Theo Sở NN&PTNT Hà Giang, trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước và chung tay hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, tỉnh được ưu tiên xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt.
Các chương trình lớn như: Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Ai-len cho cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, vốn vay cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ Ngân hàng Chính sách…
Từ đó, bước đầu Hà Giang đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống, sức khoẻ của người dân, đặc biệt là chuyển biến rõ trong nhận thức về sử dụng nước sạch, giữ gìn bảo vệ các nguồn nước, bảo vệ rừng đầu nguồn, thay đổi dần hành vi, tập quán sử dụng nước thiếu vệ sinh của người dân nông thôn.
Với chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, đã có sự phối hợp của ba ngành là NN&PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Đến năm 2019, chương trình đã nâng cấp, sửa chữa cho 63 công trình vệ sinh trường học, hoàn thành và đưa vào sử dụng 27 trạm y tế xã, đưa vào sử dụng 10 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Tính đến nay, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang được sử dụng nước hợp vệ vệ sinh khoảng 86%.
Hà Giang hiện có khoảng 800 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, trong đó gần 700 là công trình cấp nước tự chảy, gần 90 hồ treo… Các công trình được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 134, 135, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tát Cà, Nà Thé cho xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên được đưa vào sử dụng từ tháng 7/2020. Công trình gồm: Đập đầu mối, bể lắng lọc, bể lọc áp lực, nhà trạm, bể chứa, hệ thống tuyến ống dài trên 30 km; hệ thống cấp nước tự chảy, trụ vòi và lắp đồng hồ đo nước đến từng hộ dân.
Tổng dự toán công trình trên 10,8 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của tỉnh. Công trình đảm bảo cung cấp nước sạch cho gần 400 hộ dân tại các thôn Tát Cà, Nà Thé, Khuôn Làng, Hồng Tiến và 9 cơ sở trên địa bàn xã.
Hay, ở huyện núi đá như Mèo Vạc, để nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, giảm thiểu những cơn “khát”, những năm qua, huyện đã triển khai hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, tăng cường quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Hiện Mèo Vạc có 27 hồ chứa nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản. Trong đó, 15 công trình do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư; UBND huyện làm chủ đầu tư 12 công trình.
Tuy nhiên, nhiều công trình đưa vào sử dụng từ năm 2002, do mưa lũ, sạt lở đất làm vùi lấp đập đầu mối, đứt gãy đường ống, nhiều công trình xuống cấp, không phát huy hiệu quả.
Qua rà soát, đánh giá các công trình, hiện có 5 hồ chứa nước hoạt động tốt; 7 hồ vẫn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhưng đã hư hỏng một số hạng mục; 4 hồ hoạt động kém hiệu quả do bị hư hỏng nặng và hồ thôn Tò Đú, thị trấn Mèo Vạc hư hỏng đáy nên không sử dụng được.
Do đó, để các công trình cấp nước sinh hoạt đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát, nắm tình hình để kịp thời nâng cấp, cải tạo, sửa chữa; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, bảo vệ đầu nguồn nước tránh bị ô nhiễm. Đồng thời, huy động nguồn vốn xã hội hóa để đưa nước sạch về từng hộ dân bằng những bồn chứa nước.
Theo Sở NN&PTNT Hà Giang, mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2025 sẽ đưa tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn để thực hiện trên 133 tỷ đồng, trong đó trên 4,8 tỷ đồng đầu tư cho các dự án cấp nước nông thôn theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (4 công trình). Ở phần còn lại, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” của giai đoạn tới cần 128,5 tỷ đồng cho 51 công trình.