Ngày 7/4/1988, tờ giấy phép cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên chính thức được Bộ Kinh tế Đối ngoại cấp cho một liên doanh giữa Công ty Hochimex của Hong Kong và Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Những đồng vốn đầu tiên trị giá hơn 2 triệu USD lúc đó của Hochimex đi vào lịch sử thu hút vốn ngoại của Việt Nam, mở đường cho một hành trình mà sau lần đầu tiên ấy, đến nay đã có hơn 26.400 dự án khác với quy mô vốn gần 335 tỷ USD.
Sau 30 năm nhìn lại, Việt Nam được đánh giá đã có chiến lược đúng đắn để trở thành một điểm đến hấp dẫn của FDI. Nhưng để ban hành được tấm giấy phép có số ký hiệu 1/GP-KTĐN bằng nét bút dạ màu xanh năm ấy là nỗ lực của rất nhiều người.
Bộ Luật 'hấp dẫn' trong khu vực
Cuối năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua, đánh dấu bước ngoặt cho việc chính thức hóa dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trước đó 10 năm, những viên gạch đầu tiên đã manh nha được sắp đặt.
Đầu năm 1977, Chính phủ chủ trương soạn thảo một văn bản Luật tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho người nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Tổ soạn thảo được ấn định gồm 4 thành viên, ông Trịnh Văn Bính (Bộ Tài chính), GS Nguyễn Ngọc Minh (Uỷ ban Khoa học xã hội), ông Lê Kim Chung (Bộ Ngoại giao) và GS Lưu Văn Đạt (Bộ Ngoại thương). Ngày 19/4/1977, Điều lệ Đầu tư nước ngoài chính thức được ban hành, sau hơn hai tháng soạn thảo, được xem là cơ sở pháp lý đầu tiên cho dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Tuy nhiên, do điều kiện quốc tế khi ấy không mấy thuận lợi cho mở rộng và phát triển ngoại thương, Điều lệ này không đem lại kết quả như mong muốn. 7 năm sau, yêu cầu hoàn thiện và soạn thảo một bộ Luật đầu tư hoàn chỉnh mới được đặt lại.
Trước ngưỡng cửa của thời kỳ đổi mới năm 1986, việc soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo Luật đầu tư nước ngoài lại gặp không ít trắc trở, đặc biệt khi điểm mấu chốt gây tranh cãi là tỷ lệ rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao nhiêu thì phù hợp. Ở thời kỳ được đánh giá là "giao thời", nhiều ý kiến cho rằng chủ trương mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến nền kinh tế của Việt Nam bị "thôn tính".
"Lực cản lớn nhất là lực cản tư duy, lực cản nhận thức", GS Lưu Văn Đạt trong một bài viết mô tả lại đã nhận định về tình hình lúc đó như vậy.
Còn ông Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư lúc ấy thì chia sẻ: "Người ta hiểu 100% vốn đầu tư nước ngoài nghĩa là tài sản của nhà đầu tư nước ngoài đặt trên Việt Nam, mà chúng ta sẽ không có quyền gì cả. Một thực tế khi đó là những nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều chưa cho phép hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài". Đó cũng là cái cớ, mà theo người hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VAFIE), nhiều người đã phản đối và cho rằng "vạ gì mà mình lại mở toang cửa" như vậy.
Ở chiều ngược lại, thu hút vốn nước ngoài vốn là một cuộc đua đầy cam go - điều mà tới ngày nay vẫn luôn đúng. Vì vậy, lại có ý kiến băn khoăn, nếu không đưa ra một chính sách cởi mở hơn các nước thì khó có thể "bứt tốc" khi những quốc gia khác đã đi trước một quãng đường dài.
Và sau cùng, ông Nguyễn Mại kể, may mắn là lãnh đạo cấp cao khi đó, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Tổng bí thư Đỗ Mười (khi ấy ông là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã quyết định tỷ lệ mở cửa phải là 100% thay vì mở cửa dần dần 49% như các nước trong khu vực. Chính nhờ quan điểm chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, không giới hạn mức tối đa, mà Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam khi đó được đánh giá là "hấp dẫn" so với các nước trong khu vực.
Và cuối cùng, ngày 29/12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài được thông qua. Đầu năm 1988, Chính phủ giao Bộ Kinh tế đối ngoại thẩm định và cấp phép dự án FDI. Tháng 3/1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được lập, có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, tiếp nhận các dự án FDI do Bộ Kinh tế đối ngoại đã cấp phép. Tất cả đã sẵn sàng!
Khó khăn
Khi những viên gạch đầu tiên về vấn đề pháp lý được đặt xuống, thách thức của công cuộc thay đổi mới thực sự bắt đầu.
Trong những năm đầu, nguồn vốn đầu tư còn rất dè dặt, một phần do công cuộc Đổi mới của Việt Nam mới ở giai đoạn bước đầu. Suốt hơn hai năm chỉ có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Con số thực hiện còn khiêm tốn hơn nhiều lần.
Chưa kể, GDP bình quân đầu người của Việt Nam khi đó chỉ từ 100 - 200 USD, một nền kinh tế non trẻ vừa mới bước qua ngưỡng cửa năm 1986. Sự thiếu thốn về vật chất, lạc hậu về công nghệ, khó khăn về kinh tế là những rào cản tưởng chừng như khó có thể vượt qua.
Tòa nhà HITC, trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, hơn 20 năm trước là một trong những dự án có vốn FDI đầu tiên của Hà Nội. Dự án này được cấp phép năm 1992, xây dựng rồi hoàn thành năm 1995.
"Thời gian đó kinh tế Việt Nam đang phát triển rất thấp", ông Per Dalin, nguyên Tổng giám đốc Công ty Schmidt Việt Nam - chủ đầu tư của tòa nhà HITC, chia sẻ với VnExpress .
Lúc Schmidt quyết định đầu tư vào Hà Nội, khu Cầu Giấy vẫn còn là những bãi đất trống trải, thậm chí một số nơi là đầm lầy, đồng cỏ vây quanh. "Tại sao chúng tôi vẫn đầu tư vào đây? Là bởi chúng tôi đã nhìn thấy tương lai của khu vực này. Bất kỳ thành phố nào cũng sẽ phát triển nếu họ có tầm nhìn, định hướng về lâu dài và chúng tôi cũng kỳ vọng về những điều như vậy với Hà Nội, Việt Nam", ông Per Dalin nói.
Không chỉ với người châu Âu vốn sống ở những nước phát triển, người châu Á lúc ấy cũng không khỏi thốt lên muôn vàn khó khăn khi tới Việt Nam.
Với tư cách cố vấn thị trường Việt Nam cho Nissho Iwai - tập đoàn lớn thứ 6 của Nhật Bản (nay đã đổi tên thành Sojitz), ông Matsuda Ichiro là một trong những người Nhật đầu tiên đến Việt Nam từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
Kể về lần đầu đặt chân tới Hà Nội với VTV gần đây, ông Matsuda Ichiro nói, nền kinh tế khi đó khó khăn đến mức ông "không thể tìm được một bát phở trong thành phố". Có lần ông đưa đoàn Nhật đến Việt Nam tìm hiểu doanh nghiệp sản xuất than để ký kết hợp đồng. Ra về, trên người mọi người đều lấm bẩn màu của than nhưng về tới khách sạn thì không đủ nước để tắm... Những mẩu chuyện ngày khó ấy giờ được các nhà đầu tư như ông Matsuda kể lại như những kỷ niệm đáng quý.
Nhưng gạt sang những khó khăn ấy, các dự án FDI đầu tiên đã thành hình và đến nay, Sojitz vẫn là một trong những nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt ưa thích thị trường của Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực.
Những làn sóng FDI
Càng hoang sơ, khó khăn thì các nhà đầu tư càng thấy Việt Nam có nhiều hấp dẫn. Bằng chứng là sau một hai năm đầu có phần e dè, 5 năm tiếp theo, dòng vốn đầu tư FDI đã tăng với tốc độ phi mã với 2.230 dự án FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với hơn 16 tỷ USD vốn đăng ký và 13 tỷ USD vốn thực hiện. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,1 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991.
Nhưng dòng vốn FDI chững lại trong giai đoạn 1998 - 2004 do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Năm 1998, vốn đầu tư đăng ký chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, rồi giảm xuống 2,8 tỷ USD vào năm 2000 và đến năm 2004 mới chỉ đạt hơn 4,5 tỷ USD.
Làn sóng đầu tư thứ hai bắt đầu từ năm 2005, khi Luật Đầu tư chính thức được ban hành thay thế cho hai Luật Đầu tư riêng rẽ trước đó và trở thành động lực cho dòng vốn FDI trở lại.
Hai năm sau, Việt Nam chứng kiến những dự án tỷ USD đầu tiên, điều mà trước đó hơn 10 năm, ngay cả những chuyên gia đầu ngành cũng chưa nghĩ đến. Năm 2007, Dự án của Tập đoàn Intel đầu tư vào Khu công nghệ cao TP HCM với quy mô 1 tỷ USD và Dự án Nhà máy thép Posco (Hàn Quốc) tại khu công nghiệp Phú Mỹ II, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu – 1,1 tỷ USD được cấp phép. Nối tiếp sau đó những nhà đầu tư đình đám khác như Samsung, Formosa hay LG cũng lần lượt góp mặt.
Làn sóng này chững lại vào giai đoạn 2008 - 2009 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi nhiều nhà đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn.
Tuy nhiên, khi kinh tế toàn cầu phục hồi, dòng vốn đầu tư cũng bắt đầu trở lại. "Chính phủ Việt Nam nhận ra rằng sự thiếu ổn định sẽ không giúp thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Và trong 10 năm gần đây, Việt Nam đã tạo ra một nền móng mà ở đó tỷ giá hối đoái, hạ tầng pháp lý, lạm phát và lãi suất đều giữ ổn định ", ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư quỹ VinaCapital Vietnam Opportunity Fund chia sẻ với CNBC.
Năm 2014, tổng vốn đăng ký đạt 20,23 tỷ USD, tổng vốn thực hiện 12,35 tỷ USD. Những con số này tiếp tục tăng đều trong ba năm sau đó và đến năm 2017 xác lập kỷ lục với tổng vốn đăng ký đạt 35,88 tỷ USD và tổng vốn thực hiện 17,5 tỷ USD.
Đến nay, hàng chục nghìn tấm giấy phép đầu tư đã được cấp cho các nhà đầu tư cùng đồng vốn ngoại mang tên FDI nhưng đồng thời cũng là không ít cơ hội và thách thức cho một nền kinh tế với độ mở ngày càng cao như Việt Nam.