NSƯT Lê Chức nhớ lại khoảnh khắc nhận tin Lưu Quang Vũ ra đi vĩnh viễn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Diễn viên kịch nói, nhà viết kịch, đạo diễn, “giọng đọc vàng”… NSƯT Lê Chức, là người lưu giữ nhiều kỷ niệm về nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Trong mắt ông, Lưu Quang Vũ là một nghệ sỹ sở hữu tài năng đặc biệt, viết nhanh, viết nhiều, viết khỏe mà chất lượng tác phẩm vẫn được đánh giá cao.

NSƯT Lê Chức kể: “Lưu Quang Vũ sinh sau tôi một năm. Những người bố của chúng tôi cùng đi kháng chiến, cùng là những văn nghệ sỹ lớn ở lĩnh vực này hay lĩnh vực khác. Nền tảng đó của họ đã giúp chúng tôi dễ trở nên quý mến nhau hơn”. (Cha của NSƯT Lê Chức chính là nhà thơ Lê Đại Thanh, một kịch sĩ lẫy lừng của đất Cảng Hải Phòng. Còn nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận- PV).

Trước kia, NSƯT Lê Chức là diễn viên kịch nói nổi tiếng của Đoàn kịch nói Hải Phòng. Ông lên Hà Nội năm 1979 vì nhận được lời mời của Nhà hát Tuổi Trẻ: “Họ đề nghị những nghệ sỹ đã thành danh như tôi, nghệ sỹ Đức Trung, nghệ sỹ Tú Mai, nghệ sỹ Trần Minh Ngọc…tham gia biểu diễn những vở đầu tiên sơ khai để lập nên Nhà hát Tuổi Trẻ. Chúng tôi diễn cùng nhau và trong quá trình diễn ấy chúng tôi kèm cặp cho sự lớn lên của cả nhóm, mà hôm nay họ đã nổi tiếng, trong đó có Lê Khanh, Chí Trung, Minh Hằng…

Những lứa đó cùng diễn với chúng tôi và chúng tôi kèm cặp họ”. Cũng chính khoảng thời gian này ông biết nhà viết kịch Lưu Quang Vũ : “Vũ xuất hiện ở Nhà hát Tuổi Trẻ, kịch bản của Vũ có một vở thôi “Sống mãi tuổi 17”, nói về người anh hùng Lý Tự Trọng. Lúc đó, Vũ chưa phải là cây bút được nhắc tới. Tôi đóng vai Xứ Ủy Nam Kỳ, Lê Hùng đóng vai Lý Tự Trọng”.

NSƯT Lê Chức nhớ lại khoảnh khắc nhận tin Lưu Quang Vũ ra đi vĩnh viễn ảnh 1

NSƯT Lê Chức (Ảnh: Internet)

Sau này, Lưu Quang Vũ trở thành nhà viết kịch hàng đầu, là “cha đẻ” của nhiều vở kịch còn sống mãi với thời gian. Xin ông “bật mí” đôi chút về hoạt động sáng tạo của cố nghệ sỹ?

NSƯT Lê Chức: Vũ viết rất nhanh. Vũ là thiên tài. Với ngần ấy tuổi, Vũ đã viết trên mấy trăm kịch bản, ra bao nhiêu tập thơ. Vũ viết kịch bản không kịp cho các đoàn đến lấy. Có những liên hoan sân khấu Vũ chiếm đến 2/3 kịch bản của mình.

Viết nhanh mà vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Ông có thể kể một kỷ niệm chứng tỏ sức hút của cây bút Lưu Quang Vũ?

NSƯT Lê Chức: Trong ngôi nhà ở phố Huế, Vũ sống ở tầng 4. Có những buổi sớm tôi đến rủ Vũ đi cà phê. Vũ nói: Tôi với bác đi cầu thang trong đi, tôi vừa nhìn xuống thấy một người của đoàn chèo cải lương lên, họ đòi kịch bản đấy. Thôi để người ta đi cầu thang chính, tôi với bác đi cầu thang trong đi. Lưu Quang Vũ viết không kịp. Có những người chờ Vũ một ngày, 3 ngày thậm chí 7 ngày. Vũ viết được gì là họ mang đi ngay. Vì thế có những liên hoan sân khấu gần như là sân khấu của Vũ.

Tò mò một chút, nhà thơ Xuân Quỳnh, vợ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được ca ngợi như giai nhân của làng văn chương. Ông từng gặp gỡ, tiếp xúc với thi sĩ Xuân Quỳnh, ông đánh giá thế nào về nhan sắc của bà?

NSƯT Lê Chức: Xuân Quỳnh đẹp lắm, gốc là diễn viên múa. Ở ngoài đời, Quỳnh không chú ý lắm đến hình thức của mình đâu. Lúc đó, họ còn nghèo mà. Hai bố mẹ giữ 3 đứa con, thời gian đâu để quan tâm đến nhan sắc.

Vì sao những người tài lại có thể thân thiết với nhau, theo ông? Cứ tưởng, họ phải cạnh tranh và đố kỵ lẫn nhau?

NSƯT Lê Chức: Chúng tôi đồng lứa. Chúng tôi là một thế hệ, là những người có tài năng, rất dễ chơi với nhau. Tất Bình là một tài năng, Đức Chung là một tài năng… Mức ấy chơi với nhau rất dễ.

NSƯT Lê Chức nhớ lại khoảnh khắc nhận tin Lưu Quang Vũ ra đi vĩnh viễn ảnh 2

Nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ bên vợ, nhà thơ Xuân Quỳnh (Ảnh: Internet)

Ông còn nhớ khoảnh khắc nhận được tin nhà viết kịch ra đi vĩnh viễn?

NSƯT Lê Chức: Lúc đó, tôi đang ở nhờ nhà bên ngoại ở 27 Bà Triệu (Hà Nội), ở trên tầng 2, đang ăn cơm. Nhá nhem tối, lúc bấy giờ điện đâu đủ sáng. Tác giả Ngọc Thụ đứng dưới chân cầu thang hét lên một câu: Chức ơi, Vũ, Quỳnh và Thơ chết rồi. Tôi hốt hoảng: “Chết thế nào?”. “Bị tai nạn ở Hải Dương. Bây giờ đi đi”, anh giục tôi.

Chúng tôi đến 51 Trần Hưng Đạo, tận khuya, 10 giờ hay gì đó, xe mới chạy từ Hải Dương lên. Lúc bấy giờ dưới sự chỉ huy của một người thầy vô cùng đáng kính là giáo sư Đình Quang. Ông bảo, đưa về Bệnh viện Việt Đức, chỗ Phủ Doãn. Chúng tôi gồm có: Đỗ Hồng Quân, Ngọc Thụ, Lê Chức, anh Văn Toản của Nhà hát Kịch, rồi một vài anh em nữa khênh 3 cái quan tài bằng gỗ thông, đặt vào nhà tang lễ ở Bệnh viện Việt Đức, thì thầy Đình Quang chạy đến, nói: Tôi đã liên hệ được với Giám đốc Bệnh viện Việt Xô. Anh ấy đồng ý cho chúng ta gửi 3 thi hài này vào phòng lạnh của Việt Xô vì đám tang này không thể tổ chức ngay được. Những khoảng thời gian đau đớn, bàng hoàng đó đâu dễ gì quên trong cuộc đời?

MỚI - NÓNG