Những nhân viên cứu hộ thường dân vụ lật tàu trên sông Hàn

Ôm lấy ân nhân trước khi rời Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần.
Ôm lấy ân nhân trước khi rời Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Sáng 6/6, sau gần hai ngày trải qua vụ lật tàu Thảo Vân 2 kinh hoàng trên sông Hàn, những nạn nhân may mắn được cứu sống đã tìm đến cảng Đà Nẵng, nơi các con tàu du lịch đang neo đậu để tìm ân nhân nói lời cảm tạ.

Thoát chết nhờ tàu dân

Anh Lưu Chí Dũng (40 tuổi, quê Hà Nội) có mặt bên bến cảng từ sớm đi tìm chiếc ca nô du lịch mang tên Phú Quý. Bước lên tàu, anh mừng rỡ ôm lấy những ân nhân đã cứu mạng mình và cả gia đình ngay giữa lằn ranh sống chết. Nắm lấy tay anh Lê Văn Hoa (23 tuổi, thuyền viên trên tàu), anh nói: “Tôi nhận ra anh liền, anh và các anh trên ca nô đêm ấy đã có mặt tức tốc để cứu cả nhà tôi. Các anh ra chậm chút nữa thì giờ này chúng tôi không còn đoàn tụ rồi”.

Thời điểm chiếc tàu bị lật, anh Dũng biết bơi nên nhanh chóng ngoi lên mặt nước, anh quờ quạng giữa khúc sông tối om vẫn không thấy gia đình đâu, mãi một lúc sau mọi người mới nổi lên. Gần như lập tức, anh thấy từ xa có chiếc ca nô tăng tốc lao tới, rồi từ từ dừng lại nơi các nạn nhân đang chới với để vớt và quăng áo phao cho họ. Đây cũng là chiếc ca nô đầu tiên có mặt tại vị trí tàu chìm. Vớt được hơn chục người, ca nô chạy vào bờ và tức tốc quay ngược đầu ra cứu những người còn lại. 

“Tôi may mắn biết bơi nên cầm cự được, nhưng phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi đêm ấy nếu không có ca nô ra ứng cứu kịp thời thì e khó sống sót. Tự đáy lòng mình, tôi vô cùng biết ơn các các ngư dân, thuyền viên Đà Nẵng cứu mạng cho gia đình tôi và nhiều du khách trên chuyến tàu kinh hoàng ấy. Tôi cũng rất hy vọng thành phố sẽ tuyên dương các anh để làm gương cho mọi người”.

Cũng có mặt trên con tàu du lịch tử thần Thảo Vân 2, đêm 4/6 thực sự là đêm ám ảnh anh Nguyễn Đức Tài (quê Hà Nội) khi tưởng con mình đã nằm lại đáy sông. Anh kể: “Sau khi tôi được vớt vào bờ, tôi gọi quanh không thấy con gái đâu cả, suốt đêm đi hỏi khắp các tàu cứu nạn cũng không ai biết. Tôi tuyệt vọng vô cùng vì nghĩ đã mất con. Đến tận khuya, tôi mới tìm thấy con đang cấp cứu trong bệnh viện quận Sơn Trà. Hỏi lần ra mới hay tàu du lịch Biển đảo Việt đã vớt con tôi lên bờ và chuyển sang đây”.

Anh Dũng nói trước khi rời Đà Nẵng, anh muốn gặp lại các ân nhân của gia đình và ôm họ thật chặt. “Tôi đã nghe nhiều lời khen về người dân thành phố sông Hàn nhưng hôm nay mới thật sự được chứng kiến tấm lòng thơm thảo của họ”, anh Dũng xúc động nói. 

Những nhân viên cứu hộ thường dân vụ lật tàu trên sông Hàn ảnh 1

Cuộc hội ngộ của anh Lưu Chí Dũng (bìa trái) với những thuyền viên tàu du lịch, ngư dân Đà Nẵng đã cứu gia đình anh và du khách trong vụ chìm tàu đêm 4/6. Ảnh: Thanh Trần.

Bỏ khách, cứu người

Gặp lại nạn nhân vụ tàu chìm, những thuyền viên tàu du lịch Phú Quý không khỏi bất ngờ khi họ đến cảm ơn. Ông Nguyễn Văn Phú, chủ tàu, coi chuyện cứu người là đương nhiên: “Thấy người ta chới với sắp chết thì bỏ hết chạy đi cứu thôi, ai cũng sẽ làm vậy mà. Ca nô của tôi có mặt nhanh nhất, còn tàu thuyền của các lực lượng khác phải mười phút sau mới tới nơi, phần do họ ở xa, phần phải mất thời gian khởi động máy móc nữa”.

Đêm ấy, chiếc ca nô của ông đang sửa soạn áo phao để đón khách xuống tàu, nghe người dân la tàu chìm, anh em trên tàu tháo dây bỏ luôn đoàn khách, tức tốc lao ra sông Hàn. Anh Lê Văn Hoa (23 tuổi, thuyền viên) nhớ như in: “Đúng 10 giây, tàu của em đã có mặt ngay vị trí tàu lật, đầu tiên kéo hai người nam lên trước mũi, rồi vứt dây phía sau đuôi cho mọi người bám vào. Hai anh em đi quanh tàu, thấy ai gần là đưa tay ra kéo, ai xa thì quăng áo phao cho họ. Lúc này tàu em vớt được một bé gái đã bị sặc nước, bất tỉnh, mặt tái mét trông rất nguy kịch nên xốc ngược người bé lên cho nước trong người trào ra rồi khẩn trương vào bờ để cấp cứu. Tàu lại tức tốc quay đầu ra và cứu thêm được gần chục người nữa. Chuyến thứ ba thì không còn ai vì các tàu xung quanh cũng vừa đến kịp”. Anh Hoa không nhớ rõ tàu đã cứu được tất cả bao nhiêu người, chỉ nhớ trên dưới hai mươi vì “nguy quá, vớt được ai là cứ vớt thôi”.

Cũng không nghĩ sẽ được gặp lại các nạn nhân trong tình huống xúc động như vậy, lái tàu Mai Viết Dụng (tàu Biển đảo Việt), trầm ngâm: “Rất mừng khi cứu được mọi người, nhưng giá tàu em tới nhanh chút nữa thì biết đâu cứu được ba nạn nhân đuối nước”. 

Tối xảy ra tai nạn, tàu anh đang chở 18 hành khách di chuyển sát cầu sông Hàn thì nghe tiếng kêu cứu, anh liền đóng ga chạy thẳng tới. “Vừa chạy em vừa hét to với đoàn khách trên tàu, ai biết bơi thì làm ơn cởi áo ra nhường cho những người bị nạn. Tới nơi em và một số hành khách ôm đống áo phao quẳng xuống sông.

Anh Trường lái tàu nhảy xuống vớt được một cháu bé đã chết lâm sàng, em cầm hai chân cháu dốc ngược người lên, nước trong miệng cháu trào ra, cháu ho lên mấy tiếng. Thấy dấu hiệu sống, mọi người lấy khăn, áo đắp cho cháu ấm lại. Vớt được 8 người, em nhìn quanh không thấy thêm ai nên cho tàu chạy về phía cầu Rồng.

Em nói mọi người ở yên đấy sẽ gọi taxi đưa về Cảng vụ, và dặn mọi người chăm sóc lẫn nhau, nếu ai bị nặng thì gọi cấp cứu qua bệnh viện Sơn Trà cho gần. Tàu em tức tốc quay lại sông Hàn tìm nạn nhân nhưng cũng không thấy ai nữa, liền vớt túi xách, hành lý của các nạn nhân đưa về cho họ”.

Trong cuộc họp “nóng” sau vụ chìm tàu sáng 6/6, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nói: “Trong quá trình cứu nạn, cứu hộ, có những cá nhân, tổ chức rất xuất sắc, dũng cảm, kịp thời cứu được rất nhiều người trong thời gian ban đầu, cần phải lập tức khen thưởng họ. Những lực lượng khác sẽ khen ngợi sau”.

MỚI - NÓNG