Theo đó, HBC thông qua nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT, chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải từ ngày 1/1/2023. Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tính pháp lý trong việc đề cử ông Lê Viết Hiếu đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc, theo quy định của Luật Doanh nghiệp vào kỳ đại hội cổ đông năm 2023 sắp tới.
Nghị quyết cũng thông qua việc thành lập Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình và ông Lê Viết Hải giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Hội đồng quản trị HBC cũng thông qua nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú - Thành viên Hội đồng quản trị độc lập - giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình kể từ ngày 1/1/2023.
Ông Lê Viết Hải (trái) và ông Nguyễn Công Phú. |
Ông Nguyễn Công Phú sinh năm 1951, tốt nghiệp kỹ sư tạo tác - thủy lợi khoá đầu tiên tại Đại học Khoa học Huế. Năm 1993, ông trúng tuyển học bổng của Chính phủ Pháp để học tiến sĩ về cơ học đất và công trình ngầm tại Đại học Khoa học Paris - Trường Cầu đường Paris.
Ông Nguyễn Công Phú đã tham gia thiết kế, quản lý nhiều công trình xây dựng tại hơn 20 quốc gia trên thế giới và tham gia nhiều công trình lớn của Việt Nam như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hầm Đèo Cả… Tại đại hội cổ đông năm 2021 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông Nguyễn Công Phú được bầu vào Thành viên hội đồng quản trị độc lập, thành viên ủy ban kiểm toán.
Trong khi đó, Hội đồng sáng lập Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ tham mưu, tư vấn và phản biện cho Hội đồng quản trị và Ban điều hành của HBC về sửa đổi điều lệ công ty và bất kỳ các thay đổi quan trọng nào trong hoạt động kinh doanh của công ty hoặc bắt đầu một loại hình kinh doanh mới; các hợp đồng mua bán, sáp nhập công ty, các dự án đầu tư trị giá 100 tỷ đồng trở lên; việc cấp bảo lãnh có giá trị trên 20 tỷ đồng; bổ nhiệm, thay thế hoặc thay đổi Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn và các công ty thành viên, công ty liên kết…
Vào tháng 7/2022, ông Lê Viết Hiếu - con trai ông Lê Viết Hải từ vị trí Tổng giám đốc điều chuyển xuống làm Phó Tổng Giám đốc thường trực. Theo ông Hiếu, việc điều chuyển này là để phù hợp với pháp luật hiện hành, được quy định tại Khoản 3 Điều 101 Luật Doanh nghiệp 2020.
Ngoài ra, HBC cũng lập tổ công tác đặc biệt, ông Hiếu nói đây là phương án nhằm đối phó với khủng hoảng sắp tới. Hiện tại, thị trường có rất nhiều diễn biến khó lường, không chỉ khó khăn chung của thế giới mà thị trường trong nước cũng rất thách thức. Đơn cử, việc giới hạn tín dụng, lãi suất tăng làm cho giao dịch bất động sản giảm mạnh, các chủ đầu tư cũng khó khăn dẫn đến các công ty xây dựng bị hệ luỵ.
Tổ công tác đặc biệt sẽ tập trung vào hai vấn đề nóng nhất của công ty hiện nay là dòng tiền. Vấn đề ưu tiên của HBC là phải làm sao vượt qua được khó khăn sắp tới. Trong đó, để đảm bảo dòng tiền, HBC sẽ thúc đẩy việc thoái vốn tại các công ty bất động sản cũng như các công ty con chưa hiệu quả, tái cấu trúc theo hướng tiết giảm tối đa chi phí…
Các công trình do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thi công đã phủ sóng tại 49 tỉnh, thành trong cả nước. |
Bức tranh hiện nay vô cùng khó khăn, không riêng HBC mà tất cả các doanh nghiệp. Tổ công tác đặc biệt sẽ do thành viên hội đồng quản trị bổ nhiệm ứng viên, trong đó thành viên bao gồm nhân sự ở các bộ phận chủ chốt như thành viên hội đồng quản trị độc lập, kiểm toán nội bộ, thủ quỹ….
Việc hỗ trợ hoạch định lại chiến lược của Tập đoàn trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế mà dự báo sẽ kéo dài khoảng hai năm sắp tới.
Trong quý III năm nay, doanh thu của HBC tăng 80%, lên mức 3.778 tỷ đồng. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty thu về gần 283 tỷ đồng, tăng 144%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HBC ghi nhận 10.904 tỷ doanh thu và 113 tỷ lợi nhuận trước thuế, cùng tăng so với cùng kỳ.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2022, 3 doanh nghiệp xây dựng niêm yết đầu ngành là HBC, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons và Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) có sự phân hoá rõ rệt. Trong khi Ricons tăng trưởng vượt bậc, Hòa Bình nỗ lực giữ vững chỉ số, thì Coteccons đang trong quá trình đi xuống. Đánh mất vị thế và đi sau Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình trong năm 2021, đến quý III Coteccons còn bị Ricons vượt mặt.