Tổng thống Joe Biden quyết định vào tối thứ Bảy (theo giờ Mỹ) rằng ông sẽ dừng tái tranh cử và ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay mình làm ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ.
Chủ nhật, Tổng thống Biden gọi điện trực tiếp cho Phó Tổng thống Harris để thông báo. Ông cũng đã nói chuyện một - một với Jeff Zients - Chánh văn phòng Nhà Trắng, và Jen O’Malley Dillon - Chủ tịch chiến dịch tái tranh cử của ông.
Ông Zients sau đó triệu tập các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng và chiến dịch của Tổng thống Biden vào lúc 1h45 chiều, để tổng thống có thể thông báo với những người làm việc gần gũi nhất với ông, rằng ông sẽ từ bỏ giấc mơ về nhiệm kỳ thứ hai.
Khi Tổng thống Biden nói chuyện trên điện thoại, một bức thư thông báo về ý định của ông đã được đăng tải trực tuyến. Chánh văn phòng Nhà Trắng sau đó thực hiện các cuộc gọi qua Zoom với Nội các và các trợ lý tổng thống làm việc trong Nhà Trắng.
“Còn rất nhiều việc phải làm và như Tổng thống Biden nói, ‘không có gì mà nước Mỹ không thể làm - khi chúng ta làm cùng nhau’”, ông Zients viết cho toàn bộ đội ngũ Nhà Trắng lúc 2h26 chiều.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (ngoài cùng bên trái) và Đệ nhất phu nhân Jill Biden hoan nghênh Tổng thống Joe Biden trong lễ kỷ niệm Ngày Độc lập tại Nhà Trắng. Ảnh: The Washington Post. |
Tiền đang cạn kiệt, kết quả thăm dò xấu đi
Có những lời đồn đại rằng Tổng thống Biden sắp rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng đến khi điều đó thực sự xảy ra, nhiều người làm việc cho chiến dịch và Nhà Trắng chỉ giả định rằng phải có điều gì đó xảy ra - một bước ngoặt, một sự thừa nhận thực tế - nhưng họ không biết điều gì, khi nào hoặc làm thế nào.
Đảng Dân chủ đã thay đổi. Tiền đang cạn kiệt. Các cuộc thăm dò ở các bang phải thắng đã trở nên tồi tệ hơn.
Câu chuyện này dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn chục người trong đảng Dân chủ, từ Nhà Trắng và Đồi Capitol; nhiều người trong số họ phát ngôn với điều kiện giấu tên khi mô tả các cuộc trò chuyện riêng tư.
Tổng thống Biden đã họp suốt cuối tuần với một nhóm nhỏ gồm gia đình và các cố vấn tại thành phố Rehoboth Beach, bang Delaware, gồm: Cố vấn Nhà Trắng Steve Ricchetti, cố vấn cấp cao chiến dịch Mike Donilon, Phó chánh văn phòng Annie Tomasini và cố vấn cấp cao của Đệ nhất phu nhân Anthony Bernal, tất cả đều có mặt tại nhà nghỉ của tổng thống.
Những người khác công khai cho rằng không có chuyện Tổng thống Biden sẽ dừng cuộc đua. Họ nói với những người làm việc cho họ là đừng dừng lại. O’Malley Dillon đặt ra dấu mốc đó vào thứ Sáu, khi bà xuất hiện trên chương trình “Morning Joe” của MSNBC và đột ngột bác bỏ những suy đoán đang gia tăng rằng ông Biden sẽ rút lui. Theo bà, chiến dịch tranh cử đang hoạt động tốt, tổng thống quyết tâm. “Ông ấy sẽ không đi đâu cả”, bà nói.
Chiều thứ Sáu diễn ra một cuộc gọi căng thẳng với các nhà tài trợ lớn, khiến nhiều người trong số những người giàu của đảng Dân chủ tức giận. Gọi trên đường đi, Phó Tổng thống Harris tham gia Zoom muộn chỉ trong vài phút. Bà nói về những nỗ lực của chiến dịch ở hai bang Michigan và Wisconsin, bày tỏ sự tự tin vào chiến thắng và sau đó rời cuộc gọi.
Tất cả câu hỏi của các nhà tài trợ đều không được trả lời. Các nhà tài trợ rời cuộc họp online với sự thất vọng vì “nó giống như chúng tôi không có mắt và không thể nhìn thấy những gì đang diễn ra”, một người khác trong cuộc gọi nói.
Đó là một động thái táo bạo và dứt khoát. Tuy nhiên, nhiều người trong giới chính trị của đảng Dân chủ coi đó không phải là lời cuối cùng, mà giống như một sự tôn trọng mà Tổng thống Biden xứng đáng được nhận. Quyết định này luôn là của ông.
Từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng, những người thân cận với Tổng thống Biden liên hệ với những người đã công khai bày tỏ sự thất vọng của họ. Thông điệp của họ là ông ấy xứng đáng được “khoan dung”, hãy cho ông ấy không gian. Điều đó đã tạo ra những tín hiệu trái chiều, trong bối cảnh điều kiện rõ ràng đang xấu đi.
Kết quả các cuộc thăm dò cuối tuần trước đã xấu đi thêm. Tổng thống Biden (bị mắc COVID-19) đã được thông báo về kết quả thăm dò.
Chiến dịch tiếp tục lên kế hoạch cho các chuyến đi và gây quỹ mới cho Tổng thống Biden vào thứ Bảy. Một email gây quỹ cho liên danh Biden-Harris đã được gửi đi vào Chủ nhật ngay cả sau khi ông Biden đã công bố lá thư thông báo quyết định rút lui của mình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden rời sân khấu tại hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm NATO ở Washington vào ngày 11/7/2024. Ảnh: The Washington Post. |
Cảm thấy “bị phản bội sâu sắc”
Thực tế, Tổng thống Biden đã gần như quyết định vào tối thứ Bảy, theo lời người được thông báo về các sự kiện. Sau đó, ông đi ngủ. Khi thức dậy, ông đã kiểm tra lại cảm giác của mình trước khi chính thức công bố.
Tổng thống Biden đưa ra quyết định của mình với sự chắc chắn rằng ông không có con đường khả thi phía trước. Nhưng ông vẫn tức giận với các nhà lập pháp đảng Dân chủ và các chiến lược gia của đảng đã bắt đầu công khai yêu cầu ông rút lui.
Một thành viên Quốc hội Mỹ nói rằng Tổng thống Biden cảm thấy “bị phản bội sâu sắc và tức giận” với tất cả những người ông cho là bạn mà cuối cùng lại ép ông rời cuộc đua. Nghị sĩ này nói rằng ông Biden đã tiếp nhận các lập luận về thăm dò và di sản của mình, nhưng điều đó mất một thời gian và hầu hết các nhân viên không biết rõ.
Đối với nhiều người trong ban lãnh đạo cao cấp của chiến dịch, thực tế khắc nghiệt đã được chấp nhận từ lâu. Nhưng mọi người tiếp tục nói thay ông, thường xuyên lên án các nguồn tin ẩn danh mô tả những gì đang xảy ra.
Một nữ nghị sĩ nói rằng Tổng thống Biden đã có “những cuộc nói chuyện trung thực” với nhóm của mình cuối tuần qua về các cuộc thăm dò, dường như ngày càng tồi tệ hơn. Đảng Dân chủ tại Đồi Capitol cũng đang bất an. Hàng chục nhà lập pháp đã trì hoãn việc công khai, vừa vì tôn trọng tổng thống vừa vì sợ những rủi ro chính trị khi làm như vậy.
Nhưng nhiều người đã thảo luận về cách tốt nhất để sớm công khai nếu ông Biden không rút lui trước cuối tuần. Tuy nhiên, họ không sẵn sàng tuân theo ý muốn của ông.
Các thành viên đảng Dân chủ trong Thượng viện - nơi ông Biden đã phục vụ trong 36 năm - đặc biệt cẩn thận nhưng đã bắt đầu thảo luận về việc liệu có nên công khai theo nhóm hay từng người một, để sắp xếp một số thượng nghị sĩ gặp riêng Tổng thống Biden và khuyến khích ông rút lui, nếu không họ sẽ cảnh báo rằng họ sẽ công khai nếu ông không xua tan được những lo ngại của họ.
Một số trợ lý của Tổng thống Biden hôm Chủ nhật nói rằng họ tức giận vì bị giữ trong bóng tối, sau khi được thông báo vào thứ Sáu và thứ Bảy rằng họ phải tiếp tục chiến đấu cho việc ông ứng cử. Một số thậm chí còn làm việc vào sáng Chủ nhật, chuẩn bị cho các chương trình buổi sáng và quay trở lại thành phố Wilmington trong tuần.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris tại màn bắn pháo hoa Ngày Độc lập từ Ban công Truman của Nhà Trắng ở Washington, DC, vào ngày 4/7/2024. Ảnh: Getty Images. |
Bà Harris có đương đầu nổi ông Trump?
Chiều Chủ nhật, vẫn chưa rõ khi nào Tổng thống Biden sẽ trực tiếp phát biểu trước cả nước. Ông vẫn đang có các triệu chứng của COVID, bao gồm giọng khàn. Nhiều người nghi ngờ rằng Tổng thống Biden và nhóm của ông sẽ chờ đến khi ông ấy khỏe hơn để có bất kỳ phát biểu công khai nào.
Giữa các nhà lập pháp đảng Dân chủ, có sự bất đồng về con đường tốt nhất phía trước. Sự ủng hộ của ông Biden đối với bà Harris có khả năng cản trở cuộc thảo luận về việc liệu một ứng cử viên khác có vị trí tốt hơn để đánh bại ông Donald Trump hay không. Nhưng trước khi Tổng thống Biden tuyên bố ủng hộ bà Harris, nhiều nhà lập pháp đã lo ngại về khả năng của bà trong việc đối đầu với ông Trump.
Những người khác trong vòng tròn thân cận của Tổng thống Biden tin rằng không có lựa chọn nào khác, không có thời gian để khởi động lại và tổ chức lại chiến dịch tranh cử.
Nữ phó tổng thống đầu tiên
Bà Kamala Devi Harris (sinh ngày 20/10/1964) là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, phó tổng thống thứ 49 của Mỹ. Bà là nữ phó tổng thống đầu tiên và là nữ quan chức nắm giữ vị trí cao nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời cũng là phó tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên và người Mỹ gốc Á đầu tiên, theo Wikipedia.
Vợ chồng Doug Emhoff - Kamala Harris. Khi ông Doug Emhoff gặp bà Kamala Harris trong một buổi hẹn hò giấu mặt do bạn bè sắp xếp, đó là “tình yêu từ cái nhìn đầu tiên”, ông Emhoff kể. Ảnh: Rappler. |
Là thành viên của đảng Dân chủ, bà từng là thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho bang California từ năm 2017 đến năm 2021 và là tổng chưởng lý của bang California từ năm 2011 đến năm 2017. Bà Harris trở thành phó tổng thống sau khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2021 cùng với Tổng thống Joe Biden, người đã đánh bại ông Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence trong cuộc bầu cử năm 2020.
Sinh ra ở thành phố Oakland, bang California, bà Harris tốt nghiệp Đại học Howard và Đại học California, Cao đẳng Luật Hastings. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình tại Văn phòng Biện lý Alameda, trước khi được tuyển vào Văn phòng Biện lý San Francisco và sau đó là Văn phòng Luật sư thành phố San Francisco. Năm 2003, bà được bầu làm công tố viên San Francisco. Bà được bầu làm Tổng chưởng lý của California vào năm 2010 và tái đắc cử vào năm 2014.
Bà Harris từng là thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho California từ năm 2017 đến năm 2021. Bà đã đánh bại bà Loretta Sanchez trong cuộc bầu cử Thượng viện năm 2016 để trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi thứ hai và là người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên phục vụ tại Thượng viện Mỹ.
Với vai trò thượng nghị sĩ, bà ủng hộ việc cải cách chăm sóc sức khỏe, hủy bỏ luật sử dụng cần sa của liên bang, tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhập cư không có giấy tờ thực hiện quyền công dân, Đạo luật DREAM, lệnh cấm vũ khí tấn công và cải cách thuế lũy tiến.
Bà Harris đã lên tiếng chất vấn những quan chức thuộc chính quyền Trump trong các phiên điều trần tại Thượng viện, bao gồm ứng cử viên Tòa án Tối cao, Brett Kavanaugh, người bị cáo buộc tấn công tình dục.
Bà tham gia tranh cử tổng thống cho đảng Dân chủ vào năm 2020, nhưng đã rút lui trước cuộc bầu cử sơ bộ. Ông Biden chọn bà làm đồng tranh cử với mình vào tháng 8/2020, và họ đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11. Bà nhậm chức phó tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021.
Mẹ bà Harris, Shyamala Gopalan, là một nhà khoa học ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ, năm 1960 để theo học tiến sĩ ngành nội tiết học tại UC Berkeley. Cha bà, Donald J. Harris, là một giáo sư danh dự chuyên ngành kinh tế của Đại học Stanford, nhập cư từ Jamaica năm 1961 để học kinh tế tại UC Berkeley.
Bà Harris (lúc đang giữ chức Tổng chưởng lý của bang California) kết hôn với luật sư Doug Emhoff vào ngày 22/8/2014. Ông là đệ nhị phu quân đầu tiên trong lịch sử Mỹ và là người phối ngẫu gốc Do Thái đầu tiên của một phó tổng thống.
Ông Emhoff đã kết hôn 16 năm với người vợ đầu là bà Kerstin Emhoff (nhũ danh Mackin) và họ có hai con, Cole và Ella.