Bài 1: Chuyện cô Út “giữ truyền thống”
Vừa tới xã Phú Tân (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau), ông cán bộ kiểm tra Đảng ủy Nguyễn Thanh Nhì cho hay, nhà ông ở ấp Láng Cháo cách trung tâm xã hơn chục cây số, vẫn phải vỏ lãi đi về. Ấp Láng Cháo chính là nơi từng nuôi ông Lê Duẩn nên chúng tôi xuống vỏ lãi.
Quê nghèo
Heo hút như mọi vùng quê cách mạng cũ, đường sông về ấp Láng Cháo tựa mê hồn trận. Nhưng lòng người trung thực, cởi mở. Đoạn xa mới có một ngôi nhà, ngồi vỏ lãi dưới sông hỏi vọng người trên bờ, được chỉ dẫn tận tình. Vào nơi từng nuôi ông Lê Duẩn phải lội con đường đất sình lầy giữa cỏ dại và dừa nước. Một ngôi nhà lá tồi tàn, phong cảnh hoang vắng. Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, ông Lê Duẩn đã sống tại đây từ năm 1955 đến đầu 1958. Dĩ nhiên, thời gian ấy ông đi lại giữa nhiều địa điểm khác nhau, nhưng đây là một trong những nơi ở chính.
“Đêm khuya khi vãn khách, mấy đứa phục vụ thường rủ nhau đi ăn uống nhưng út Cưng không bao giờ đi, dành dụm tiền gửi về giúp cha mẹ, anh chị. Thấy vậy, vợ chồng tôi thương như con”.
Ông Võ Văn Thoại
Ông cựu chiến binh, cán bộ nghỉ hưu Nguyễn Văn Truyền (thường gọi Tư Phương), 73 tuổi, quê xã này, nhớ hồi trước nơi đây cách đồn địch chỉ chục cây số nhưng lòng dân với bạt ngàn dừa nước đã bảo vệ ông Lê Duẩn an toàn. Thuở đó, ông Tư Phương còn nhỏ, làm liên lạc đưa thư cho những cán bộ cách mạng của các cơ quan giúp việc ông Lê Duẩn, ở vòng ngoài. “Thư phần nhiều viết bằng thơ lục bát, các ông ém kín trong những căn nhà lá của dân ở cách nhau mấy công đất, giao cho tôi chạy qua chạy lại”, ông Tư Phương nói.
Lịch sử hào hùng mà lãng mạn như vẫn sống động trong thiên nhiên hoang dã, mát lành. Chúng tôi có cảm giác đang hít thở không khí của nửa thế kỷ trước. Nhưng rồi xao động khi Phó chủ tịch UBND xã Huỳnh Văn Lớn nói vùng này nghèo lắm, vì hẻo lánh nên cái gì cũng đi sau nơi khác. Anh Lớn sinh năm 1979, trải qua nhiều chức vụ trước khi trở thành phó chủ tịch vào năm tròn tuổi ba chục, hiểu rõ cảnh nghèo của vùng đất hoang vu sát biển. Đó là giao thông cách trở, thiếu điện sinh hoạt, nuôi tôm thiếu vốn và khai thác biển thì thiếu tàu thuyền.
Giữ truyền thống
Ấp Tân Phú nơi sinh ra cô Nguyễn Thị Cưng (út Cưng) có nhiều cô lấy chồng ngoại nhất xã, theo Trưởng ấp Nguyễn Văn Tuấn, khoảng hai chục cô đã gửi được tiền về cất nhà. Trong đó có ngôi nhà vào loại đẹp nhất xã, vừa hoàn thiện. Còn gia đình gả con gái lấy chồng ngoại đầu tiên ở ấp, cách nay 15 năm. Một gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng cũng gả con lấy chồng ngoại. “Lấy chồng ngoại là con đường thoát nghèo của nhiều gia đình ở xứ này”, Trưởng ấp Tuấn chép miệng.
Cô út Cưng năm 17 tuổi cũng có người mai mối lấy chồng ngoại nhưng “gia đình không chịu, dòng họ từ chối vì muốn giữ truyền thống cách mạng”, lời anh trai cô. Ông Tư Phương nhớ lại, nhà của ông nội cô út Cưng ở ấp Tân Phú là nơi đặt cơ sở in ấn tài liệu phục vụ ông Lê Duẩn, hồi nhỏ ông vẫn chạy qua lại đưa thư nên biết. Cũng vì vậy, nội ngoại gia đình cô út đều theo cách mạng. Riêng bên nội, ba người bác của cô út thì một hy sinh, một bị địch bắt tù đày, một đi bộ đội nay nghỉ hưu; hai người cô theo cách mạng, một người còn là vợ liệt sỹ. Cha của cô út là thương binh hạng 4/4, khi cô vừa cất được nhà trên Cần Thơ đã rước lên để phụng dưỡng, đúng ngày bị cưỡng chế đập nhà, nay phải che ni lông ở bên đống đổ nát. Anh em cô sinh ra và lớn lên sau giải phóng.
Khi đến nhà cha mẹ cô út mà nay vợ chồng anh trai Nguyễn Văn Huy ở, chúng tôi thấy có hai căn liền nhau, mái lợp tôn và lá, vách trước xây tường còn lại thưng lá. Sân cũng như nền nhà bằng đất lồi lõm. Vợ chồng anh Huy kể, nhờ cô út gửi tiền về sửa được căn nhà trên, cất thêm căn nhà dưới chứ trước kia chật chội, tồi tàn hơn nhiều. Trong nhà trống trải giăng được võng, sát vách lá có mấy tấm ván đặt khập khiễng trên hàng cột chôn chân, cuối nhà có bốn cái lu đựng nước.
Thấy chúng tôi nhìn quanh, anh Huy giải thích: “Vợ chồng tôi có một con và chỉ có một héc-ta đất nuôi tôm quảng canh nên chỉ đủ ăn. Chi tiêu phải làm mướn kiếm thêm, còn sửa chữa nhà cửa đều nhờ cô út”.
Nghẹn ngào
Lúc nói chuyện ở nhà anh Huy, chị dâu thứ của cô út là Ngô Thị Truyền bật khóc nghẹn ngào. Nén thổn thức, chị Truyền kể, ngày chị về làm dâu gia đình chồng nghèo không có cái ăn, nhà lá xiêu vẹo muốn sập.
Rẽ qua quán ca cổ của bà Miền, nay đã ít khách. Vợ chồng bà đã già, muốn nghỉ ngơi. Nhưng nhắc đến căn nhà vừa bị đập của cô út thì bà Miền cũng khóc. Bà kể mấy đêm liền cứ thảng thốt tiếng kêu thất thanh của bà nội cô út ở quê nhà mấy mươi năm trước. Hồi đó căn nhà lá của bà bị cháy, bà đứng giữa trời kêu lên thảm thiết. “Tiếng kêu thét đau đớn lắm, mấy chục năm rồi mà tôi vẫn như nghe bên tai. Mà đó là mới cháy căn nhà lá nhỏ”, giọng bà Miền nghẹn ngào.
Sau đập nhà, phóng viên Tiền Phong có gặp Bí thư Quận ủy Ninh Kiều Võ Thành Thống. Ông Thống trầm ngâm: Cưỡng chế đập nhà, về thủ tục hành chính thì đủ cả nhưng lại chưa thấu được cái tình. “Tôi đã có ý kiến với UBND quận là cần có công văn với UBND thành phố Cần Thơ, kiến nghị quy định rõ thời hạn kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch. Hết thời hạn, không có nhà đầu tư thì hủy quy hoạch, không thể treo quy hoạch vô thời hạn, làm khổ dân”, ông Thống nói.