Đằng đẵng mấy chục năm trời sau đó là những chuỗi bão giông khắc nghiệt xảy đến, cùng hố sâu ngăn cách bà con tộc họ. Thấm thoắt đã 13 năm trời từ khi bút ký “Giông gió đời người” đăng trên Tiền Phong. Những ngày tháng Tư này, tôi quay về tìm lại những nhân vật của mình…
Bất ngờ, cũng là niềm vui đầu tiên đến từ hai đứa con trai tật nguyền của anh. Hai “thằng cu” Hưng, Quý ngày nào tôi gặp nằm trong cái chòi rách giữ cá cho cha mẹ, chỉ sợ động kinh rớt xuống ao lúc nào không hay, nay đã là những người đàn ông cao lớn, suy nghĩ nói năng chín chắn, sâu sắc, dù đi đứng khó khăn, giọng nói âm hơi vẫn nghe chừng lập bập do di chứng bệnh tật.
Nguyễn Duy Hưng đã có vợ, có con. Thằng cu Nguyễn Văn Sáng sinh năm 2009, ba năm sau, bé gái Nguyễn Như Ý ra đời, cả hai linh lợi sáng láng như có phép màu. Mấy năm trước, cô gái quê Hiệp Đức, Bùi Thị Lệ Hương học xong Trung cấp bưu điện, xuống KCN Điện Nam-Điện Ngọc làm công nhân. Thế nào hai đứa quen nhau, đến 2008 thì cưới. Hương kể: “Duyên số sao đó, chứ lúc lấy ảnh ai cũng cản. Em cũng lo. Bởi ảnh bị chất độc da cam như vậy, không biết con cái sẽ ra sao. May mắn “ông trời nghĩ lại sao đó”, có hai đứa con thế này, trên đời không tiền bạc chi bằng, quá vui rồi”. Lấy xong, về nhà chồng làm nông với hơn 1 sào đất trồng rau màu. Nguyễn Văn Quý bệnh tật nặng hơn, và cũng kém may mắn hơn anh mình. Từng quen cô gái quê Điện Hồng cùng huyện cũng là công nhân KCN Điện Nam - Điện Ngọc, rồi cưới. Nhưng đứa con hai người mất khi chưa ra đời, thế rồi chia tay. Giờ quanh quẩn ở nhà chăm sóc cây cảnh.
Hai đứa con trai vốn là nỗi đau lớn nhất trong đời ông Tư Hòa. Bởi một thời xóm làng dị nghị, rằng đó là “quả báo”!? Nhưng mấy ai biết hàng trăm vết thương tra tấn bầm dập trên cơ thể vợ chồng ông, bị đánh đến mức thần kinh mê sảng, đã để lại di chứng cho những đứa con. Năm 1969, sau vụ diệt ác, Hòa bị thương nặng ở bụng, bị địch bắt, tra tấn khốc liệt. Cậu thiếu niên sau đó bị tòa kết án tử hình, sau rút xuống án 15 năm đày ra Côn Đảo.
Ngày giải phóng trở về, cậu lang thang tìm kiếm bằng được người bạn tù gan dạ Nguyễn Thị Hồng, cô bé giao liên quê làng cát Điện Ngọc, để rồi thành vợ thành chồng... Kể với tôi về mẹ mình, cô con gái út Nguyễn Thị Mến cứ trào nước mắt: “Bị tra tấn từ mấy chục năm rồi, mà giờ đêm nào má cũng bật dậy “bớ làng, cứu tôi với”, phải chận tay chận chân, mặt má trắng bệnh. Ngoại em gần trăm tuổi, mà đứng cạnh má như là hai chị em. Nói bảo xúc phạm, chứ má bây giờ ra đường ngửa cái nón ra là người ta cho tiền. Má chừ chẳng còn thiếu bệnh chi, ra đường gió thổi bay. Bệnh khớp của má cũng đang cần mổ. Còn ba thì mấy tháng trước vết thương ở bụng tái phát, bị dính ruột, may mà mổ kịp thời. Còn ở chân ba những vết đóng đinh tra tấn hồi trước, giờ đau nhức miết…”.
Ngày tôi gặp Út Mến, bé mới 10 tuổi. Nay đã là thiếu nữ 22 xinh xắn, vừa học xong Đại học tiếng Trung thương mại loại khá, và đang học dở năm hai ĐH Duy Tân ngành QTKD. Thực tập tại KCN Hòa Khánh. Mến học nhiều không có thời gian làm thêm. Thi thoảng có những người bạn Trung Quốc quen trên mạng, khi qua du lịch thì đi hướng dẫn, họ cho bao nhiêu thì cho. Út Mến tỏ ra sốt ruột kiếm việc làm để giúp ba má và hai anh. “Không kiếm việc được ở gần nhà, chắc em cũng lại vô Bình Dương theo chị Hai thôi. Chị Hai gánh đỡ cho cả nhà quá nhiều rồi”.
Chị Hai là Nguyễn Minh Nguyệt, con gái đầu của vợ chồng ông Tư Hòa. Dù là con của hai thương binh, cháu của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, và hơn 20 ông bà, cô dì chú bác là liệt sĩ, nhưng ngày ấy cầm tấm bằng Đại học Kinh tế ngoại thương Đà Nẵng mấy năm không xin được việc, Nguyệt đành phải chạy vào Nam. Nhờ chị Phương, một thương binh đồng đội cũ của ba, Nguyệt được nhận vào làm kế toán cho một công ty tư nhân ở Bình Dương.
Từ bấy đến nay, Út Mến tíu tít khoe: “Chị Hai làm việc nhiều lắm, ngoài việc chính còn làm thêm cho một công ty của Singapore. Ba em lâu lâu lại vô trong đó giúp chị Hai giữ cháu, trông nhà, để chị còn làm có tiền gửi về giúp má”. Hai Nguyệt giỏi giang, giờ nhà cửa khang trang, hạnh phúc. Duyên số gắn với chàng trai quê Quảng Bình, vợ chồng giờ có hai đứa con trai gái đủ đầy, đứa học lớp 3 đứa lớp 1. Căn nhà rộng rãi khang trang mới xây bên cạnh nhà ba mẹ ở quê là nơi vợ chồng Hưng Hương đang ở, cũng do Nguyệt tích cóp gửi về giúp.
Nhớ nụ cười hồn hậu giờ đã thành quen thuộc của ông Tư Hòa, khi tôi hỏi về “hố sâu ngăn cách” trong bà con họ hàng ngày trước, khiến anh từng ước giá ngôi nhà mà như chiếc thuyền thì anh đã đẩy đi nơi khác. “Chuyện đã qua mấy chục năm rồi, giờ mọi người đã lấy lại sự thuận hòa, đoàn kết, thông cảm hiểu biết nhau hơn, cũng mừng. Nói gì về mất mát hận thù nữa. Chứ cứ đeo miết chuyện đó trong lòng, thì ba tui với anh tui bị giết, bị hớt tai xẻo mũi xỏ dây đeo trên cổ, vậy mình “thù” ai đây?! Cuộc sống đã khác rồi, đã tốt hơn nhiều lắm, không còn tệ như ngày trước”.
Nhắc đến nhà cửa, chạnh nhớ chuyện ngày trước. Hai chục năm sau ngày cưới, gia tài gia đình 6 người của ông Tư Hòa vẫn là túp lều với 3 tấm tôn, cột tre, vách thưng bao tải. Nhiều lần, bão quật đổ túp lều khi người chồng đang lên cơn động kinh. Người vợ nhào tới nằm phủ lên chồng và các con như che bom che đạn.
Nghèo đói không sá gì, nhưng với Tư Hòa, nỗi đau nhức nhối, đó là “Nghe người ta nói đổ máu cả đời đi làm Cộng sản để rồi ở chuồng trâu, tôi không cam lòng”. Khi đối diện trước mặt là căn nhà khang trang của gia đình người mà trong chiến tranh anh đã “một mất một còn”. Có chết tôi cũng phải vượt lên cho họ thấy! Nói là làm, ông quần quật làm thuê cuốc mướn, kể cả ra Đà Nẵng ở đợ cho thiên hạ, chắt bóp từng đồng lẻ, rồi vay mượn khắp nơi để xây nhà.
Căn nhà đặc biệt ngày ấy của ông bởi vậy cao lêu đêu như cố tình vượt lên, dù kết cấu đơn giản, tuềnh toàng. Nhưng phải cả chục năm sau vợ chồng anh mới dứt nổi nợ nần. Nay nhà vẫn còn đó, ngó bên ngoài vẫn cứ lêu đêu, nhưng bên trong đã xuống cấp nặng nề. Ông Hòa kể, trận bão Nari cuối năm 2013, tường nứt, cả mảng gạch nhà phía sau đổ ụp xuống, chỉ cách đầu anh đúng một gang tay. Hèn chi hồi trước vào thấy trên tường nhà treo từng dãy bằng Tổ quốc ghi công cùng bằng chứng nhận Mẹ Việt Nam anh hùng, nay không thấy đâu. Ông bảo, do mưa bão liên miên bị ẩm mục hết, đành phải gỡ cất.
***
Lúc nãy trò chuyện, giọng nói ngọng nghịu, nhưng Quý rành rẽ sắc sảo đến không ngờ khi nói về quá khứ của cha mẹ, gia đình mình. “Chiến tranh là vậy thôi, tôi với anh ở hai bên, gặp nhau một chết, hai sống, ba là vô tù. Giờ đã quá lâu rồi, cứ để nó yên, khơi dậy làm gì”.
Điện Nam, 4/2014