Phó Tổng thống Mỹ Harris ‘tấn công quyến rũ’ châu Phi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khi bước xuống chiếc Không lực 2 ở sân bay Ghana ngày 26/3, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ trở thành nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ thăm châu Phi, tạo nên một chương mới trong vai trò phá vỡ rào cản đối với phụ nữ.
Phó Tổng thống Mỹ Harris ‘tấn công quyến rũ’ châu Phi ảnh 1

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AP

Ý nghĩa biểu tượng này sẽ đóng vai trò quan trọng về bối cảnh cho chuyến đi mang nhiều mong muốn ngoại giao cũng như ý nghĩa lịch sử.

Các quan chức trong chính quyền Mỹ coi đây là chuyến đi “hướng đến tương lai” để làm sâu sắc quan hệ với châu lục, ở nơi mà độ tuổi trung bình của người dân chỉ là 19 và dân số đang phát triển nhanh chóng.

“Tôi sẽ đến châu Phi chủ yếu để trao đổi với các lãnh đạo châu Phi về điều mà nước Mỹ chúng tôi sẽ đầu tư vào tương lai của lục địa này”, bà Harris nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh hôm 24/3.

Bà Harris hy vọng sẽ phát triển trên các lĩnh vực đổi mới và công nghệ ở châu Phi, an ninh khu vực, an ninh lương thực, trao quyền cho phụ nữ, biến đổi khí hậu và dân chủ. Bà cũng sẽ công bố các khoản đầu tư vào khu vực công và lĩnh vực tư nhân ở châu lục.

“Phó Tổng thống sẽ thăm 3 quốc gia nơi chính phủ đang đầu tư vào nền dân chủ, nhất là vào thời điểm chúng tôi hiểu đang có sự suy thoái dân chủ toàn cầu”, một quan chức chính quyền Mỹ nói với báo chí.

Chuyến thăm của bà Harris có sự tương đồng với cựu Tổng thống Barak Obama, người đã được đông đảo người dân và các lãnh đạo châu Phi chào đón vì cảm giác gắn kết với người có chung dòng máu.

Tuy nhiên, không khí chính trị chờ đón bà Harris từ khi vị tổng thống da màu của Mỹ thực hiện chuyến thăm cách đây gần 15 năm đã rất khác. Với tất cả những hy vọng đặt vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, nhiều lãnh đạo châu Phi đến giờ vẫn giận dữ vì cho rằng những lời hứa đã bị xem nhẹ ở khu vực thường bị gạt ra ngoài lề trong các cuộc tranh luận quốc tế.

Cuộc tranh giành để lấp vào khoảng trống đó dần trở thành trận chiến ngoại giao ngày càng gay gắt, khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đẩy mạnh nỗ lực chiếm cảm tình của châu Phi để đối phó với ảnh hưởng gia tăng của Nga và Trung Quốc ở lục địa đen. Bà Harris trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Biden thăm châu Phi để đối phó với thách thức đó.

Nhiệm vụ đó đặt trách nhiệm nặng nề lên vai bà Harris. Bà phải thể hiện với các nước châu Phi rằng Mỹ muốn hợp tác thực sự để phát huy tiềm năng và tránh coi châu Phi như những con tốt trong chiến lược địa chính trị rộng hơn của Mỹ, các chuyên gia nhận xét.

“Điều nguy hiểm là khi chúng ta đến đó và nói: ‘chúng tôi muốn nói với các vị về Trung Quốc’. Rất khó để đổ lỗi cho châu Phi nếu họ trả lời: ‘à, đây không phải việc vì chúng tôi, mà là vì Trung Quốc”, Mark Green, cựu Đại sứ Mỹ ở Tanzania và hiện là chủ tịch Trung tâm Wilson, nói.

Rủi ro đó được thể hiện khi các lãnh đạo châu Phi được mời đến Washington dự thượng đỉnh Mỹ - Phi năm ngoái. Khi đó, giới chức Mỹ phải rất thận trọng để thể hiện rằng những nỗ lực của Mỹ thiên về an ninh và kinh tế, nhằm thực hiện tầm nhìn tích cực về quan hệ với châu lục trong những năm tới.

Trong chuyến đi này, bà Harris sẽ nhìn thấy một trong những ví dụ rõ ràng nhất cho ảnh hưởng của Trung Quốc khi bà bay đến Zambia. Chiếc Không lực 2 sẽ hạ cánh ở sân bay quốc tế Kenneth Kaunda mới được nâng cấp bằng thiết kế và tiền của Trung Quốc.

Đoàn xe hộ tống phó tổng thống sẽ đi trên những con đường làm bằng vốn vay của Trung Quốc và qua những toà nhà treo biển quảng cáo của Trung Quốc.

Trong giai đoạn Mỹ không để ý đến khu vực, nhất là thời chính quyền Donald Trump, Trung Quốc không ngừng phát triển quan hệ thương mại với các quốc gia châu Phi và rót vốn xây dựng những dự án hạ tầng lớn ở đó. Còn Nga mở rộng ảnh hưởng quân sự, bao gồm thông qua những hãng tư nhân như Wagner Group.

Theo CNN
MỚI - NÓNG