Trong đó, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung là 30,23%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình chiếm 66,78%. Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 94,36%.
Phú Thọ hiện có 133 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ 29 công trình hoạt động bền vững; 8 công trình ở mức tương đối bền vững; có tới 67 công trình hoạt động kém bền vững và 29 công trình không hoạt động.
Để nâng cao năng lực quản lý vận hành, cải tạo sửa chữa công trình kém bền vững, không hoạt động, trong năm tỉnh đã mở lớp hướng dẫn quản lý vận hành công trình cấp nước; rà soát tổng hợp báo cáo và đề nghị thanh lý một số công trình kém bền vững, công trình ngừng hoạt động.
Ngoài ra, Phú Thọ cũng có trên 237.600 công trình cấp nước hộ gia đình, chủ yếu là giếng đào và giếng khoan. Hàng năm tuyên truyền hướng dẫn các hộ gia đình sử dụng bình lọc, giữ gìn vệ sinh nguồn nước nhỏ lẻ.
Liên quan đến nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, theo Sở NN&PTNT Phú Thọ, trong năm nguồn vốn nông thôn mới được phân bổ còn thấp vì vậy chưa dành kinh phí đầu tư cho công tác nước sạch nông thôn.
Mới đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ cũng tổ chức hội thảo đánh giá tác động của các chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2019 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chương trình, chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trên cơ sở đó, tỉnh Phú Thọ huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách địa phương, ngân sách được hỗ trợ của các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn lực nhân dân để thực hiện các chính sách, đầu tư xây dựng các công trình, góp phần đảm bảo vệ sinh, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Đến nay, nhận thức của người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người về sử dụng nước hợp vệ sinh, thực hiện vệ sinh và bảo vệ môi tường, tập quán chăm sóc sức khỏe được cải thiện và ngày một nâng lên. Tỷ lệ xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm. Đến nay số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 105/225 xã.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm: Vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh ở các vùng; năng lực quản lý, điều hành ở các cấp, nhất là ở địa phương còn hạn chế; chất lượng xây dựng, tính đồng bộ của các công trình cấp nước đã được nhà nước đầu tư còn chưa cao…
Tại hội thảo, các đại biểu phân tích, đánh giá những tác động tích cực, tính hiệu quả của các chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến tỉnh Phú Thọ về các mặt: Xây dựng, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện, tổ chức quản lý và hiệu quả thực tế…
Trong báo cáo gửi Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết, để bước nâng cao hiệu quả công tác nước sạch nông thôn, Sở đề nghị Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành xem xét báo cáo Chính phủ, có cơ chế cụ thể từ Trung ương về bố trí phân bổ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cho hợp phần cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Cùng đó, cần bố trí đủ nhu cầu về vốn và thông báo và cấp vốn sớm ngay từ đầu năm cho các địa phương để chủ động triển khai thực hiện. Ngoài ra, Sở NN&PTNT Phu Thọ cũng kiến nghị tạo điều kiện cho các địa phương tiếp nhận các nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác để thực hiện đầu tư mới và sửa chữa nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.