Thắng lợi lứa gà đầu
Bốn năm trước, trong một lần “hạ sơn”, thầy Nguyễn Quang Tuấn xin được 500 chú gà con rồi lặng lẽ mang lên trường nuôi. Khu đất trống phía sau trường thầy dựng cái chuồng tạm bợ, thả đám gà con vào kêu ríu rít. Thầy gọi 10 em học sinh ở các khối lớp, phân công sáng 5 em, chiều 5 em cùng thầy chăm đàn gà với lời hứa bán được sẽ treo thưởng học trò ngoan giỏi. “Việc này dễ ợt với trò vùng cao, lại vui nữa. Mình bày mấy bữa đầu là các em tự làm được hết thôi”, thầy Tuấn nói.
Thức ăn chỉ có bắp, chuối, rau… thầy trộn làm mẫu, trò cứ thế làm theo rồi thành thục. Thầy còn lên mạng học thêm cách tạo lớp đệm sinh học trong chuồng gà để hạn chế mùi hôi, đỡ tốn công dọn dẹp. Công việc nuôi gà cứ thế dần trở thành niềm vui trong ngôi trường nhỏ, nối dài ngày này qua tháng khác. Nhưng khí hậu vùng cao lạnh lẽo, mưa gió dầm dề, có đợt bầy gà mắc bệnh, thầy cuống cuồng chạy khắp nơi tìm cách chữa. “Lo chứ, đàn gà mà có chuyện gì thì lời hứa với học sinh làm sao thực hiện được”, thầy Tuấn nhớ lại.
Sau 4 tháng thầy trò chăm bẵm, đàn gà đủ cân xuất chuồng. Ban đầu thầy chỉ bán cho những gia đình xung quanh, hoặc gom nhiều người dưới xuôi mua chừng vài chục con thì gửi về một thể. Rồi thầy lên mạng xã hội kêu gọi mọi người mua giúp gà cho trò vùng cao.
Không ngờ, các câu lạc bộ thiện nguyện, người dân Quảng Nam, Đà Nẵng mua ủng hộ cho thầy trò nhiều. Cảm động trước tấm lòng của thầy Tuấn, chủ tiệm cà phê ở 830 đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đã đứng ra giúp thầy bán gà. Mỗi lần vài chục, có khi cả trăm con gửi về xuôi, đều được bán hết.
Lứa gà đầu tiên lãi được 15 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn đối với nơi vẫn còn bữa no bữa đói.
Nhiều trường áp dụng
Lời hứa của thầy được thực hiện với số tiền 15 triệu. Cuối năm học, những em học có kết quả tốt, chăm chỉ nhận được phần học bổng 200.000 đồng. Còn lại ai cũng có quà bánh. Dịp quốc tế thiếu nhi, Trung thu, khai trường…cũng được thầy tổ chức ấm áp nhờ đàn gà. “Số tiền ấy cùng sự hỗ trợ của mạnh thường quân, các nhóm tình nguyện đã mang đến cho các em một phần thưởng không ngờ tới, đó là chuyến tham quan Đà Nẵng”, đôi mắt thầy Tuấn rạng ngời lên khi nhắc đến chuyến đi.
Từ bản làng heo hút, mấy chục em học trò chăm ngoan háo hức lên chuyến xe vượt núi rừng về phố xá rộn ràng. Thầy nhớ như in những tiếng trầm trồ trên xe của đám trò nhỏ khi thấy nhà cao tầng, ô tô nườm nượp, tàu hỏa, máy bay… và cả cái lắc đầu đến tội nghiệp khi nhìn những món ăn đẹp mắt ở phố mà không dám ăn vì lạ quá. “Học trò trên núi thiệt thòi vậy đó, có biết thế giới bên ngoài là gì đâu. Tôi cố gắng hết sức để mỗi em được nhìn thêm một gam màu trong cuộc sống nữa. Mỗi chuyến đi như vậy còn khích lệ các em ở nhà học tốt hơn, để năm sau được chọn vào nhóm “ưu tú” cho đi du lịch”, thầy Tuấn chia sẻ.
Thấy con có bánh kẹo có vở, rồi được thầy đưa đi chơi, những ông bố bà mẹ vùng cao càng động viên con đi học vì cái chữ và vì “cứ tới lớp sẽ được nhận quà của thầy Tuấn”.
Thầy Tuấn tiếp tục xin thêm gà giống để nuôi lứa khác. Lần này khi gà xuất chuồng, thầy trả lại đủ tiền giống, còn tiền lãi mua giống mới và dành làm phần thưởng cho các em. Câu chuyện về đàn gà của thầy Tuấn sau đó đã nhanh chóng lan sang trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc (huyện Tây Giang), trường Tiểu học Cà Dy (huyện Nam Giang) và ra cả trường TH&THCS Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế)…
Thầy Phan Thế Bảo, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hồng Thủy cho biết, mới được thầy Tuấn hỗ trợ cho trường nuôi 200 chú gà, đang độ lớn. Còn thầy Nguyễn Tấn Trương, Trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc cho hay, trường đang nuôi đàn gà thứ hai, lứa trước được 200 con đã xuất chuồng. Số tiền thu được dùng để tặng quà khích lệ học tập, đưa các em đi tham quan.
“Mô hình này hoàn toàn hợp lý với học sinh miền núi, không chỉ về vật chất mà còn giúp các em học được cách nuôi gà, nuôi heo, có thể áp dụng cho gia đình. Đặc biệt, việc làm nhỏ này đã đem lại cho các em bài học về lao động, có lao động sẽ có thành quả”, thầy Trương cho biết.
Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số khác cũng được thầy Nguyễn Quang Tuấn tặng gà con, vịt con để nuôi và được thầy bầy cách nuôi. “Miễn sao mọi người chịu khó nuôi cho lớn, đừng bỏ giữa chừng, còn tôi sẽ lo về việc bán gà để giúp bà con đỡ cực”, thầy Tuấn nói.
Thầy “tệ” quá, nhưng biết sao giờ…
“Mấy năm nuôi gà, chỉ có vài lứa cho trứng vì thời tiết trên này lạnh, gà đẻ kém lắm. Đợt nào trứng nhiều thì bữa cơm của trò cũng ngon hơn. Tiếng nuôi đàn này đàn khác, mà trò đâu có được ăn thịt gà. Nghĩ lại thấy thầy “tệ” quá, nhưng trường hơn trăm trò, biết sao giờ. Phải để dành để giúp bạn nghèo, để có học bổng và cả những chuyến đi…”, thầy Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.