"Ngẫu nhiên" theo Hóa học
Nhắc nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, Kim Ngọc hào hứng kể: "Mình rất thích pha trộn này kia để “chế tạo” ra gì đó". Khi học cấp một, Ngọc hay rủ bạn bè trộn phấn bảng nghiền nhỏ ra với nước, pha trộn nhiều chất với nhau để xem có gì xảy ra. Khi chơi với anh chị em ở nhà, Ngọc thích ra vườn hái hoa lá về nghiền rồi trộn “làm thuốc”. Tưởng rằng trò pha trộn ấy chỉ là một sở thích ngày nhỏ để thỏa trí tò mò nhưng Ngọc không ngờ lại "bén duyên" với mình mãi sau này.
Kim Ngọc đến Mỹ du học từ năm 15 tuổi khi chưa có định hướng nhiều về ngành học. Ở trường phổ thông Mỹ, cô được tự chọn môn học ở những mức độ và chương trình khác nhau. Khi tham gia vào lớp Hóa ngẫu nhiên do văn phòng trường sắp xếp trước đó, Ngọc đã được truyền cảm hứng từ cô giáo Churchill (Đại học Clark, Mỹ) và qua những buổi thực hành thí nghiệm hàng tuần. Chính vì được thực hành thường xuyên nên Ngọc được kết nối lại với sở thích pha trộn "làm thuốc" khi xưa. Từ đây, niềm yêu thích và say mê Hóa học cứ thế đến với cô bạn một cách tự nhiên.
Thời gian đầu tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, Ngọc ngại ngùng do có sự khác biệt lớn về ngôn ngữ và văn hóa. "Nhiều lần, mình là người châu Á duy nhất ngồi trong lớp học hay trên bàn họp. Điều mình ngạc nhiên hơn là ở đây mọi người xưng hô khá ngang hàng với nhau mà không phân biệt quá nhiều về tuổi tác. Vì xa nhà và bạn bè thân thiết nên mình phải học lại nhiều thứ và mạnh dạn, chủ động bày tỏ ý kiến trước đám đông hơn", nữ du học sinh nhớ lại.
Gặp khó khăn khi phải học cách tự lập sớm, tự tìm tòi và khám phá mọi thứ xung quanh, Ngọc luôn tự đặt ra giới hạn cho riêng mình và tích cực "thử". Biết bản thân thích học những môn khoa học khá sớm trong những năm cấp 3, Ngọc đã mạnh dạn chọn lớp Toán, Lý, Hóa nâng cao để tập trung xây dựng kiến thức nền tảng và có cơ sở về ngành học khi lên đại học. Trong năm lớp 12, Ngọc đã tham gia cuộc thi khởi nghiệp "Kế hoạch Kinh doanh bang Nam Carolina" và xuất sắc đoạt giải nhất cấp trường, giải nhì ở cấp bang.
Ngoài thành thạo tiếng Anh, Ngọc cũng có thể giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha. |
"Điều mình nhớ nhất khi mới sang Mỹ là được dạo phố, đi chơi với bạn bè và ăn uống ở hàng quán Việt Nam. Du học sớm cũng giúp mình thích nghi nhanh hơn và có nhiều thời gian để học hỏi, chuẩn bị cho việc học đại học ở Mỹ", Ngọc chia sẻ. |
Nhà hóa học nữ trẻ đầy triển vọng
Suốt những năm tháng học tập tại Mỹ, Ngọc luôn có một niềm tin: "Cánh cửa bước vào nghiên cứu khoa học luôn rộng mở và không giới hạn bởi giới tính. Nếu bạn đặt ra một đích đến khi bước vào cánh cửa ấy, nó sẽ là một "khung trời" cho ta thỏa sức thể hiện mình".
Vào mùa hè đầu tiên ở năm nhất, Ngọc bắt đầu làm nghiên cứu và khá hào hứng khi lần đầu được chính thức làm những công việc của một nhà hóa học. Cô kể: "Lab của mình khi đó đã làm việc với thủy ngân (một chất cực độc dù chỉ tiếp xúc với lượng nhỏ). Mỗi người phải mang mặt nạ và khăn tay chuyên dụng. Dù hơi sợ nhưng mình cảm thấy khá hào hứng vì lần đầu được làm nhà hóa học chứ không phải trò pha trộn khi xưa nữa (cười)".
Kim Ngọc đã xuất sắc giành được một số học bổng như:
Học bổng thành tích đáng khen của ĐH Clark, Mỹ trị giá 60.000 đô
Học bổng hỗ trợ sinh viên thế hệ thứ nhất và đa văn hóa trị giá 4.000 đô
Học bổng tên Drs. Leo E. and Dorothy J. Beavers dành cho nghiên cứu về những căn bệnh thoái hoá não năm 2019, 2020, 2021 tổng trị giá 12.000 đô
Mới đây, nữ du học sinh Việt vinh dự được Hiệp hội hóa học Mỹ chọn là một trong những nhà hóa học trẻ có triển vọng để tham dự hội nghị: "Những cuộc gặp gỡ lâu dài giữa các nhà khoa học khát vọng và xuất sắc (LEADS)" tại bang Washington. Nhận tin vui, Ngọc rất ngạc nhiên vì không ngờ mình đã được chọn từ rất nhiều ứng cử viên trên toàn thế giới.
Kim Ngọc cho rằng: "Lý do mình được chọn chính là nhờ bài luận - điểm mạnh trong hồ sơ. Mình đã nêu ra quan điểm làm sao để ngành hoá học và bản thân có thể đóng góp được cho xã hội, bình đẳng giới cũng như sự công bằng giữa người với người để phát triển. Bên cạnh đó, mình cũng trình bày những kinh nghiệm và niềm yêu thích với nghiên cứu khoa học để cống hiến, có đóng góp thiết thực cho nền y tế. Được chọn là một trong những nhà hóa học trẻ triển vọng, mình cảm thấy rất vui và hào hứng khi góp mặt trong hội nghị này để mở rộng tầm nhìn của bản thân".
Ngoài việc học, Kim Ngọc còn là biên tập của tạp chí nghiên cứu trong trường kiêm định hướng viên cho những em học sinh khóa dưới. Cô cũng tham gia vào Hội đồng đa dạng và hòa nhập của khoa Sinh học Đại học Clark để khuyến khích và tăng số sinh viên trong khoa học đến từ mọi quốc gia trên thế giới.
Hiện tại, nữ sinh đang nghiên cứu những phương pháp dùng "peptide" và "peptidomimetic" giúp chữa bệnh ung thư. Cô mong muốn phát triển ra nhiều sản phẩm giúp chữa bệnh, đặc biệt là ung thư và những bệnh thoái hóa thần kinh. Hơn hết, Ngọc hy vọng sẽ đưa ra được những phương pháp chữa bệnh hiện đại và hiệu quả nhất với mức giá hợp lý đến người tiêu dùng ở mọi nơi.
"Mình rất háo hức với những gì mình có thể đóng góp cho ngành công nghiệp dược phẩm quốc tế và ở Việt Nam. Đồng thời mình cũng muốn góp phần làm khoa học trở nên gần gũi, thú vị hơn đặc biệt là với phụ nữ" - Kim Ngọc nói.
Thông điệp Ngọc muốn gửi gắm tới các bạn trẻ là hãy cố gắng thử thật nhiều điều mới lạ và trải nghiệm, du lịch thật nhiều. Cô nói: "Du học mặc dù có thể rất khó khăn nhưng đó cũng là cơ hội để mở mang tầm mắt và trưởng thành. Hãy mạnh dạn theo đuổi những gì mình thích bằng mọi nỗ lực, bạn sẽ nhận lại thành quả xứng đáng!". |