Từ di sản…
Buổi chiều trời nhuộm màu nắng nhạt, ngôi nhà sàn gỗ đã được sửa sang không còn nguyên bản như nhà dài truyền thống, theo thời gian đã xuống cấp. Già Y Cúc Niê (xã Ea Tul, huyện Cư Mgar) xa xăm trước không gian tĩnh lặng của buổi chiều vắng.
Câu chuyện của ông với chúng tôi thông qua sự phiên dịch của bà H Ngheuh Ajun, cán bộ xã Ea Tul. Ngôi nhà này được ông làm lại vào năm 1968 nên kiến trúc không còn nguyên bản như nhà truyền thống của dân tộc Ê Đê, nó như một bảo tàng thu nhỏ. Ngoài một chiếc trống cổ hơn 100 tuổi, còn 1 bộ chiêng 10 chiếc và 20 chiếc ché cổ quý do cha mẹ để lại. Mỗi ngày ông đều lau chùi cẩn thận.
Từ xưa cũng như nay, mỗi lần trong buôn có lễ hội ban tổ chức đều mượn cồng chiêng của ông. Ông trải lòng: Từ nhỏ ông bị khuyết tật ở chân, việc đi lại khó khăn nên ông có chút tự ti, mặc cảm. Chính vì vậy, năm nay gần bước sang tuổi 80 ông vẫn một mình sống cảnh đơn độc không vợ con để giữ báu vật gia truyền. Khi hỏi ông giữ để làm gì, ông nói truyền thống thì phải giữ. Điều ông băn khoăn là ông đã lớn tuổi sau này muốn để lại cho cháu nhưng sợ không giữ được vì bọn trẻ bây giờ không nghĩ giống mình.
Có nhiều lúc cuộc sống khó khăn nhưng ông không bao giờ bán đi những nhạc cụ này mặc dù thương lái đến tìm mua và trả giá rất cao. Bây giờ, trong buôn, xã có lễ hội, nhà ông được chọn làm điểm dừng chân. Họ mượn chiêng ché tổ chức các lễ hội truyền thống của người Êđê. Khi thấy người dân, khách tham quan đến ngắm nhìn chụp ảnh và hỏi ông về những hiện vật, ông say sưa kể dù lặp đi lặp lại đã hàng trăm lần. Ông tự hào vì giá trị truyền thống dân tộc của ông đã có nhiều người quan tâm tìm hiểu và chấp nhập trả phí chỉ để được một lần ngắm, sờ vào và chụp ảnh cùng ông.
…đến tài sản
Trong ngôi nhà xây kiên cố của nghệ nhân Y Wang (xã Ea Tul, huyện Cư Mgar) vào những buổi chiều vẫn nghe thấy từng điệu khan vang lên. Ông làm sống lại những bài khan đó bằng cách ngồi hát giữa ban ngày và hát cho bất cứ ai muốn nghe. Mỗi dịp có khách trong và ngoài tỉnh tới tìm hiểu văn hóa truyền thống, ông lại mang nhạc cụ ra vừa giới thiệu vừa diễn tấu cho mọi người cùng nghe.
Chị Hoàng Thị Hà cho biết: khi tới nhà nghệ nhân Y Wang, nhiều người chấp nhận trả phí bằng ngày công lao động để được nghe, xem ông diễn tấu. Diễn tấu cồng chiêng cũng là một loại hình nghệ thuật, nên muốn thưởng thức nghệ thuật, khán giả phải trả tiền. Đó là điều bình thường. Vì thế cần thay đổi thói quen xem nghệ thuật miễn phí để người nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Việc trả tiền, cho nghệ nhân cồng chiêng là điều hợp lý. Những lao động khác đều được trả tiền vậy diễn tấu cồng chiêng tại sao không? Một lẽ giản đơn khi họ bỏ cả buổi thậm chí cả ngày lao động trên nương rẫy để ở nhà phục vụ chúng ta. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng không thể chỉ dựa trên nhiệt huyết của nghệ nhân mà cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Nghệ nhân Y Môi Mlô (buôn Drăh, xã Cư Né, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) trầm ngâm bên bộ cồng chiêng giữa chiều mùa khô gió lộng. Đôi bàn tay mân mê chiếc chiêng như không muốn rời. Năm 1979, gia đình ông bị mất một bộ chiêng quý, chỉ còn giữ được một chiếc chiêng cái (chiêng mẹ). Ông thủ thỉ: Dường như tiếng cồng chiêng cùng nhạc cụ truyền thống của vùng đất cao nguyên đã đẩy những nghệ nhân lam lũ với nương rẫy đi khắp chốn nhân gian. Lúc đó họ giống như đứa con kiêu hãnh của núi rừng. Khi cồng chiêng Tây Nguyên được thế giới tôn vinh là di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, tâm thức của những nghệ nhân cũng như bao người khác lại có một niềm tin rằng âm thanh của núi rừng Tây Nguyên sẽ mê say hơn xưa, sẽ được lưu truyền mãi.
Hầu hết các buôn làng Tây Nguyên đều có những đội cồng chiêng phục vụ sinh hoạt cộng đồng và các lễ hội. Nhiều năm nay, nghệ nhân Y Môi và Y Nguôn (buôn Drăh, xã Cư Né, huyện Krông Búk) được phòng văn hóa thông tin huyện mời đi dạy các lớp chiêng trẻ trên địa bàn. Nhờ ông mà buôn này giữ được nhiều cồng chiêng nhất. Buôn có 180 hộ thì hơn phân nửa số này sở hữu nhiều bộ chiêng, đặc biệt nhiều bộ chiêng quý có giá đến cả trăm triệu đồng.
Căn nhà gỗ nhỏ của nghệ nhân A Nol (xã Ea Hđing, huyện Cư Mgar) là nơi ông bày ra tình yêu của mình rồi nâng niu, cẩn thận lau chùi kỹ từng vết lõm trên mặt chiêng cho hết bụi bẩn. Điều đó cho thấy tình yêu Cồng chiêng sâu đậm tới mức nào. Ông bảo chiếc chiêng nào cũng có hồn cả. Muốn điều khiển được nó phải hiểu nó, có như thế hồn mình hồn chiêng mới hòa vào nhau, âm thanh mới da diết và vang vọng cả núi rừng.
Theo nghệ nhân A Nol, muốn bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng phải bắt đầu từ làng và cộng đồng các dân tộc thiểu số, vì ngoài yếu tố văn hóa, cồng chiêng còn có yếu tố tâm linh. Cồng chiêng phải được sống trong không gian của nó. Không gian rừng, buôn làng, lễ hội nơi những con người mộc mạc giản dị cất lời hát gửi đến thế lực siêu nhiên, bên ché rượu cần quanh ngọn lửa thiêng, trong tiếng cồng chiêng vang vọng giữa núi rừng. Trong không gian huyền ảo, linh thiêng ma mị ấy âm thanh cồng chiêng là sợi dây kết nối quá khứ hiện tại gắn kết văn hóa của một dân tộc với văn hóa cộng đồng và nhân loại.
Trong những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, nhiều chính sách cho những những gia đình, người giữ gìn chiêng, chỉnh chiêng, mở nhiều lớp đào tạo bồi dưỡng cho các lớp trẻ các kỹ thuật đánh và chỉnh chiêng. Tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng cấp tỉnh, phục dựng các lễ hội truyền thống… Tỉnh đầu tư kinh phí mời các nghệ nhân là đồng bào dân tộc truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Hiện nay, tỉnh có khoảng 700 đội cồng chiêng ở các buôn làng trong đó có hơn 200 đội cồng chiêng thanh thiếu niên.