Buổi học… đủ thứ về rau hữu cơ
Vườn rau hữu cơ nằm cuối con hẻm nhỏ cạnh rừng dừa nước, từ sáng đã rộn ràng tiếng nói cười của khách du lịch từ phố cổ ghé về thăm. Ở đây, từng giàn bầu, luống cải xanh mát mắt. Vừa lật đật bấm vạt cải mầm cho vào bao, bà Đinh Thi Mài (65 tuổi) trong bộ áo quần lấm lem chạy ra cổng đón đoàn học trò tới thăm vườn. Hôm nay, bà cùng vài nông dân khác “đứng lớp”, với bài học… đủ thứ về rau hữu cơ.
Mấy chục cô cậu học trò chia nhóm theo chân các bác nông dân đi khắp vườn, nghe giới thiệu về từng loại rau, quả được trồng và cách chăm bón. Mỗi em cầm theo một cuốn sổ nhỏ, hí hoáy ghi chép những kiến thức vừa lạ vừa quen so với mảnh vườn của mẹ ở nhà. Ông Nguyễn Văn Chức đứng “giảng bài” với ngôn ngữ rất nông dân: “Vườn ni của 10 hộ trồng, đủ loại rau như nãy chừ các cháu coi đó. Từ mùng tơi, cải, ngò cho tới bầu, bí… Ở đây trồng rau hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ, không có thuốc trừ sâu, diệt cỏ chi trơn, bởi rứa an toàn tuyệt đối”. Nói rồi, ông đưa nhóm học trò tới chiếc bảng treo phía cổng, tiếp một mạch về cách ủ phân hữu cơ: “Nhiều công đoạn kinh lắm! Đầu tiên là phải có cái nền thiệt cứng, lót bằng gỗ hoặc tre. Sau đó phủ rạ lên, rồi tới lớp phân chuồng, phân xanh, tiếp tục bỏ men vi sinh hoặc cơm nguội lên men. Đủ mấy lớp nớ thì rưới nước, phủ kín bạt. Hai tuần sau thọc cây sắt vô, thấy nóng chừng 50 -60 độ thì tiếp tục ủ, không nóng phải phủ thêm bạt. Cứ rứa tới 3 tháng sau, phân từ màu đen chuyển sang nâu là thành công, thành phân vi sinh rồi đó”. Nghe thầy trò lao xao về cách ủ phân đa công, tốn thời giờ, ông xua tay bảo, làm thuốc trừ sâu bằng thảo mộc còn phải tỉ mỉ hơn nhiều. Loại thuốc ông nói là ớt, tỏi, gừng, qua nhiều công đoạn ngâm với rượu, đường mới đem ra sử dụng được.
Nắng mỗi lúc một to, những chiếc áo trắng của thầy trò lại tỏa đi từng luống rau. Tới luống nào, các bác lại chỉ cách bón phân hữu cơ cho luống đó. Rau cải, rau ngò chỉ bón một lần, rau muống thêm đợt bón thúc, trong khi đậu đũa, cà tím bón tới ba bốn đợt. Đặc biệt phân hữu cơ đem bón trực tiếp, không pha trộn thêm. Cuốn sổ cầm tay của các em chi chít chữ, mọi kiến thức học được ở lớp học giữa đồng đều được ghi chép cẩn thận. Nguyễn Lê Linh Mơ (lớp 7/3, Trường THCS Phan Bội Châu, TP Hội An), hào hứng: “Chưa bao giờ em được biết nhiều điều mới lạ về cách trồng rau như vậy cả, đặc biệt là trồng rau hữu cơ. Sau chuyến đi này, em sẽ về thử nghiệm trong mảnh vườn nhỏ của nhà mình.
Mừng rơn vì tụi nhỏ hỏi nhiều
Lối đi vào khu vườn treo đầy những tấm bảng nhỏ giới thiệu về khu vườn và những quy định, nguyên tắc trồng rau hữu cơ. Bảng nhiều bao nhiêu thì câu hỏi từ đám học trò dồn dập chuyển tới các bác nông dân bấy nhiêu. Vì sao tỏi phải ngâm với rượu mới trừ được sâu? Vì sao phải ủ phân dài ngày?… Các bác nông dân mệt phờ người, tay liên tục quệt mồ hôi trên trán nhưng vẫn nở nụ cười hồn hậu trả lời từng câu.
“Làm sao cháu phân biệt rau hữu cơ với rau thường?”, một cô học trò hỏi. Đó là câu hỏi mà những “giáo viên chân đất” mong chờ nhất. “Dễ thôi con, rau hữu cơ không bao giờ non mướt, láng lẫy như các loại rau dùng phân hóa học và thuốc kích thích khác. Nó luôn có màu xanh đậm, trông “rầu rầu”, quả thì quăn queo, xấu xí, không đều rắc trăm quả như một. Đặc biệt là lá rau đôi khi vẫn bị sâu, ố vàng…”, bà Mài giải thích. Bà kể, nhiều hôm tụi nhỏ hỏi từ lúc xuống xe cho tới lúc về, cây gì, hoa gì, trồng thế nào cũng hỏi. “Như rứa mà tui mừng. Tụi nhỏ hỏi là vì ham hiểu biết, hỏi để biết thêm về rau hữu cơ, biết đường lựa rau sạch sẽ mà ăn trong thời buổi thứ chi cũng ngậm hóa chất”, bà Mài nói.
Thầy Nguyễn Văn San (trường THCS Phan Bội Châu), người thường xuyên dẫn các đoàn học trò tới thăm vườn rau, nói: “Buổi học thực sự rất bổ ích vì mang lại những kiến thức và kỹ năng cần thiết về an toàn thực phẩm cho học sinh. Sâu xa hơn nữa là mong các em hành động để lan tỏa việc trồng cũng như sử dụng rau sạch”.
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông được thành lập vào năm 2014, với diện tích 6.300m2, đến nay mở rộng thêm gần 4.000m2. Đây là mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại TP Hội An. vườn rau cũng đón nhiều đoàn sinh viên, khách du lịch trong và ngoài nước về tìm hiểu.