Những phát ngôn 'mạnh mẽ' của Bộ trưởng Giáo dục năm 2017

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
TPO - Cùng nhìn lại những phát ngôn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về giáo dục được công chúng quan tâm trong năm 2017.

Bộ GD&ĐT giống ‘bộ thi’

Tại hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH diễn ra ngày 7/1/2017 ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng có một đặc điểm chung ở cả trường công và trường tư là chưa quan tâm xứng đáng đến nghiên cứu, khoa học mà hầu như chỉ dành trọng tâm cho đào tạo, trong đào tạo chỉ chăm lo cho tuyển sinh.

Ông Nhạ thừa nhận chính bản thân ông cũng đang mất quá nhiều thời gian cho thi cử và đang phải tự “thoát ra” khỏi tình trạng này.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT có phải tiếp tục cùng các đồng chí đi tuyển sinh không? Câu trả lời của tôi là không. Bộ sẽ tập trung vào quy hoạch mạng lưới, xây dựng đường lối chính sách giáo dục, hỗ trợ, động viên và đứng ra bảo vệ các đồng chí và răn đe nếu ai đi chệch đường. Bộ sẽ không mất quá nhiều thời gian cho thi, kỳ thi này chưa qua kỳ thi khác đã đến. Bộ GD&ĐT giống như “bộ thi” vậy” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt vấn đề.

'Ngành sư phạm phải học hỏi theo ngành An ninh, quân đội'

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 được Bộ GD&ĐT tổ chức, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng ngành sư phạm cũng sẽ phải học hỏi theo ngành an ninh, quân đội, là đào tạo có địa chỉ, đảm bảo đầu ra. Từ đó, sẽ tác động ngược lại đầu vào, nâng điểm chuẩn sư phạm lên cao hơn.

“Nhưng có nhiều chính sách lại không thuộc phạm vi của Bộ GD&ĐT, chúng tôi phải làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tham mưu với Chính phủ,” ông Nhạ phân trần.

‘Đào tạo 9.000 tiến sĩ không phải tràn lan’

Trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng 16/11 về đề án đào tạo 9.000 giảng viên trình độ tiến sĩ với kinh phí dự kiến 12.000 tỷ đồng, Bộ trưởng GD-ĐT nói: Đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng lao động, Bộ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, chứ không phải cử đi học, cắt biên chế rồi không về.

9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới hoàn toàn, đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa từ đề án 911, trong đó tập trung rất sâu vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài về làm việc. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách để các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với tiến sĩ kiêm nhiệm. Hiện nay, số tiến sĩ kiêm nhiệm vào khoảng 10.000 người.

Việc đào tạo tiến sĩ cũng không phải đào tạo tràn lan. Chúng ta không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng để đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Đổi mới cơ chế quản lý đào tạo về tiến sĩ trong đề án mới đây rất khác với truyền thống. Tổng số tiền không thay đổi, thậm chí trong số tiền đã được Quốc hội phê duyệt chi, không nhất thiết cứ phải dùng hết mà phải căn cứ vào chất lượng đào tạo, nếu không tiêu hết thì trả lại Chính phủ. 

Những phát ngôn 'mạnh mẽ' của Bộ trưởng Giáo dục năm 2017 ảnh 1 Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 30/10. Ảnh: Dân trí

‘Lương hưu 1,3 triệu thì sống sao’

Trước câu chuyện cô giáo mầm non khụy ngã vì nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm cống hiến đang thổi bùng băn khoăn trong dư luận, Bộ trưởng Giáo dục cho rằng, thực ra đây không phải chuyện riêng của cô giáo mầm non này đâu mà đây là thực trạng phổ biến của các thầy, cô vì thang bảng lương trong giáo dục thấp so với yêu cầu, nhất là yêu cầu đổi mới. Vì thế, tôi đã làm việc với Bộ Nội vụ, đề xuất phải có đánh giá một cách công bằng khi các thầy đảm nhận các nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới thì chế độ đãi ngộ phải phù hợp mới tạo động lực.

Trường hợp của cô Lan vừa rồi khiến tôi rất trăn trở khi nhìn bà giáo già khụy, ngất. Tuy nhiên, khi làm việc thì Bảo hiểm xã hội trả lời việc trả mức lương hưu như thế không sai.

Đứng về mặt nhà nước thì quy định là như thế nhưng thực tế về mặt con người, các thầy, cô hy sinh gần như cả đời, đến lúc về hưu nhận được 1,3 triệu đồng/tháng thì sống sao được. Tôi rất suy nghĩ về việc này và đang làm việc với Bộ Nội vụ, Tài chính để làm sao đưa vào luật giáo dục vấn đề thang, bảng lương của các thầy cô giáo.

‘Học sinh vào sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất’

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đến lúc, ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng, đây vừa là trách nhiệm chính trị vừa là trách nhiệm xã hội. Để làm được điều đó, không có cách gì khác là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu chất lượng.

Theo Bộ trưởng, nhu cầu đó cần xuất phát từ việc rà soát đội ngũ của từng địa phương, đưa ra con số chính xác về nhu cầu giáo viên và cam kết sử dụng sau khi đào tạo. Về việc này, Bộ sẽ có trách nhiệm cùng làm việc với các địa phương để có giải pháp cụ thể. Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ giao chỉ tiêu cho các trường dựa trên nhu cầu sử dụng mà các địa phương đưa ra. "Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ đề án tái cấu trúc các trường sư phạm” - Bộ trưởng nêu rõ.

MỚI - NÓNG