Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày

Bỏ dở bát cơm, người bốc xếp ở chợ Bình Tây (TP HCM) gồng mình vác bao hàng thoăn thoắt di chuyển khắp chợ. 
Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 1

Ở chợ Bình Tây (quận 5, TP HCM), hoạt động giao thương diễn ra sôi động suốt cả ngày. Nhờ những người thợ bốc xếp, hàng hóa về chợ liên tục luân chuyển nhịp nhàng đến từng sạp trong khu thương mại rộng lớn bậc nhất thành phố.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 2

Đây là điểm đầu mối chuyên bán sỉ, do vậy hàng nhập về thường là những kiện lớn. Tùy theo từng mặt hàng, người thợ bốc xếp cân nhắc số lượng cần chuyển mỗi lần. Có đợt hàng nhập về dồn dập làm tắc nghẽn cổng chợ, buộc người thợ phải kham thêm một lượng lớn hàng vác đi.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 3

Sức khỏe là vốn liếng của những người thợ bốc xếp. Vai, lưng, cổ phải làm việc nặng nhọc nhất để giúp người thợ đỡ được một lượng lớn hàng hóa. Công việc bốc xếp vất vả chỉ dành riêng cho những người đàn ông khỏe mạnh. Lối đi trong chợ chật hẹp, các sạp hàng hóa dày đặc như một mê cung. Bên cạnh yếu tố sức khỏe, công việc này cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy để di chuyển hàng hóa liên tục và ghi nhớ thông tin giao nhận chính xác.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 4

Công việc nặng nhọc nhưng mức thu nhập bấp bênh dao động 100.000 - 200.000 đồng tùy ngày.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 5

Hiện tại, ở chợ Bình Tây có 7 tổ bốc xếp với gần 100 thành viên. Thời gian làm việc bắt đầu từ 7h đến 16h mỗi ngày. Dưới cái nắng gay gắt của trưa hè Sài Gòn, ông Toàn, 51 tuổi, uống vội ngụm nước mát để nhanh chóng tiếp tục vận chuyển lô hàng đang chờ.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 6

Công việc nặng nhọc nhất là phải di chuyển hàng hóa từ mặt đất lên tầng lầu. Trung bình mỗi ngày, một người phải vận chuyển gần 400 kg hàng hóa. Những ngày giáp Tết, khối lượng công việc còn nặng nhọc hơn gấp nhiều lần.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 7

Giữa bữa cơm trưa, anh Hồng (46 tuổi) phải bỏ dở để chuyển kiện hàng vừa mới đưa về. Anh Hồng cho biết: “Làm việc này không có giờ nghỉ, đói lúc nào thì ăn lúc đó, có khi đang ăn, hàng hóa về mà không có người chuyển cũng phải bỏ dở miếng cơm để tiếp tục công việc”.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 8

Anh Bình (24 tuổi) là một trong số nhiều người thợ trẻ ở khu chợ. Anh chia sẻ: “Công việc dù cực nhưng nó giúp tôi có một khoản thu nhập để phụ giúp gia đình”. Những người thợ bốc xếp như Bình dù mới vào hay đã gắn bó hơn chục năm với nghề, ngày qua ngày vẫn miệt mài với công việc như những con thoi trong khu chợ. Họ gần như không có sự lựa chọn tốt hơn.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 9

Hầu hết những người thợ đều không bận tâm về vấn đề sức khỏe lâu dài do hậu quả của việc mang vác nặng. Anh Tín (41 tuổi) cho biết: “Những người đi trước nói về bệnh đau khớp thì tôi biết vậy, còn hiện tại vẫn thấy sức khỏe bình thường. Công việc nói chung làm được lúc nào hay lúc đó, không làm nổi nữa thì nghỉ thôi”.

Những người vác gần 400 kg hàng mỗi ngày ảnh 10

Những kiện hàng cuối cùng được chuyển đến từng sạp cũng là lúc kết thúc một ngày làm việc. Tiền thù lao được chia đều cho mọi người trong tổ ngay trong ngày. Bất kể ngày lễ hay cuối tuần, công việc bốc xếp của họ với những kiện hàng nặng nhọc vẫn sẽ lại tiếp tục vào ngày hôm sau.

Theo Theo Vnexpress