Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, đến nay sau gần 5 năm triển khai tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Chương trình có 3 hợp phần, gồm: cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình. Thời gian thực hiện từ năm 2016 - 2020 với tổng kinh phí trên 253 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới là 231 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 22 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 10.000 người dân được sử dụng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt chuẩn, trên 80% hộ dân có điểm rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt, nguồn vốn sử dụng để xây dựng các công trình đều đáp ứng tiêu chí đúng, đủ….
Năm 2020, theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nhiều bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng giảm, nhất là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như: tiêu chảy, tả, giun sán, các bệnh ngoài da...
Chị Trần Thị Hảo, thôn Hoàng Pháp (xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn) cho biết: Trước đây, gia đình chị sử dụng nước sinh hoạt không có bể chứa, nên chất lượng không đảm bảo; nhà vệ sinh của gia đình lại gần nguồn nước không có hệ thống xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường.
Năm 2019, khi triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại xã, chị được hỗ trợ 1 triệu đồng xây bể nước có chỗ để xà phòng rửa tay. Chị Hảo cũng đầu tư làm thêm nhà tiêu hợp vệ sinh 3 ngăn đúng quy định. Nhờ đó, sức khỏe của mọi người trong gia đình được bảo đảm, ít mắc các bệnh về đường tiêu hóa hơn.
Ở các xã vùng sâu, vùng xa, việc triển khai chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nguồn nước bảo đảm trong sinh hoạt. Từ đó, góp phần phòng, chống các dịch bệnh thường gặp, sức khỏe người dân được nâng lên.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang cho biết, tính đến hết tháng 11/2020, chương trình đã hỗ trợ được 3.073 hộ nghèo, cận nghèo làm nhà tiêu hợp vệ sinh với số tiền trên 3 tỷ đồng, tổ chức 45 hội nghị triển khai chương trình cấp xã cho 3.402 lượt người tham gia, trong đó có 2.381 người là dân tộc thiểu số; thực hiện 10.000 cuộc thăm hộ và tư vấn cho người dân xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.
Điển hình như thôn Khuổi Hỏi, thôn Lang Chang, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) với 90% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% người dân được sử dụng nguồn nước sạch. Trong quá trình thực hiện, nhiều cá nhân đã bỏ vốn, bỏ công làm cấu kiện bê tông đúc sẵn hỗ trợ nhân dân cùng làm.
Đến thời điểm này, chương trình đã giải ngân được trên 6,2 tỷ đồng, có 3.073 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng lợi, 12 công trình nhà vệ sinh, trạm y tế được xây mới tại các xã đã hoàn thành, dự kiến đến hết năm 2020, sẽ nâng tổng số lên 21 công trình nhà vệ sinh, trạm y tế xã đạt chuẩn.
Phát huy hiệu quả của chương trình, trong thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Tuyên Quang tăng cường truyền thông về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, giám sát chặt chẽ các công trình, bảo đảm chất lượng nước phục vụ nhân dân.
Trạm Y tế tuyến xã phổ biến kiến thức vệ sinh cá nhân và hướng dẫn người dân rửa tay bằng xà phòng đúng cách, nhất là dạy trẻ ở các trường mầm non để các em sớm có ý thức giữ gìn vệ sinh từ nhỏ.
Ngoài ra, theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có 86,5% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh môi trường. HIện Trung đang quản lý 82 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Để các công trình nước sạch phát huy hiệu quả, Trung tâm phối hợp với UBND các xã và người dân nâng cao trách nhiệm trong việc giữ gìn bảo vệ công trình; thường xuyên thực hiện kiểm tra và duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật; thực hiện cân đối giá nước ổn định và hợp lý.