Nữ golfer Kim Nguyên: ‘Tôi mong muốn được học hỏi bạn chơi’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với mỗi giải đấu tham dự, Phạm Thị Kim Nguyên, còn được biết đến với tên Diana Phạm mong muốn được trải nghiệm, với mục tiêu vượt qua chính mình và học hỏi những golfer khác.
Nữ golfer Kim Nguyên: ‘Tôi mong muốn được học hỏi bạn chơi’ ảnh 1

Diana Phạm tranh tài tại Lexus Challenge 2022 ở Tràng An Golf & Country Club

Phạm Thị Kim Nguyên, nữ golfer sinh năm 1988 là gương mặt khá quen thuộc với các sự kiện golf phong trào khu vực phía nam và đấu trường nghiệp dư toàn quốc như Giải Golf Thanh Niên - HREC 2018, Giải CLB Golf Tân Sơn Nhất, HCM Open 2021, Giải Vô địch Đối kháng Quốc gia (VMC) 2019, Giải Vô địch Nghiệp dư Nữ Quốc gia mở rộng (VLAO) 2019 & 2020,…

Mới đây, tại Lexus Challenge, Diana Phạm thuộc số bốn đấu thủ nghiệp dư (amateur) vượt qua cắt loại bảng nữ rồi vào top 5 chung cuộc.

Bén duyên golf năm 2016 nhằm rèn luyện sức khoẻ, đến nay, Diana Phạm đạt điểm chấp (handicap) 4.4 và chơi đồng đều các loại gậy. Đối với cô, hành trang tại mỗi giải đấu đều mang lại bài học kinh nghiệm đáng quý.

Giải Vô địch Golf Quốc gia 2022 - Cúp VinFast khởi tranh ngày 20/4 tại sân Marsh par 72 thuộc Vinpearl Golf Hải Phòng cũng không ngoại lệ. Diana Phạm còn coi đây là cơ hội trải nghiệm điểm đấu mới bởi cô chưa lần nào chơi tại sân golf toạ lạc trên đảo Vũ Yên.

Trong quá trình thi đấu cùng nhiều golfer tên tuổi, đặc biệt là các tài năng trẻ như Nguyễn Thảo My, Đoàn Xuân Khuê Minh, Lê Chúc An,… tại Lexus Challenge, Diana Phạm đánh giá các bạn trẻ được đào tạo tốt và chơi hay. Song cô ấn tượng hơn cả về Nguyễn Thị Minh Phượng, đàn chị hơn năm tuổi thuộc diện chuyên nghiệp.

“Mặc dù mới hết F0 nhưng chị Minh Phượng vẫn tham gia và động viên tôi rất nhiều khi tôi di chuyển từ TPHCM ra đây bị sốc thời tiết và sức khoẻ cũng không thực sự tốt”, Diana Phạm cho biết.

Nữ golfer Kim Nguyên: ‘Tôi mong muốn được học hỏi bạn chơi’ ảnh 2

Diana Phạm trong nhóm đấu cùng Chúc An và Lê Thị Thanh Thuý

Giải Vô địch Golf Quốc gia 2022 - Cúp VinFast quy tụ 160 golfer gồm 120 nam và 40 nữ. Là sân chơi duy nhất trong lịch VGA Tour dành riêng cho golfer người Việt Nam - không phân biệt chuyên nghiệp hay nghiệp dư, giải ghi nhận sự góp mặt của nhiều cựu vô địch ở hai giới gồm Doãn Văn Định (kỳ 2012), Trương Chí Quân (2014-2016, 2018), Nguyễn Bảo Long (2019), Nguyễn Đặng Minh (2020), Thảo My (2014, 2015, 2019) và Khuê Minh (2017).

Kỷ lục nhà vô địch trẻ tuổi nhất trong 17 năm lịch sử giải ở mức 14, lập bởi Khuê Minh (nhóm nữ) và Bảo Long (nam).

Bên cạnh đó, trong tổng tiền thưởng 1,2 tỷ đồng kỳ này, quỹ cho nữ đạt 200 triệu đồng - cao nhất từ trước đến nay, được đánh giá là tín hiệu đáng mừng nhằm thúc đẩy và phát triển golf nữ chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Theo cơ cấu chia thưởng, đấu thủ về nhất bảng nữ sẽ nhận 60 triệu đồng trong khi ở bảng nam lĩnh 180 triệu đồng. Với quy định mới của USGA và R&A cho phép golfer nghiệp dư được nhận tiền thưởng không quá 700 bảng Anh (23 triệu đồng tại Việt Nam) từ ngày 1/1/2022, các amateur dự Giải Vô địch Golf Quốc gia đều có tiền thưởng.

Khi vượt mức trần này, golfer cần chọn nhận tối đa 23 triệu đồng để giữ vị thế nghiệp dư, tương tự trường hợp Nguyễn Anh Minh vô địch Lexus Challenge hoặc từ bỏ nếu muốn lĩnh trọn. Đấu thủ 15 tuổi khi ấy chỉ lĩnh 23 triệu đồng thay vì 270 triệu đồng.

MỚI - NÓNG