Nỗi lo thế kỷ

TP - Mới xuất hiện bên bờ biển miền Trung được 6 năm, siêu dự án gang thép chục tỷ đô của Formosa ở Hà Tĩnh đã liên tục gây ra hàng loạt bê bối dù chưa chính thức đi vào hoạt động.

Đó là, sử dụng hơn 3000 lao động “chui” người Trung Quốc năm 2014, sập dàn giáo làm 13 người chết và 29 người bị thương năm 2015, và nghiêm trọng nhất là xả thải độc hủy hoại môi trường biển dọc 4 tỉnh miền Trung năm 2016. Biển nhiễm độc, cả trăm tấn cá chết dạt bờ, hàng trăm km rặng san hô bị hủy hoại, hàng vạn ngư dân đứng trước nguy cơ phải bỏ nghề…  

Chưa đền bù và khắc phục vụ dưới biển xong, Formosa lại tiếp tục xả chất thải nguy hại trên bờ. Hiện Formosa đang là đối tượng điều tra của một vụ án hình sự vừa khởi tố về việc hàng trăm tấn bùn thải độc hại của Formosa đem chôn lấp trái phép khắp nơi trên địa bàn huyện Kỳ Anh.

Một dự án thu hút vốn FDI lớn nhất Việt Nam với quá nhiều ưu ái, miễn giảm đủ loại thuế, thời gian thuê đất kỷ lục lên tới 70 năm. Song thật đáng tiếc, chúng ta lại trải thảm đỏ cho một ngành công nghiệp nặng đang vào thời “hoàng hôn” của sự phát triển – ngành luyện gang thép. Đó cũng là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất thế giới mà ít có quốc gia  nào còn đầu tư phát triển, ngoại trừ Trung Quốc một thời.

Người ta tính rằng, trung bình sản xuất một tấn thép sẽ thải ra khoảng 80m3 nước thải, trong đó có nhiều hoá chất độc hại như phenol, xyanua, kim loại nặng… Ngoài ra cứ sản xuất 1 tấn thép sẽ thải ra 0,3 – 0,5 tấn chất thải rắn, bao gồm xỉ than và bụi có lẫn kim loại nặng.

Thử hình dung với công suất 7 triệu tấn phôi thép/năm trong giai đoạn 1 của Formosa, riêng chất thải rắn mỗi năm đã lên tới 2,1 -3,5 triệu tấn, chưa kể hàng chục nghìn mét khối nước thải mỗi ngày ra biển, rõ ràng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường là vô cùng lớn.

Một câu hỏi lớn đặt ra, vậy chúng ta sẽ kiểm soát và giám sát quá trình xả thải của nhà máy thép không lồ này ra sao, trong suốt vòng đời 70 năm tồn tại của no? Một nguy cơ lớn về ô nhiễm luôn cận kề, rình rập! Nỗi lo suốt chiều dài gần thế kỷ là có thực, bởi nhà máy Formosa mới xuất hiện có 6 năm, chưa đi vào hoạt động, đã liên tiếp xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng cả dưới biển lẫn trên bờ.

Chính vì vậy, trách nhiệm giám sát xả thải của siêu dự án Formosa là hết sức nặng nề, không chỉ cho hiện tại mà cho cả con cháu chúng ta trong tương lai. Giữ cho hàng trăm km bờ biển miền Trung luôn trong lành, giữ cho đất đai, nguồn nước và cả bầu không khí khu vực này mãi xanh tươi, đó là trách nhiệm của mỗi chúng ta. 

Nhưng trọng trách quản lý nhà nước được giao, được nhân dân ủy thác, chính là Bộ TN&MT, là sở TN&MT Hà Tĩnh và chính quyền địa phương. Do vậy, rất cần một kế hoạch bài bản, công khai minh bạch, mang tính lâu dài và bền vững cho nhiệm vụ không hề đơn giản này.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.