ”. Trả lời về việc nhận một phần lỗi trong vụ án này, ông Hiến đáp: “Tôi nhận và hoàn toàn chịu trách nhiệm với lỗi của mình trước tổ chức, pháp luật, đồng đội và nhân dân”.
Cầm cố đất quốc phòng
Cũng tại tòa, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) - nguyên Thượng tá, Phó TGĐ Cty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Cty CP phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P kêu oan. Theo truy tố, năm 2005, ông Hệ lập Cty Yên Khánh, cho cháu mình là Vũ Thị Hoan đứng tên giám đốc và sau đó tuyển bị cáo Phạm Văn Diệt vào làm việc. Ông Hệ cũng có một loạt các Cty khác như CP Tập đoàn Đức Bình, Cái Mép, xăng dầu Thái Sơn B.Q.P... trong đó Đức Bình có vai trò chỉ đạo các Cty còn lại.
Năm 2006, bị cáo Hệ đề nghị QCHQ cho Cty Yên Khánh liên doanh với Cty Hải Thành để xây dựng cao ốc trên khu đất quốc phòng số 7 - 9 đường Tôn Đức Thắng (trị giá hơn 525 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Hệ chỉ đạo cấp dưới lấy sổ đỏ khu đất, chuyển tên chủ sở hữu và thế chấp tại ngân hàng BIDV cho các công ty của mình vay tiền. Các công ty của Út “trọc” được vay gồm Yên Khánh 40% thế chấp để mua quyền thu phí cao tốc Trung Lương; Cty BOT Việt Trì nhận 10% để xây cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT; Cty BOT và BT Quốc lộ 20 (liên doanh giữa Tổng Cty 319 Bộ Quốc phòng với Yên Khánh, Thái Sơn Bộ Q.P) nhận 8%...
Trả lời tại tòa, đại diện QCHQ (bị hại trong vụ) khẳng định Đinh Ngọc Hệ đã chiếm đoạt khu đất số 7 - 9 đem đi thế chấp tại BIDV, đến nay không có khả năng trả nợ và tài sản này có nguy cơ bị phát mại. Đại diện QCHQ cho rằng: “Các bị cáo Hệ, Diệt, Hoan gian dối lập tờ trình để xin liên doanh xây dựng văn phòng. Đến nay, QCHQ mới biết năm 2006, Cty Yên Khánh chỉ thành lập được 7 tháng, không có vốn. Chị Hoan làm giám đốc là sinh viên năm nhất hệ cao đẳng”.
Cũng tại tòa, bị cáo Phạm Văn Diệt nói bản thân chỉ là nhân viên, mọi hoạt động tại Cty Yên Khánh do Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo. Tương tự, Vũ Thị Hoan khai năm 2005, bị cáo là sinh viên, ở nhờ nhà cậu ruột là Đinh Ngọc Hệ và được cậu nhờ đứng tên giám đốc Cty Yên Khánh. Bà Hoan nói mình không thể thực hiện dự án lớn như tại khu đất số 7 - 9 vì: “Bị cáo chỉ là sinh viên năm nhất, làm gì có trình độ”.
Út “trọc” tự bào chữa
Được đưa từ phòng cách ly vào, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khẳng định các bị cáo Diệt, Hoan khai không đúng, ông không biết gì về Cty Yên Khánh, không biết khu đất số 7 - 9 thế chấp ở BIDV để vay tiền... Chủ tọa hỏi lý do bị cáo giúp Cty Yên Khánh vay tiền, Út “trọc” khai: “Ai nhờ gì, nếu giúp được bị cáo cũng giúp. Khi vụ án được khởi tố, bị cáo mới biết mình có hỗ trợ Cty Yên Khánh vốn bằng tài sản của bị cáo”.
Ông Hệ cũng khẳng định không liên quan đến Cty CP Tập đoàn Đức Bình và lý giải việc công ty này trả tiền điện thoại của mình như sau: “Khi khởi tố vụ án, bị cáo mới biết Cty CP Tập đoàn Đức Bình của cháu rể bị cáo, tên Đặng Thái Hà làm giám đốc… Cháu rể bị cáo nói đưa số của chú vào, cháu nộp tiền cho”. Khai báo lý do Cty Yên Khánh có trụ sở tại nhà mình, Út “trọc” nói: “Nhà 72 khu 4 phường Thảo Điền là gần năm 2000, mẹ ruột mua cho tôi nhưng mẹ tôi ở, quản lý. Năm 2010, tôi lấy vợ lần hai mới về ở. Bị cáo không biết tại sao Cty Yên Khánh đặt trụ sở ở đó”.
Đinh Ngọc Hệ cũng khẳng định mình chỉ làm việc tại Cty Thái Sơn Bộ Q.P, không liên quan tới công ty khác trong vụ án. Ngược lại, nhân chứng Trần Văn Lâm cho biết các Cty BOT Việt Trì, BOT quốc lộ 20, CP Tập đoàn Đức Bình… đều do Đinh Ngọc Hệ nhờ con cháu đứng tên cổ đông. Ông Lâm hiện đang thụ án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại một vụ án liên quan Đinh Ngọc Hệ được Tòa án quân sự Trung ương xử phúc thẩm năm 2018. Trong vụ này, Út “trọc” phải nhận 12 năm tù.
Ông Hiến cho biết thêm, hiện còn mẹ già 91 tuổi - người góa chồng từ năm 30 tuổi và có con trai đầu hi sinh trên chiến trường Quảng Trị. Vị này nói: “Bị cáo trước đây đau đáu mong muốn khi nghỉ hưu sẽ về với mẹ để bù đắp cho mẹ”. Trả lời về việc nhận một phần lỗi trong vụ án này, ông Hiến đáp: “Tôi nhận và hoàn toàn chịu trách nhiệm với lỗi của mình trước tổ chức, pháp luật, đồng đội và nhân dân”.