Trong lần trở lại lần này, ngoài chia sẻ niềm vui, chúng tôi được nghe nhiều nỗi niềm, tâm sự của thầy Phan Trọng Đông, người đang nuôi dưỡng cậu học trò Đặng Xuân Tú, vừa giành huy chương Vàng cá nhân trong cuộc thi Olympic Toán tuổi thơ.
Thầy Đông vẫn nhớ như in cái ngày Tú về với gia đình. Ngày đó, rất nhiều đồng nghiệp, bà con hàng xóm cũng như mẹ của em Tú rất lo ngại việc Tú về chung sống sẽ là gánh nặng lớn đối với gia đình thầy. Thế nhưng, với sự đồng cảm, tình yêu thương, cả hai vợ chồng thầy Đông đều mong muốn được đón Tú về để mẹ em Tú yên tâm đi làm ăn xa.
“Lúc đó, vợ chồng tôi chỉ sợ Tú sẽ không quen với cuộc sống mới. Chứ khó khăn, thiếu thốn mấy vợ chồng tôi cũng kham được”, thầy Đông chia sẻ.
Trước tấm chân tình và tình yêu thương của vợ chồng thầy Đông, Tú đã cảm nhận được không khí ấm cúng của một gia đình. Từ ngày có Tú về, căn phòng nhỏ bé của vợ chồng thầy Đông lại có thêm nhiều tiếng cười. Cũng từ đó mà từ một cậu bé sống khá nội tâm, nhút nhát, Tú đã mở lòng hơn, hòa đồng với mọi người.
Về cuộc sống gia đình, thầy Đông cũng chia sẻ thật, từ ngày Tú về thì vợ chồng thầy vất vả hơn. Giờ đây, ngoài việc lo cho đứa con gái mới gần 1 tuổi thì phải lo thêm cho Tú.
Cũng đúng thật, với đồng tiền lương của người giáo viên (trong đó, cô Ân - vợ thầy Đông đang là giáo viên hợp đồng) thì việc để trang trải cuộc sống cho cả gia đình, trong đó có con nhỏ quả là điều không dễ dàng. Thế nhưng, Tú đã đem lại cho gia đình thầy thêm niềm vui và đó cũng là điều quan trọng nhất đối với vợ chồng thầy.
Điều lo lắng nhất của vợ chồng thầy lúc này không phải là vấn đề vật chất, sinh hoạt hàng ngày. Mà đó chính là tương lai của em Tú. Là một học sinh thông minh, sáng dạ thế nhưng làm sao để em có một môi trường, một điều kiện tốt hơn để em có thể phát triển hơn nữa.
Hiện, Tú đang chuẩn bị ôn thi để thi vào lớp A1 của Trường THCS thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Thầy Đông cho biết, khoảng cách từ nhà trọ đến trường hơn 15 km. Nếu để Tú tự đi học thì không an tâm mà đưa đi đón về thì hết sức khó khăn.
“Những ngày qua, tôi suy nghĩ rất nhiều, đưa ra nhiều phương án, tuy nhiên thấy không khả thi lắm. Nếu để Tú ở trọ thì sẽ rất khó, sợ cháu sẽ không tự lập được, còn nếu đi về thì khoảng cách quá xa. Hơn nữa, ra môi trường mới, xa vòng tay chỉ dạy của thầy Đông chắc chắn Tú sẽ có nhiều bỡ ngỡ, mới lạ”, đó là vấn đề thầy Đông đang hết sức lo lắng.
Tài chính để trang trải việc học tập cho Tú cũng là một vấn đề khiến vợ chồng thầy Đông suy nghĩ rất nhiều. Với đồng lương của vợ chồng thầy lúc này thì rất khó để lo đầy đủ cho Tú được.
Em Tú bên gia đình thầy Đông.
Thầy Đông tâm sự: “Học ở đó thì chắc chắn sẽ tốn kém hơn. Nhưng dù khó khăn thế nào thì chúng tôi cũng không bỏ rơi cháu. Chúng tôi sẽ luôn theo sát, che chở cho em Tú. Tôi chỉ mong em chăm ngoan, học giỏi để thực hiện được giấc mơ của em”.
Sự quyết tâm của thầy khiến chúng tôi thấy chạnh lòng khi nhìn vào căn phòng trọ mà gia đình thầy đang sinh sống. Hai căn phòng của khu nội trú được làm thông với nhau. Tài sản lớn của đôi vợ chồng có lẽ là chiếc xe máy mua cách đây 6 năm. Ngay cả với “phòng khách” cũng không có được một cái bàn để ngồi.
Trong trái tim của vợ chồng thầy Đông tình yêu và sự quyết tâm thì luôn tràn đầy nhưng liệu họ có đủ sức để tiếp bước cho giấc mơ của em Tú hay không? Đó cũng là câu hỏi, sự day dứt của chúng tôi trên suốt chặng đường về.
Theo Xuân Sinh - Anh Tấn