Chủ tịch Đà Nẵng truy trách nhiệm nhiều sở, ngành trong vụ chìm tàu

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ truy vấn trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan vụ tàu chìm. Ảnh: Ngọc Trường.
Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ truy vấn trách nhiệm của các Sở, ngành liên quan vụ tàu chìm. Ảnh: Ngọc Trường.
Ngay tại cuộc họp, Chủ tịch Đà Nẵng đã đình chỉ chức vụ của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa và Trưởng đội quản lý bến để xảy ra tai nạn tàu chìm vì "vô trách nhiệm".

Ngày 6/6, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với các Sở, ngành liên quan tai nạn chìm tàu trên sông Hàn làm 56 người gặp nạn, trong đó 3 người tử vong. Ông Thơ nhấn mạnh, cuộc họp nhằm tập trung làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. "Nỗ lực của chúng ta đã được nhân dân thừa nhận, tuy nhiên qua đó cũng phát hiện còn rất nhiều lỗ hổng trong quản lý nhà nước", ông nói.

Ông Thơ cho hay, để tìm kiếm 3 thi thể nạn nhân, thành phố đã phải huy động hàng trăm phương tiện và hàng nghìn người. "Không thể tưởng tượng được một con tàu giấy tờ chưa đầy đủ, chở gấp đôi số người quy định, không đủ áo phao và không nhắc nhở hành khách mặc áo phao, hướng dẫn khách phân bổ vị trí ngồi hợp lý. Đối xử như thế rất vô trách nhiệm, không chấp nhận được", ông nói.

Người đứng đầu chính quyền Đà Nẵng nhấn mạnh: "Chủ tàu, tài công và nhân viên chắc chắn không thoát được tội. Nhưng hôm nay, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị nào liên quan trực tiếp vụ đó thì phải tạm đình chỉ để phục vụ công tác điều tra".

Thừa nhận quy trình xuất bến rất chặt chẽ, tàu chỉ được xuất bến khi cảng vụ đã kiểm tra, báo cáo cho biên phòng song Giám đốc Sở Giao thông Lê Văn Trung cho hay tàu Thảo Vân 2 đã nhiều lần bị xử phạt hành chính. Gần đây, ngày 2/6, tàu đã bị áp tải về cảng vụ, không cho hoạt động trên sông.

Lỗi được ông Trung cho rằng do "sơ suất của tổ quản lý bến và thủy nội địa nên tàu Thảo Vân 2 hoạt động chui, không quản lý được". Giám đốc Sở Giao thông nhận trách nhiệm trước sự cố tai nạn, hứa sẽ xử lý những cá nhân liên quan.

Đại tá Lê Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Đà Nẵng cũng nhận trách nhiệm của lực lượng mình ở bước kiểm tra cuối cùng trước khi cho tàu Thảo Vân 2 xuất bến. Tuy nhiên ông Phúc cũng nói, văn bản quy định bước cuối cùng chỉ trình báo cho biên phòng, lực lượng này không được kiểm tra nếu phương tiện chưa ra khỏi cửa biển. "Nhưng nếu cán bộ chiến sĩ biết về con tàu này tình trạng như thế vẫn cho xuất bến thì chúng tôi sẽ kỷ luật nghiêm, kể cả cho ra khỏi ngành".

Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Cảnh sát giao thông đường thủy, nói rằng 2 ngày trước khi tàu Thảo Vân 2 gặp nạn, trong cuộc họp với Sở Giao thông, đích thân ông đã ý kiến lập tức phải kéo tàu này về quản lý, tránh để hoạt động chui vì không đảm bảo.

Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng Lê Sáu cho hay tàu Thảo Vân 2 còn thời hạn đăng kiểm nhưng không đủ điều kiện vận tải hành khách. "Ngày xưa, tàu là đò ngang chứ không phải tàu cá. Tàu này đăng kiểm để đưa đò, sau đó hoán cải để chở khách nhưng còn thiếu thủ tục bảo hiểm, một số cơ chế hoạt động chưa đúng mẫu...", ông Sáu nói.

Lập tức ông Thơ truy vấn dồn dập ông Sáu: "Cảng vụ có bao nhiêu người? Khi xuất bến những người được phân công nhiệm vụ trực bến đang làm gì mà tàu to đùng như thế xuất bến không hay biết?". Ông Sáu nói, cảng vụ có 8 người, chia làm 3 ca. Khi tàu Thảo Vân 2 xuất bến có 3 nhân viên cảng vụ trong ca trực nhưng đang làm nhiệm vụ cho 6 tàu khác rời bến.

Chủ tịch Đà Nẵng truy trách nhiệm nhiều sở, ngành trong vụ chìm tàu ảnh 1

Ông Lê Sáu, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Đà Nẵng đã bị ông Thơ đình chỉ chức vụ. Ảnh: Ngọc Trường.

Không thỏa mãn với phần trả lời này, ông Thơ truy tiếp: "Trách nhiệm của anh là như thế nào? Một con tàu đi khắp chỗ này, chỗ khác không ai nói gì, không ai theo dõi. Chất lên lượng khách gấp đôi số ghế quy định mà vẫn cho ra khỏi bến?".

Đáp lại, ông Sáu nói: "Em xin lỗi chủ tịch và các anh vì kiểm tra không hết nên để tàu vào đón khách đi ra...". Ông Thơ cắt lời và cho biết, việc quan trọng của cảng vụ là phải quản lý cho được tàu thuyền ra vào bến. 

Ông Thơ nhận định, bến là bến tạm nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ quy định xuất bến. Cảng vụ được giao quản lý nhưng quản lý quá lỏng lẻo, không làm tròn trách nhiệm. Việc này không phải diễn ra tích tắc mà có cả quá trình.

"Tôi tạm đình chỉ chức vụ của anh Sáu, Sở Giao thông phải cử ngay người khác thay thế, chấn chỉnh lại tình hình", ông Thơ chỉ đạo và yêu cầu giám đốc Sở Giao thông có ý kiến.

Khi Giám đốc Sở Giao thông nói ở bến cảng du thuyền có hai đơn vị quản lý các phương tiện, ngoài cảng vụ thủy nội địa còn có đội Quản lý bến.

Chủ tịch Thơ cắt lời: "À rồi, luôn ông đội trưởng Quản lý bến nữa, đình chỉ chức vụ luôn bây giờ. Về trách nhiệm của giám đốc Sở Giao thông, Du lịch, công an cũng sẽ vào điều tra". Ông Thơ cũng đề nghị ông Lê Văn Trung kiểm điểm và "phải tự nhận hình thức kiểm điểm" trước khi thanh tra vào cuộc.

Tiếp tục quay sang ông Nguyễn Công Hiệu, Trưởng đội Quản lý bến, ông Thơ hỏi: "Ông làm việc gì vào giờ phút đó". Ông Hiệu trả lời nhiệm vụ của quản lý bến là phối hợp với cảng vụ, nếu phát hiện tàu vi phạm thì báo cáo. Và khi phát hiện tàu Thảo Vân 2 đậu ở bến đón khách đã báo báo cho cảng vụ. "Anh có báo cáo thì sẽ đưa vào tình tiết điều tra. Báo cáo rồi mà ông giám đốc cảng vụ không làm gì thì ông cũng không ra gì", ông Thơ chốt và yêu cầu Phó Giám đốc Sở giao thông phụ trách cảng Đà Nẵng trong khi chờ người thay thế.

Thợ lặn ngư dân sẽ vào đội cứu hộ trên sông Hàn

Tại cuộc họp, ông Thơ cho biết quá trình cứu hộ 56 người bị nạn dù thành phố đã huy động lực lượng chính quy là quân đội, công an, biên phòng nhưng chính các tàu du lịch, ngư dân đã kịp thời cứu nạn. Họ đã sẵn sàng giúp đỡ thành phố một cách vô điều kiện nên phải khen thưởng, hỗ trợ kịp thời.

Chủ tịch Đà Nẵng truy trách nhiệm nhiều sở, ngành trong vụ chìm tàu ảnh 2

Những thợ lặn trên sông Hàn sẽ được lập hiệp hội để cứu người gặp nạn. Ảnh: Nguyễn Đông.

Theo Chủ tịch Đà Nẵng, những nhân viên đi trên tàu du lịch cũng phải biết bơi để cứu hành khách trong trường hợp cần thiết. Các tàu du lịch, tàu cá hoạt động trên sông Hàn phải lắp loa để khi có sự cố thì phát tín hiệu cùng nhau ứng cứu.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của các ngành liên quan cũng cho rằng, thành phố không nên cho tàu hoán cải từ tàu cá sang chở khách du lịch, vì thiết kế không đảm bảo, nếu phát hiện thì phải lập tức đưa lên bờ. Đồng thời thay đổi quy định để biên phòng được kiểm tra tàu du lịch trước khi rời bến.

Trước việc thành phố đã có chỉ đạo đối với các tàu du không đủ điều kiện theo quy định thì phải kiên quyết không cho lưu hành và phải đưa lên bờ, báo cáo trước ngày 2/9/2015, ông Thơ nói: "Thôi các ông lãnh đủ trách nhiệm đi, chỉ đạo rồi mà không thi hành".

Trước đó khoảng 20h30 ngày 4/6, tàu Thảo Vân 2 hoạt động du lịch "chui" nhưng lái tàu vẫn cập bến chở khách. Khi vừa rời bến được chừng 10 phút, tàu bất ngờ bị nghiêng rồi chìm dưới sông Hàn khiến 56 người gặp nạn. Nhiều tàu du lịch gần đó đã ra cứu các nạn nhân, một số người biết bơi đã tự bơi vào bờ, còn 3 người, trong đó có 2 trẻ em tử nạn.

Công an Đà Nẵng đã khởi tố vụ án hình sự tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.