Nữ sinh khiếm thị chế máy đếm tiền phát ra tiếng nói

Hương Giang và cô giáo ở trường Nguyễn Đình Chiểu
Hương Giang và cô giáo ở trường Nguyễn Đình Chiểu
Từng đặt chân đến nhiều quốc gia, nữ sinh 19 tuổi, Lê Hương Giang (SN 1995) có ước muốn trở thành chuyên gia tâm lý để giúp đỡ học sinh khiếm thị trên toàn thế giới.
Tôi biết Lê Hương Giang qua những bài viết trên chuyên mục “Niềm tin ánh sáng” của VOV Giao thông. Sở hữu giọng đọc nhẹ nhàng, trong trẻo, Giang trở thành cộng tác viên “ruột” của VOV2, VOV Giao thông nhiều năm nay.

Nghị lực cô bé có thị lực 0,25/10

Hẹn gặp phỏng vấn, Hương Giang có vẻ e ngại: “Em có thành tích gì đâu mà viết ạ! Còn nhiều bạn giỏi hơn em gấp trăm lần”. Nhìn khuôn mặt rạng ngời, đôi mắt to, tròn, sáng và qua cách nói chuyện vui vẻ, lạc quan của em khó ai nghĩ Hương Giang là người khiếm thị với đôi mắt chỉ còn chưa đến 1/10 thị lực.

Ngày nhỏ, mẹ giơ chiếc khăn đỏ trước mặt nhưng không thấy đôi mắt em đưa theo bèn đưa em đến bệnh viện khám. Hương Giang được chẩn đoán mắc căn bệnh thoái hóa võng mạc. Giang kể, từ khi còn ẵm ngửa đến hết tiểu học, phần lớn thời gian em phải ở trong bệnh viện tập phản xạ mắt, khám hay mổ kéo lác. Thương con không còn đôi mắt sáng, bố mẹ đưa em đi khắp nơi chạy chữa đông tây y đủ cả nhưng đều nhận cái lắc đầu. Từ đó, đôi mắt của Giang mờ dần và chìm trong bóng tối.

Mặc dù không thấy rõ ràng, Hương Giang luôn nỗ lực hòa nhập và phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập không kém gì các bạn bình thường. Những năm tháng học tiểu học, Giang viết chữ hầu như theo cảm giác, còn đọc sách phải dùng kính lúp…

Đến khi học THCS, Giang kể mình gần như suy sụp vì học hành sa sút với môi trường học tập mới ở PTCS Nguyễn Đình Chiểu. Giang nhớ lại: “Thay vì đọc sách bằng kính lúp, em phải tập làm quen với bóng tối vì thời điểm đó em chỉ phân biệt được sáng tối. Các bạn khiếm thị đã giúp em định hướng đường đi, học chữ nổi và tự phục vụ bản thân với đôi mắt không thấy gì nữa. Em ít nói chuyện, giao lưu với mọi người mà chỉ ngồi một mình trong phòng ký túc xá”.

Đã từng bi quan nghĩ con đường học hành của mình có thể bị dừng lại nhưng đến cuối năm lớp 8, đầu lớp 9, Giang thay đổi khi em bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ, lớp nghệ thuật của trường, từ làm gốm, học đàn guitar, ca hát, nhảy múa… Những hoạt động ấy đã giúp Giang khẳng định mình và trở thành cộng tác viên cho chương trình thiếu nhi của Đài VOV2.

Khi học THPT, Giang là học sinh khiếm thị duy nhất của trường THPT Thăng Long. Tiếp tục tham gia hoạt động ngoại khóa, nỗ lực học tập, Giang trở thành Chủ tịch CLB Phóng viên của trường và bắt đầu tham gia cộng tác cho chương trình “Niềm tin ánh sáng” của VOV Giao thông, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nữ sinh khiếm thị chế máy đếm tiền phát ra tiếng nói ảnh 1Hương Giang làm cộng tác viên cho VOV Giao thông

Đi nhiều nước, muốn trở thành nhà tâm lý

Hiện nay, Lê Hương Giang đang là sinh viên năm thứ nhất của Khoa Tâm lý K59 - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Chia sẻ lý do theo học ngành này, Hương Giang tâm sự: “Từ nhỏ em đã theo chân nhiều tổ chức đến vùng sâu, vùng xa để chia sẻ câu chuyện của bản thân cho những bạn khiếm thị, khuyết tật. Đồng thời động viên bố mẹ các bạn hãy luôn tin tưởng vào khả năng học tập, làm việc của con cái họ. 

Sau những chuyến đi như thế, em cảm giác mình thật may mắn so với nhiều bạn khiếm thị không được đến trường do hoàn cảnh gia đình. Bản thân em là người khiếm thị nên em mong muốn trở thành chuyên gia tâm lý giúp đỡ các bạn khuyết tật khác trong cuộc sống, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác”.

Ước mơ đó hoàn toàn không xa vời đối với cô nữ sinh năng động, lạc quan và tài năng như Hương Giang. Bản thân Giang đã từng tham gia cuộc thi Thách thức Công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu năm 2012 tại Incheon Hàn Quốc và năm 2013 tại Bangkok - Thái Lan.

Ý tưởng chế tạo ra chiếc máy đếm tiền, phân biệt tiền giả phát ra tiếng nói phục vụ cho việc kinh doanh của người khiếm thị giúp em giành giải ba trong “Hội thi Khoa học Kỹ thuật Intel ISEF” và được tuyển thẳng vào trường ĐH KHXH&NV. Giang cho biết: “Hiện nay, ý tưởng mới dừng lại ở mô hình thiết kế nhưng với những gì em đã nghiên cứu thì hy vọng chiếc máy này sẽ được sản xuất và đưa vào thị trường với giá thành rẻ nhất để hỗ trợ kinh doanh cho người khiếm thị”.

Chia sẻ kỷ niệm lần sang Hàn Quốc, Giang ấn tượng với hình ảnh một thí sinh khuyết tật nằm trên sàn nhà với chiếc máy tính, đôi tay cử động vài ngón để hoàn thành tốt phần thi của mình. Đó cũng là tấm gương cho Giang cảm thấy mình may mắn và cần nỗ lực thực hiện ước mơ mở trung tâm tư vấn tâm lý để giúp đỡ nhiều bạn khuyết tật hơn nữa.

Hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, người khuyết tật gặp nhiều rào cản, khó khăn để khẳng định bản thân. Có thể từ chính sự hoài nghi, mặc cảm, thiếu tự tin về bản thân của họ hay từ gia đình khi quá quan tâm hay không tin tưởng vào khả năng của con cái mình.

“Đặc biệt, xã hội đang có cái nhìn thương hại đối với người khuyết tật. Em mong muốn mọi người có cái nhìn công bằng về khả năng học tập, làm việc như người bình thường của người khuyết tật”, Hương Giang khẳng định.

Đối với cô nữ sinh xinh đẹp, tài năng này, cuộc sống của người khiếm thị cũng như người bình thường, bóng tối cũng không đáng sợ như mọi người tưởng. 

Mặc dù không nhìn thấy nhưng Giang không hề tuyệt vọng. Giang mượn lời nhà thơ Xuân Diệu “là một, là riêng, là duy nhất” để nói về bản thân không muốn trở thành ai cả. Cô chỉ muốn là chính mình!

Theo Theo An ninh Thủ đô
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.