Nữ ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ qua đời ở tuổi 84

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, người đã chạy trốn Đức quốc xã khi còn là một đứa trẻ trong Thế chiến 2, sau đó vươn lên trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ, đã qua đời vào ngày 23/3, hưởng thọ 84 tuổi.
Nữ ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ qua đời ở tuổi 84 ảnh 1

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright. (Ảnh: Reuters)

Gia đình bà thông báo tin buồn này trên Twitter và cho biết bà qua đời vì ung thư. Các lãnh đạo, nhà ngoại giao và học giả nhớ đến bà như một người tiên phong trên vũ đài thế giới.

Bà Albright là đại sứ của Mỹ tại Liên Hợp Quốc từ năm 1993-1997, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton. Sau đó, bà được thăng chức để trở thành nữ ngoại trưởng đầu tiên và giữ vị trí này từ năm 1997-2001.

“Madeleine Albright là một người có ảnh hưởng trong chính trường. Bà đã bất chấp mọi quy ước và phá vỡ rào cản hết lần này đến lần khác”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận xét. Ông chỉ đạo treo cờ rủ trước Nhà Trắng, các toà nhà chính phủ và đại sứ quán cho đến ngày 27/3.

Bà Albright được đánh giá là một nhà ngoại giao cứng rắn khi chính quyền Mỹ đã do dự không tham gia vào 2 cuộc khủng hoảng lớn nhất về chính sách đối ngoại trong những năm 1990: nạn diệt chủng ở Rwanda và Bosnia-Herzegovina.

Bà từng chất vấn người đứng đầu Lầu Năm Góc rằng vì sao quân đội phải giữ hơn 1 triệu người nếu không bao giờ sử dụng họ.

Trải nghiệm về tị nạn đã khiến bà Albright thúc đẩy Mỹ sử dụng sức mạnh siêu cường của mình. Bà muốn một “chủ nghĩa quốc tế sử dụng cơ bắp”, James O'Brien, một cố vấn cấp cao của bà Albright thời chiến tranh Bosnia, cho biết.

Vào thời kỳ đầu của chính quyền Clinton, dù không thành công khi thúc đẩy một phản ứng nhanh hơn và mạnh hơn ở Bosnia, bà Albright ủng hộ phiên toà xét xử tội ác chiến tranh để cuối cùng đưa những người gây ra cuộc chiến đó, bao gồm Tổng thống Serbia Slobodan Milosevic và lãnh đạo Serbia ở Bosnia vào tù, ông O'Brien cho biết.

Kinh nghiệm rút ra ở Rwanda và Bosnia khiến Mỹ nhanh chóng can thiệp vào Kosovo sau đó. NATO triển khai chiến dịch không kích suốt 11 tuần vào năm 1999 để hỗ trợ người Albania.

Ngày 23/3, Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani nói rằng bà “rất sốc khi Kosovo mất một người bạn lớn”.

Trong nỗ lực ép Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân, bà Albright đã đến Bình Nhưỡng vào năm 2000 để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng thăm quốc gia này cho đến thời điểm đó.

Trong những năm 1990, bà Albright trở thành biểu tượng cho một thế hệ những phụ nữ trẻ nỗ lực vươn lên tìm kiếm cơ hội trong công việc và được tôn trọng. Bà thường nói: “Có một nơi đặc biệt dưới địa ngục cho những phụ nữ không giúp đỡ nhau”.

Sinh ra ở Prague vào ngày 15/5/1937, bà cùng gia đình chạy đến London vào năm 1939, khi Đức chiếm đóng Czechoslovakia. Bà học tại một trường của Thuỵ Sĩ từ năm lên 10 và đổi tên từ Marie Jana Korbelova thành Madeleine.

Sau chiến tranh, gia đình bà rời London và trở lại Czechoslovakia, nhưng sau đó lại chuyển sang Mỹ. Là một nhà ngoại giao, cha bà dạy về quan hệ quốc tế tại ĐH Denver. Một trong những sinh viên được ông yêu quý là Condoleezza Rice, người sau đó trở thành nữ ngoại trưởng thứ hai của Mỹ, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush.

Bà Albright học tại Cao đẳng Wellesley ở Massachusetts, sau đó học tiến sĩ tại ĐH Columbia. Bà nói thành thạo 6 ngôn ngữ, bao gồm Séc, Pháp, Ba Lan, tiếng Nga và tiếng Anh.

Năm 1959, bà kết hôn với ông Joseph Medill Patterson Albright, người thừa kế của một tờ báo.

Bà Albright từng thăm Việt Nam 2 lần vào cuối tháng 6/1997 và tháng 9/1999.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG