Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các cộng sự của mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong một nhiệm kỳ “mưa chẳng thuận, gió chẳng hoà”. Tăng trưởng kinh tế đạt ở mức cao hơn trong khi ổn định kinh tế vĩ mô được bảo đảm, lạm phát duy trì ở mức thấp chỉ bằng một nửa so với nhiệm kỳ 5 năm trước đó.
Nhiệm kỳ qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong đối ngoại và hội nhập đỉnh cao. Việt Nam cũng thành công trong phòng chống đại dịch COVID-19 là tấm huân chương dành cho cả hệ thống chính trị, cho toàn dân và cho Chính phủ.
Công cuộc cải cách được thúc đẩy, khi hàng ngàn giấy phép con bị xoá sổ, 50% -60% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hoá và cắt bỏ. Chính phủ điện tử được khởi động, đổi mới sáng tạo được đề cao, khởi nghiệp được khơi dậy, chỉ số hài lòng của người dân được cải thiện…
Nhưng tất cả mới chỉ là những bước khởi đầu. Hành trình cải cách và phát triển đất nước còn rất nhiều việc phải làm và rất gian nan. Những năm qua, lĩnh vực cải cách thể chế và thủ tục hành chính dù làm được nhiều việc, nhưng đó thường là những việc tương đối dễ dàng, nhiều vấn đề “xương xẩu” khó khăn nhất đang còn gác lại.
Không ít thủ tục hành chính làm khổ người dân, làm nghèo đất nước vẫn chưa được xoá bỏ. Đối với yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai để khơi thông nguồn lực phát triển, Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ này vẫn còn nợ người dân và doanh nghiệp...
Nhiệm kỳ của Chính phủ vừa qua có thể được coi là một nhiệm kỳ “thắp lửa”. Chúng ta đã nói nhiều đến khát vọng bay lên - khát vọng hùng cường, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn luôn hiện hữu. Không thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không vượt khỏi bẫy chất lượng thể chế trung bình.
Sau những nỗ lực cải cách, đổi mới và thăng hạng, nhưng đến nay môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn đang được xếp ở thứ hạng 68-70, tức là mới ở mức “thường thường bậc trung” trong cuộc đua thế giới.
Trong ASEAN, môi trường kinh doanh của chúng ta mới xếp thứ 5, năng lực cạnh tranh đứng thứ 7, chưa khép lại được đáng kể khoảng cách so với những nền kinh tế dẫn đầu để lọt vào top 3, top 4 trong khu vực như kỳ vọng. Do vậy, “đội đua thể chế” của Việt Nam cần phải được tăng tốc.
Quốc hội vừa bầu ông Phạm Minh Chính làm tân Thủ tướng- một sự lựa chọn cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Nhìn lại hành trang mà tân Thủ tướng có được từ những trọng trách đã trải nghiệm, chúng ta có niềm tin về một nhiệm kỳ Chính phủ thành công.
Tân Thủ tướng Chính đã viết nên câu chuyện Quảng Ninh trong lịch sử kinh tế nước nhà, bắt đầu từ thời ông về làm Bí thư vùng đất mỏ. Sau này về Trung ương, ông vẫn gắn bó với Quảng Ninh, truyền cảm hứng giúp thai nghén các mô hình phát triển ở tỉnh này.
Ông là người có công đầu trong việc đưa Quảng Ninh thành “chiếc nôi cải cách” trong thời kỳ mới ở nước ta. Chiếc nôi cải cách được gây dựng từ tầm nhìn và các quy hoạch phát triển bền vững: “chuyển từ nâu sang xanh” và các đột phá chính sách cơ cấu thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các khu đô thị và công nghiệp... Quảng Ninh đã thành lập các trung tâm phục vụ hành chính công đầu tiên tại Việt Nam với phương châm “1 cửa, 5 tại chỗ”, đưa chính quyền gần lại với người dân…
“Đất lành chim đậu”, tin vào Quảng Ninh, các nhà đầu tư lớn - những “đại bàng” Việt và nước ngoài như Vingroup, FLC, Sungroup, Amata, Texhong… đã tới đây làm tổ. Không chỉ đón đại bàng, Quảng Ninh còn luôn trân trọng và hoan nghênh “đàn chim sẻ Việt”, Quảng Ninh có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp được đề cao…
Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Muốn hiểu về mỗi con người, hãy nhìn những việc mà họ đã làm và những sản phẩm và thành quả mà họ để lại phía sau. Với những sáng kiến và mô hình cải cách đầy thuyết phục mang dấu ấn tiên phong, với tư duy và tầm nhìn sắc sảo, với sự quyết đoán trong hành động, chúng ta kỳ vọng tân Thủ tướng sẽ thúc đẩy một Chính phủ hành động.