Vì sao Asen lại ngay lập tức trở thành từ khóa “hot” đến vậy? Bởi nó liên quan tới thứ “quốc hồn, quốc túy” không thể thiếu trên mỗi mâm cơm gia đình Việt - nước mắm.
Mọi sự khởi nguồn từ một công bố kết quả khảo sát nước mắm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), theo đó có tới “104 (69%) mẫu nước mắm không đạt chỉ tiêu về Asen (thạch tín) - một loại á kim cực độc” – nguyên văn đoạn trích trên sapô của bản tin đăng trên trang chủ của Vinastas ở vị trí nổi bật (tại thời điểm hôm qua 20/10).
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ toàn bộ 104 mẫu nước mắm nói trên đều tuyệt nhiên không có thành phần Asen vô cơ, mà chỉ chứa Asen hữu cơ là thứ hầu như không độc hại gì và có sẵn trong cá và một số hải sản khác. Rất tiếc, điều quan trọng cốt tử đó - tức nước mắm Việt Nam chỉ chứa Asen hữu cơ chứ không phải Asen vô cơ – lại không được Vinastas thông tin một cách rõ ràng đến hàng chục triệu người tiêu dùng, thậm chí bị lờ đi trong chính bản tin đăng trên trang chủ của Hội này. Chính điều lập lờ này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng – đối tượng cần phải bảo vệ theo “tôn chỉ mục đích” của Vinastas.
Đáng chú ý, nhiều báo đã chỉ ra các chi tiết bất thường xung quanh vụ khảo sát và công bố nói trên. Trong đó có việc, ngay sau khi một số tờ báo phản ánh nhiều loại nước mắm pha chế có thành phần chủ yếu là hóa chất, một nhà sản xuất nước mắm công nghiệp liền có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị “thanh tra toàn diện, đặc biệt là giới hạn ô nhiễm Asen trong nước mắm”. Tiếp đó, cũng rất nhanh chóng, người tiêu dùng đã thấy xuất hiện quảng cáo nước mắm “sạch” trên
thị trường.
Những sự kiện truyền thông liên quan tới món “quốc hồn quốc túy” này liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay có chủ ý của ai đó?