Cuộc tranh luận này rất quan trọng vì chính phủ Trung Quốc đang dựa vào chi tiêu của người tiêu dùng để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ tiếp diễn. Nếu người tiêu dùng giảm bớt chi tiêu, điều đó nghĩa là tăng trưởng có thể giảm nhanh hơn mức dự đoán.
Sản lượng tiêu thụ mỳ ăn liền ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong bắt đầu giảm sau năm 2014, một phần do những bữa ăn mang theo có giá rẻ và được hỗ trợ bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp về giao hàng. Sản lượng mỳ ăn liền bán ra giảm xuống 38,5 tỷ gói và năm 2016, nhưng tăng lên hơn 40 tỷ trong năm ngoái, tương đương hơn 38,8% tổng doanh số bán mỳ gói toàn cầu, theo số liệu từ Hiệp hội mỳ ăn liền thế giới. Giới phân tích chờ đợi sản lượng này còn tăng nữa trong năm nay.
Mỳ ăn liền là sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng, gắn với tiến trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc trong 40 năm qua. Sản lượng bán mỳ ăn liền tăng cùng với quá trình tăng số lượng công nhân công nghiệp và giảm khi số dân trung lưu tăng lên, vì người dân dùng nhiều tiền hơn để mua những bữa ăn giá cao hơn.
Vì tính phổ biến và tầm quan trọng, mỳ ăn liền và doanh số bán xe hơi thường được dùng để đo lường xem người tiêu dùng Trung Quốc có tăng chi tiêu cho các mặt hàng đắt hơn hay giảm chi tiêu bằng cách mua đồ giá rẻ để tiết kiệm nhiều hơn.
Doanh số bán xe hơi giảm 14% trong giai đoạn 15 tháng tính đến tháng 8 vừa qua, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc. Các nhà phân tích coi đây là chỉ số cho thấy đà giảm tăng trưởng thu nhập, tăng mức nợ và lo ngại về triển vọng việc làm, khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu.
Trong khi đó, báo chí nhà nước Trung Quốc nỗ lực gạt bỏ ý kiến rằng người tiêu dùng đang giảm bớt chi tiêu. Họ cho rằng doanh số bán mỳ ăn liền hồi phục là câu chuyện thành công của việc cải tiến sản phẩm, nghĩa là doanh số cao hơn thực sự là tiêu dùng tăng thêm, vì người tiêu dùng chi cho các sản phẩm đắt hơn.
“Sự trở lại của mỳ ăn liền và rau đóng hộp không phải do người tiêu dùng giảm mức chi tiêu, mà do các công ty chớp được cơ hội thị trường bằng cách đa dạng hóa và giới thiệu các sản phẩm cao cấp hơn”, tờ Nhân dân Nhật báo viết trong bài đăng gần đây.
Tingyi Holding, hãng sản xuất mỳ ăn liền lớn nhất ở Trung Quốc, cho biết trong báo cáo đưa ra nửa đầu năm nay rằng doanh thu bán mỳ của họ tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2018, lên 11,7 tỷ tệ (1,6 tỷ USD). Tăng trưởng sản lượng chủ yếu nhờ các loại mỳ ăn liệu “cao cấp”, có giá lên đến 24 tệ/gói – đắt hơn một bát mỳ bò trong quán ăn ở một số thành phố của Trung Quốc.
Nhưng tăng trưởng thu nhập – yếu tố chính quyết định tiêu dùng - của người Trung Quốc gần đây không lạc quan. Tăng trưởng thu nhập khả dụng trung bình của người Trung Quốc trong nửa đầu năm nay ở mức 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 8% trong năm 2014, theo Tổng cục thống kê Trung Quốc.
Ngay cả những gia đình có thu nhập cao cũng đã thận trọng hơn trong cách tiêu tiền. Chỉ số giá tiêu dùng xa xỉ giảm 0,3% trong năm nay, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015. Chỉ số này do Hurun Report, một hãng tư vấn chuyên về tài sản và đầu tư, công bố.
“Hơn một nửa rổ hàng hóa của chúng tôi (trong chỉ số) là sản phẩm nhập khẩu. Khi đồng nhân dân tệ bị giảm giá, hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ số giá này phải tăng, nhưng thực tế nó đã giảm đôi chút”, Hurun cho biết.
Theo các chuyên gia, chi tiêu của người dân dựa trên kỳ vọng vào thu nhập trong tương lai. Nếu triển vọng thu nhập tương lai không chắc chắn, lựa chọn của người tiêu dùng tự nhiên sẽ thận trọng hơn.