Những người “bán giấc mơ” bị làm khó

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong nửa đầu năm 2023, các Cty xổ số kiến thiết (XSKT) khu vực miền Nam đạt lợi nhuận trước thuế gần 8.800 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 22.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đằng sau lợi nhuận khủng đó là những phận đời bán vé số dạo kiếm từng đồng tiền mưu sinh có dấu hiệu bị đại lý gây khó dễ.

Bà Nguyễn Thị Kim Liên (ngụ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) hơn chục năm gắn bó với nghề bán vé số cho biết, trung bình mỗi ngày bà bán được 100 tờ vé số.

“Mỗi tờ vé số bán được, tôi được hưởng 1.000 đồng từ đại lý. Thế nhưng, bây giờ quy định nếu lấy 100 tờ là phải bán hết trong ngày không cho trả lại. Do tôi không có vốn nên không dám lấy nhiều vé số để bán. Gần đây trong một lần đi bán vé số, tôi bị tai nạn giao thông, vết thương trên cơ thể hay đau nhức, không dám đi xa. Bản thân người bán vé số dạo như chúng tôi lại không có bảo hiểm”, bà Liên nói.

Những người “bán giấc mơ” bị làm khó ảnh 1

Hội đồng XSKT miền Nam đã chấn chỉnh việc không cho người bán dạo trả vé số “ế”

Ảnh: Nhật Huy

Theo người hành nghề bán vé số lẻ, hiện nay nhiều đại lý không cho trả lại các vé số còn thừa. Nhiều người bán dạo buộc phải tràn xuống lòng đường chào mời tại các ngã ba, ngã tư… để bán hết lượng vé số đã lấy, nếu không sẽ phải ôm vé.

Dưới chân cầu Đầu Sấu, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, cứ khoảng 15 giờ 30 phút hằng ngày, nhiều người đứng dưới lòng đường xòe xấp vé số trên tay quơ qua quơ lại, miệng liên tục mời gọi người qua đường ủng hộ. Đáng nói, càng đến giờ xổ số thì người bán vé số tụ tập đông hơn, bất chấp lượng phương tiện qua lại.

Mỗi ngày đạp xe hơn 15km ngược xuôi để bán vé số, bà Ngô Thanh Tú, ngụ quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ cho biết, thời tiết ở miền Tây những ngày qua mưa nhiều khiến người bán vé số dạo gặp nhiều khó khăn. Có hôm đến giờ quay xổ số mà trên tay còn cả trăm tờ. “Mặc dù biết tràn xuống đường để bán vé số là nguy hiểm nhưng phải làm vì chén cơm manh áo. Tôi không bán hết, lấy đâu ra tiền để chi tiền nhà, ăn uống và lo cho hai đứa con ăn học”, bà Tú bộc bạch.

Không được gây bất lợi cho người bán lẻ

Đến nay, ở khu vực phía Nam, xổ số trở thành ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Có thời điểm, nguồn nộp ngân sách từ các Cty XSKT chiếm tới 60-70% tại một số địa phương.

Theo ông Dương Minh Tú - Phó Chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, hiện tại, số lượng vé phát hành của các Cty XSKT không đáp ứng đủ so với nhu cầu của thị trường. Khi cung không đủ cầu thì quy luật thị trường sẽ tác động bất lợi đến “người có nhu cầu”.

Thực tế, trong thời gian qua, đa phần các cấp đại lý vẫn tổ chức kinh doanh theo hình thức “chia sẻ, có trước, có sau” để giữ thu nhập ổn định cho người bán lẻ.

Tuy nhiên, có một số đại lý ở các cấp tranh thủ thời cơ, thị trường thiếu vé để áp dụng giải pháp kinh doanh gây bất lợi cho người bán vé lẻ như không cho người bán vé lẻ trả lại vé “ế” và giảm phần tỷ lệ hoa hồng người bán lẻ được hưởng so với trước đây. Thực tế này làm cho một số người bán lẻ gặp khó khăn.

Để chấn chỉnh vấn đề này, Ban Thường trực Hội đồng XSKT khu vực miền Nam đã có công văn đề nghị các Cty thành viên nhắc nhở hệ thống đại lý của Cty mình thực hiện tiêu thụ theo tỷ lệ phù hợp. Không bắt buộc người bán dạo phải bán hết không được trả lại vé bán không hết; giữ mức giá trao đổi, mua bán như trước khi được tăng doanh số phát hành.

Tại Hội nghị XSKT khu vực miền Nam lần thứ 130, ông Dương Minh Tú - Phó Chủ tịch Hội đồng XSKT khu vực miền Nam - cho biết, 6 tháng đầu năm, doanh số phát hành xổ số truyền thống đạt gần 70.000 tỷ đồng (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022); doanh thu hơn 68.800 tỷ đồng. Tỷ lệ tiêu thụ bình quân của khu vực đạt 98,4%; lợi nhuận 8.784 tỷ đồng; nộp ngân sách trên 22.000 tỷ đồng, tăng 25%.

MỚI - NÓNG