Ông hoàng truyền thông Larry King: Tôi thích nghe tiếng người

0:00 / 0:00
0:00
Larry King: "Mỗi sáng tôi đều tự nhủ mọi điều tôi nói ra hôm nay không dạy được tôi điều gì. Nên nếu muốn học hỏi, tôi sẽ phải lắng nghe"
Larry King: "Mỗi sáng tôi đều tự nhủ mọi điều tôi nói ra hôm nay không dạy được tôi điều gì. Nên nếu muốn học hỏi, tôi sẽ phải lắng nghe"
TP - Cuộc ra đi thời COVID của Larry King đầu năm nay, giữa lúc dân chúng và truyền thông Mỹ bị tách làm hai nửa không thể dung hòa, đặt ra câu hỏi lớn: “Sau King liệu các cuộc đối thoại hay tranh luận ôn hòa như trong các show Larry King Live của đài CNN có còn khán giả?”. Thiên hạ liệu có tác loạn đối đầu khi hoàng đế truyền thông cổ điển băng hà?

TỪ ÐỐI THOẠI ÐẾN LÀM TIN

Hoàng đế lúc sinh thời luôn có vị trí trung dung giữa báo lá đa lá đề và lá cải. Những bài báo ông viết cho USA Today thường tràng giang đại hải, những câu hỏi phỏng vấn trên truyền thanh hay truyền hình dường như quá đơn giản, theo nhiều nhà phê bình là thiếu chiều sâu. King đập lại: “Tôi không phải là Ted Koppel (chủ trì show Nightline chuyên các chủ đề chính luận cứng nhắc)”. Tự ông không bao giờ coi mình là nhà báo, mà chỉ đơn thuần là nhà giải trí truyền thông gốc Do Thái sinh trưởng ở Brooklyn. Song cách tiếp cận khiêm nhường trong các show phỏng vấn đã giúp ông có những phản hồi giàu thông tin từ các nhân vật khác nhau và cách lập ngôn súc tích giúp khán giả khắp nơi trên thế giới dễ dàng thu nhận thông tin. Với số đông, ông là nhà báo đích thực.

Công thức của King: “Nếu có một hay nhiều câu hỏi dài trên ba câu nói thì cuộc phỏng vấn không thể thành công”.

Các câu hỏi của King thường mềm mỏng nhưng sắc bén và gợi mở. Năm 1992, trước chủ đề gây tranh cãi triền miên về quyền nạo thai của phụ nữ, King (theo trường phái cấp tiến) đã hỏi thẳng Phó Tổng thống Cộng hòa bảo thủ Dale Quayle: “Nếu con gái ông tới hỏi ý kiến về một vấn đề khiến mọi người cha lo sợ thì ông sẽ trả lời sao?”. Dale Quayle không giận dữ hay khó chịu, trả lời rằng ông sẽ tôn trọng ý kiến con gái. Chủ đề căng thẳng cũ rích bỗng có thông tin mới.

Ông hoàng truyền thông Larry King: Tôi thích nghe tiếng người ảnh 1

Cuộc tranh luận về NAFTA giữa tỷ phú Ross Perot và Phó tổng thống Al Gore trên Larry King Live năm 1993 là chương trình có lượng người xem nhiều nhất cho đến 2015. Ứng viên độc lập liên tục mắng Phó tổng thống vì hay cắt lời, tuy vậy nội dung rất cuốn hút

Năm 1995, làm việc trong một công ty lớn ở Singapore với vốn tiếng Anh ít ỏi, tôi thường đón xem show Lary King Live mỗi tối và đọc cuốn Cách nói chuyện với mọi người ở mọi lúc mọi nơi (1994)của King. Ông thuyết phục độc giả về cách đặt câu hỏi ngắn và hành xử chân thành khiêm tốn. Hơn hết ông đề cao tính trung thực và khả năng kiên nhẫn lắng nghe. Ông lặp lại những lời khuyên này trong nhiều cuộc nói chuyện suốt nhiều năm, lần cuối cùng là với nhà báo đồng tính Dave Rubin. Công thức của King: “Nếu có một hay nhiều câu hỏi dài trên ba câu nói thì cuộc phỏng vấn không thể thành công”. Bí quyết cũng chỉ có một: Lắng nghe, lắng nghe và lắng nghe. Theo ông, người biết lắng nghe là người kiểm soát cuộc nói chuyện.

Đài từ trầm ấm ôn tồn, câu hỏi đơn giản ngô nghê, King dẫn cuộc tranh luận hóc búa nảy lửa năm 1993 giữa Phó tổng thống Al Gore và ứng cử viên độc lập Ross Perot về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, và talk show này đã dẫn đầu về lượng người xem suốt hai thập kỷ: 87 triệu, không thua gì số lượt follow trên trang Twitter của cựu Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái.

Từ loạt phỏng vấn trong cuộc chiến của Mỹ ở Iraq tới vụ án O. J. Simpson. Do chạy theo chủ đề thời sự, King bị chỉ trích là thực dụng chạy theo lợi nhuận, khi hủy không thương tiếc nhiều cuộc hẹn phỏng vấn khác.

TRỰC DIỆN, TRỰC TUYẾN VÀ TRỰC TIẾP

Dù tin rằng nội dung phỏng vấn quan trọng hơn hình thức truyền tải, rằng radio hay TV nào có khác gì Facebook, Youtube hay Twitter, King cuối cùng phải thoái vị năm 2010 khi Larry King Live, từng tồn tại suốt phần tư thế kỷ, có lượng view giảm mạnh. Tuy thế nhiều chương trình phỏng vấn của King vẫn lưu trong trí nhớ sâu đậm của nhiều thế hệ. King hỏi bạn đồng niên Elizabeth Taylor: “Bà vẫn đang sống đấy chứ?”, cầm tay “Liz” âu yếm ngắm một chiếc nhẫn bà mới thiết kế, rồi một mẫu vòng cổ tinh xảo, cuối cùng buông một câu giọng rất duyên: “Đồ mỹ ký đấy hả bà?”. Bà bạn đay lại: “Đây mà là mỹ ký à?”. Khán giả bị cuốn hút, khán giả bật cười khi King tiếp tục: “Bà còn định lấy chồng nữa không?”. Khán giả bỏ qua luôn chuyện có một chân gỗ (giám đốc công ty trang sức của Elizabeth Taylor) gọi điện tới.

Ông hoàng truyền thông Larry King: Tôi thích nghe tiếng người ảnh 2

Larry King nhiều lần phỏng vấn bạn cùng thời Elizabeth Taylor. Cả hai đều kết hôn 8 lần

King hơn một lần dùng thủ thuật chân gỗ. Trong cuộc phỏng vấn với đương kim Tổng thống George H.W. Bush, ông cho trưởng ban tranh cử của ứng viên Tổng thống Bill Clinton gọi vào. Bị chỉ trích là có mánh lới truyền thông rẻ tiền, là không phải làm báo chuyên nghiệp. Nhưng số đông tha thứ. Trước King và sau King không ai có dáng ngồi vươn về phía trước và cách nhìn ân cần với người đối diện. Không ai có thể kiếm tiền không mệt mỏi suốt 60 năm nhờ chỉ nói chuyện với nhiều nhân vật nổi tiếng. Ít khi chuẩn bị trước câu hỏi hay đọc các tác phẩm của nhân vật, các chương trình của King không theo khuôn phép song có tính trực tiếp thứ thiệt, thời sự thứ thiệt. Từ loạt phỏng vấn trong cuộc chiến của Mỹ ở Iraq tới vụ án O. J. Simpson. Do chạy theo chủ đề thời sự, King bị chỉ trích là thực dụng chạy theo lợi nhuận, khi hủy không thương tiếc nhiều cuộc hẹn phỏng vấn khác.

TRÍ TÒ MÒ VÔ HẠN

Dù sao mặc lòng, giới hâm mộ vẫn coi King là một kẻ thực dụng lãng mạn. Tôi nhớ mình đã xúc động ra sao khi ông nói về thành phố quê hương New York: “Không gì đẹp bằng khu vườn xuân New York nhìn từ Plaza Hotel”. Ông say sưa hỏi về mối giao tình với bầu trời khi trò chuyện cùng nhà thuyết trình khoa học Neil deGrasse Tyson. King đam mê đối thoại, được đối thoại với bất kỳ ai đã là thành tựu. Lần thất bại hiếm hoi là khi ông sang tận La Habana nhưng không gặp được Fidel Castro. King không dùng điện thoại thông minh và chỉ nói chuyện chứ không nhắn tin. Ông tâm sự với Regis Philbil của show Ai là triệu phú trong một show dối già của cả hai: “Tôi luôn thèm được nói chuyện, tôi luôn tò mò muốn hỏi muốn biết nhiều điều ở người đối diện, và tôi thích nghe tiếng nói của họ, tôi thích nghe tiếng người”.

Rất hiếm khi lên giọng, trừ vài lần gặp phải chủ đề đụng chạm tới dân tộc Do Thái, King là một kẻ tò mò ôn hòa có một không hai trong lịch sử truyền thông. Không ai nỡ đối đầu với thói tò mò thuần chất không mang ý đồ ngấm ngầm nào khác. Truyền thông theo format của Larry King vì thế không chỉ có giá trị thời sự mà còn có giá trị lịch sử. Điển hình là cuộc phỏng vấn tay tư năm 1995 với Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, lãnh tụ PLO Yasser Afrafat và vua Hussein của Jordan

Larry King Live góp phần đáng kể vào thành công của truyền thông qua cáp truyền hình suốt hơn hai thập kỷ- trước khi bị mạng xã hội lấn át. Ngay các đài truyền hình lớn hiện nay, theo Larry King trong một show Rubin Report, cũng không còn giá trị báo chí đích thực nữa. “Họ không làm tin, họ chỉ lo đấu đá cay độc”. Ông nhiều lần thổ lộ rằng rất sợ mình không còn hiện hữu. Rằng có còn ai nhớ đến những show truyền hình Larry King Live nữa hay không. Theo nhà báo Mark Stencel- người từng cộng tác với Larry King, ông chỉ còn biết hy vọng vẫn có khán giả yêu thích những chương trình ôn hòa kiểu Lary King Live.

Thế giới sau Larry King có cần một Larry King nữa? Các bạn tôi ở Cali, người bảo thủ kẻ cấp tiến đều khẳng định là cần quá đi chứ. Cần ai đó biết tò mò, biết lắng nghe tiếng người và biết nói chuyện với người.

MỚI - NÓNG