Niềm tin vật dục

Niềm tin vật dục
TP - Vừa rời những chuyến tàu xe bão táp, chật cứng như nêm, lèn người như lèn cá đi từ quê ra tỉnh, từ tỉnh ra đô thành sau Tết, dân ta lại tự nguyện lao vào một chốn chật chội khác: Lễ hội.

Sấn sổ hơn, bạo lực hơn, dù mới bắt đầu mùa lễ hội: Ngày khai hội chùa Hương Tích ở Can Lộc – Hà Tĩnh đã xảy ra hỗn chiến khiến một người thiệt mạng, một người bị thương, lái đò và người địa phương đánh gãy tay một bà cụ vì bà không chịu “bo” thêm tiền khi tham quan Tam Cốc Bích Động - Ninh Bình, thanh niên làng chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp để cướp quả phết rồi lợi dụng tình hình để ẩu đả nhau tại lễ hội đả cầu cướp phết ở đình Đông Lai (xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) khiến khách hành hương khiếp đảm, hàng chục bãi giữ xe tự phát bủa vây khu di tích lịch sử văn hóa - danh thắng và du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh) và mặc sức “chém” khách với mức giá lên đến 15.000 - 20.000 đồng/chiếc xe máy (gấp 3 - 5 lần giá quy định).

Có vẻ dân mình không còn sợ Thần sợ Thánh sợ Phật như xưa. Giờ đây, họ xin các đấng gia ân gia hộ đủ thứ may mắn rất cụ thể, rất trần thế, thậm chí rất tầm thường. Có lẽ vì thế, nhiều người như không sợ phải giẫm đạp, giằng giật với đồng loại sau một cái Tết đoàn tụ thanh bình, người người chúc nhau hạnh phúc nhìn nhau chan chứa yêu thương. Và đó chắc chắn không còn là nguồn gốc và môi trường màu mỡ của tín ngưỡng, tôn giáo, hội hè. Xưa, các đấng Thánh, Phật, Thần được người dân kính trọng là nhờ niềm tin vào cái đức. Cái đức ấy khiến người ta kính, sợ, tin, thờ phụng, làm theo. Từ niềm tin tinh thần ấy, ai cũng bình đẳng như ai trước chốn thiêng liêng. Giờ đây, phần lớn người đi lễ chỉ coi các đấng thiêng là phương tiện cho niềm tin vật dục. Nói một cách khác, như các nhà cung cấp đặc biệt, mà sự đổi chác vật chất có thể thỏa mãn nhu cầu!

Hẳn vì thế mà khi những người đội lốt tâm linh bị lôi ra màn ảnh nhỏ, nhiều người đã sốc và không chịu tin, thậm chí thù luôn nhà đài, hoặc như phản ứng kệch cỡm của “nhà ngoại cảm” Nguyễn Thanh Thúy: “Nói báo chí… xin lỗi thầy đi rồi thầy làm cho!”

Trở lại câu chuyện giêng hai. Phần hội ngày càng bạo lực, người hành hương ngày càng giống kẻ đi buôn, đi xin vay mua bán đổi chác. May ra phần lễ vẫn còn. Còn, nhưng trong cảnh huống này, thật mong manh quá!

 
MỚI - NÓNG