Nơi bệnh nhân ung thư thường xuyên... đi họp

Bệnh nhân Hồ Ngọc Mười, điều trị ung thư vòm hầu tại khoa Hóa trị, làm chủ tọa cuộc họp hội đồng bệnh nhân cấp khoa chiều 11/6. Ảnh: Thanh Trần
Bệnh nhân Hồ Ngọc Mười, điều trị ung thư vòm hầu tại khoa Hóa trị, làm chủ tọa cuộc họp hội đồng bệnh nhân cấp khoa chiều 11/6. Ảnh: Thanh Trần
TP - Tuần nào, bệnh nhân và người nhà trong Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng cũng phải… đi họp. Một phiên họp mà họ được làm chủ tọa, có thể chất vấn bác sĩ, điều dưỡng ngàn lẻ một chuyện. Cũng từ những buổi họp như thế, thầy thuốc và bệnh nhân thành người một nhà, cận kề nhau đến phút cuối cùng.

Thoải mái chất vấn

Ở tất cả các khoa, mỗi tuần đều có một cuộc họp hội đồng bệnh nhân để tiếp thu ý kiến, giải đáp thắc mắc mà người bệnh và thân nhân chưa hiểu rõ. Cuộc họp nào cũng đông và sôi nổi, có hôm kéo dài tới vài giờ.

Ba giờ chiều ngày thứ Năm, bệnh nhân khoa Hóa trị ngồi kín phòng họp, ông Hồ Ngọc Mười, đang điều trị ung thư vòm hầu, được bầu làm chủ tọa. Sau khi điều dưỡng trưởng thông báo qua tình hình của khoa, buổi “chất vấn” bắt đầu. Một bệnh nhân đến từ Bình Định thắc mắc: “Tại sao tui có bảo hiểm hộ nghèo mà phải thanh toán thêm tiền, trong khi bệnh nhân khác cũng có bảo hiểm như tui mà không phải đóng thêm khoản nào?”.

Điều dưỡng trưởng Trương Hồng Thu trả lời: “Những bệnh nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam có bảo hiểm hộ nghèo khi điều trị ở đây, ngoài khoản tiền do bảo hiểm thanh toán, thì số còn lại bệnh viện sẽ chi trả, đó là chính sách ưu đãi của bệnh viện. Còn những bệnh nhân ở các tỉnh thành khác phải trả khoản tiền ngoài chi trả của bảo hiểm hộ nghèo”. 

Một bệnh nhân khác tiếp lời: “Tại sao khi tiến hành xạ trị, tui ăn mất cảm giác ngon, chẳng muốn ăn uống gì hết?”. Bác sĩ Nguyễn Văn Hóa giải thích: “Biến chứng của xạ trị thường gây khô miệng, giảm vị giác nên bệnh nhân thường có cảm giác ăn mất ngon. Tuy nhiên, mọi người tuyệt đối không được bỏ bữa, phải duy trì bữa ăn và chất dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng khả năng đề kháng, đồng thời uống nhiều nước để cổ không bị khô rát”.

Không chỉ xoay quanh vấn đề sức khỏe, hàng loạt câu hỏi liên quan nhà vệ sinh, giường ngủ, y tá… cũng được đặt ra. Sau khi bệnh nhân đề nghị mở điều hòa trong các buồng bệnh, các bác sĩ chia sẻ thân tình rằng, đó là kế hoạch tiết kiệm của bệnh viện, trước đây mỗi tháng bệnh viện phải chi trả trên dưới 1 tỷ đồng tiền điện, nhưng sau khi thực hiện tiết kiệm, mỗi tháng chỉ phải trả khoảng 500 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm được để nấu cháo, giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Nghe hợp tình hợp lý, ai cũng gật đầu.

Tha hồ bày tỏ

Cuộc họp hội đồng bệnh nhân khoa Hóa trị đang sôi nổi bỗng nhiên chùng xuống khi bệnh nhân Đặng Huy Vũ (33 tuổi, quê Kon Tum, bị ung thư lưỡi), nói: “Tôi đã xạ được 20 tia đầu, trả tiền đầy đủ. Chỉ còn 10 tia nữa là hoàn tất quá trình xạ trị, nhưng vợ tôi sắp sinh, nhà quá khó khăn nên mong bệnh viện miễn giảm cho chi phí 10 tia sau, nếu không, chắc tôi cũng thả tay”. Nghe ý kiến của anh Vũ, bác sĩ tư vấn cho anh làm đơn gửi bệnh viện để được xem xét, những trường hợp khó khăn như anh hầu hết đều được hỗ trợ. Bác sĩ cũng hứa, trong cuộc giao ban ngày mai, sẽ trình bày vấn đề này với ban giám đốc và buổi chiều cùng ngày sẽ trả lời anh.

Nơi bệnh nhân ung thư thường xuyên... đi họp ảnh 1

Một buổi họp của hội đồng người bệnh, bệnh nhân tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng 

Ngồi kế bên, chị Lê Thị Kim Phượng (Điện Bàn, Quảng Nam) rầu rĩ kể về bệnh tình của con gái Ngô Mỹ Uyên. Uyên bị ung thư vòm họng đã lâu nhưng nhà không đủ điều kiện đưa cháu tới viện chữa trị, hôm nào chị cũng mua lá thuốc về đắp lên khối u cho con. Bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, khối u ngày một to rồi vỡ ra, hoại tử. Đến nước này, chị Phượng chạy ngược chạy xuôi vay mượn gần chục triệu đồng đưa con ra Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng.

“Mấy hôm nay hai mẹ con ăn uống tằn tiện hết mức để dành tiền thuốc thang, bây giờ nghe bệnh viện có chính sách hỗ trợ bệnh nhân khó khăn nên tôi cũng đỡ lo”, chị Phượng nói. Anh Trương Hồng Thu, điều dưỡng trưởng khoa Hóa trị, cho biết: “Một số trường hợp khi nghe đến chi phí chữa trị họ đều tính đường lùi, cho rằng chữa hay không thì cũng chết. Biết được tâm lý đó, chúng tôi đã chia sẻ rất cởi mở về những hỗ trợ của bệnh viện, từ đó họ mới dám bày tỏ nguyện vọng của mình. Đến nay, riêng khoa Hóa trị đã miễn giảm được gần như hoàn toàn chi phí điều trị cho 20 bệnh nhân”.

Bệnh nhân và bác sĩ còn thể hiện tình cảm, sự tôn trọng nhau một cách mộc mạc, thân tình hơn nhờ những cuộc họp như thế. Chiều thứ Sáu, khoa Huyết học - Nhi tổ chức buổi họp hội đồng bệnh nhân. Bệnh nhân Huỳnh Việt Hùng, gần 60 tuổi, tếu táo: “Tự nhiên vô viện lên chức liền, hôm ni được bầu luôn làm chủ tọa, điều hành cuộc họp mấy chục người, oách ghê”. Ông kể, trước khi vào đây, ông đã đi rất nhiều bệnh viện, nhưng chưa có nơi nào thoải mái và gần gũi như ở đây, muốn chê y bác sĩ tha hồ nói, muốn ăn ngủ kiểu gì thoải mái đề nghị. “Tui biết chuyện ni lâu rồi nhưng nói một mình sợ quê, giờ có đông đủ mọi người, tui xin phát biểu thêm một chút, đó là nằm viện mà tui thấy dễ chịu hơn ở nhà”, một bệnh nhân khác bày tỏ.

Bên bệnh nhân đến phút cuối cùng

Khi những tâm nguyện cuối cùng của bệnh nhân chưa thực hiện được, khi những bí mật không thể kể cùng ai, họ chọn bác sĩ để trút bầu tâm sự. Khi nghe diễn biến bệnh tình của mình đang ở giai đoạn cuối, không trụ được lâu, nhiều bệnh nhân nhờ bác sĩ giữ giúp bí mật này để khỏi làm người nhà hoang mang, lo lắng. 

Nơi bệnh nhân ung thư thường xuyên... đi họp ảnh 2

Hai chiếc xe lăn của bệnh nhân quá cố Nguyễn Đức Th. được tặng cho bệnh viện

Bác sĩ Đặng Nguyên Kha, khoa Thần kinh - Đầu cổ - Lồng ngực kể, trong một cuộc họp cách đây không lâu, một bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối hỏi rằng, những ngày cuối đời này, ông ấy có thể hút thuốc được không? Dù biết hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe, nhưng trong tình cảnh ấy, bác sĩ vẫn gật đầu để bệnh nhân có thể làm được những gì họ muốn trong thời gian sống ngắn ngủi còn lại. 

Cũng từ những buổi họp đó mà bệnh nhân, người nhà đã chấp nhận cái chết một cách nhẹ nhàng hơn. Như trường hợp bà Trần Thị C. (Đà Nẵng) nhập viện hơn một năm trước trong tình trạng tràn dịch màng phổi, có thể tử vong ngay trong đêm. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ lập tức chọc dịch màng phổi và điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã phục hồi và tiến triển rất nhanh. Tham gia họp hội đồng người bệnh, gia đình bà C. không ngần ngại hỏi về diễn tiến bệnh tình của bà, và bệnh viện cũng thông báo rõ ràng để gia đình tạo niềm vui sống cho bà nhiều hơn, cũng như chuẩn bị tâm lý khi điều không mong muốn xảy đến. Hôm bà C. hấp hối, bà cảm ơn bệnh viện đã coi bà như người nhà, chân tình và luôn cho bà cảm giác thoải mái. Còn người thân của bà đã nắm tay bác sĩ nói rằng, nhờ bác sĩ mà gia đình đã chuẩn bị được tâm lý để đón nhận thực tế bớt đột ngột, bớt đau khổ hơn.

Trước khi chết tặng lại xe lăn cho bệnh viện 

Trong dãy hành lang khoa Thần kinh - Đầu cổ - Lồng ngực có hai chiếc xe lăn mà khi hỏi tới, các bác sĩ nói đó là một câu chuyện đẹp như trong cổ tích. Hai chiếc xe ấy được mang vào khoa sau khi bệnh nhân Nguyễn Đức Th. (đường Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, Đà Nẵng) mất tròn một tháng. Bà Trần Thị Bạch Yến (60 tuổi), vợ bệnh nhân, kể: “Tôi cứ nghĩ vào viện thì bác sĩ dặn gì làm theo nấy, ai ngờ được mời đi họp, được hỏi và kiến nghị đủ chuyện. Mỗi lần đi họp về, tôi kể lại với ổng, ổng bảo chưa thấy bệnh viện nào tôn trọng người bệnh như vậy. Thầy thuốc ở đây cũng bên ổng suốt cả quá trình chữa trị nên ổng cảm động vô cùng. Hôm hấp hối, ông ấy nói muốn tặng cho khoa hai chiếc xe lăn để cám ơn cả bệnh viện và làm kỉ niệm cho những ngày cuối đời của ông”.

TH.TR

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.