Những khoảng trống 'chạnh lòng ở vùng biên'

Chị Ninh trong căn nhà nhỏ
Chị Ninh trong căn nhà nhỏ
TP - Tháng 11, hoa dã quỳ nở vàng rực hai bên đường và sườn núi của tỉnh Điện Biên. Ẩn sau khung cảnh hữu tình ấy là một vùng đất đang đối mặt với đại dịch HIV.

Những người chúng tôi đã gặp, phần lớn chỉ biết HIV là một bệnh như bao bệnh khác. Và từ đó, nhiều người đã vô tình mang trong mình virus HIV, nhiều phận đời được sinh ra cùng căn bệnh thế kỷ…

Hạnh phúc nhọc nhằn

Người phụ nữ mặc bộ váy dân tộc, quấn tóc kiểu truyền thống của người Thái Đen lúi húi tưới cây. Chị khẽ giật mình khi nghe tiếng chào của khách. Nếu không được giới thiệu từ trước, hẳn tôi cũng sẽ ngạc nhiên không tin được người phụ nữ với vóc dáng cao ráo, nước da trắng hồng, mịn căng và đôi mắt biết cười cùng má lúm đồng tiền ấy lại đang mang trong mình virus HIV. Lò Thị Ninh (bản Nà Luông, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) với vẻ đẹp mặn mà của người đàn bà 36 tuổi, những bức ảnh treo tường mách bảo chị có thời con gái xuân sắc. Thế nhưng, nụ cười hút hồn và phong thái nhẹ nhàng của người đàn bà ấy như “mặt nạ” của một cuộc đời éo le và lắm buồn đau.

Đôi mắt nâu to tròn của chị hướng về dãy núi phía sau nhà như lần giở về những tháng năm đã qua của cuộc đời. Ngày về nhà người ta làm dâu, Ninh mới ngoài 20 tuổi. Hạnh phúc ngỡ trong tầm tay nhưng vuột trôi khi hai vợ chồng mãi không sinh được con. Tình yêu giữ hai người bên nhau, năm 2006 họ quyết định xin bé gái 3 tuổi làm con nuôi. Rồi cuộc đời thêm một lần nữa thử thách người đàn bà nhan sắc khi chồng chị ốm yếu và nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV. Kể đến đây, Lò Thị Ninh khẽ cười nói: “Bác sĩ nói chồng tôi bị HIV nhưng chúng tôi nào biết đó là bệnh gì, chỉ nghĩ như những căn bệnh khác, uống thuốc sẽ khỏi”. Ngay sau khi biết chồng chị bị HIV, nhân viên y tế của bản đã đưa Ninh đi khám sức khỏe, kết quả Ninh lây bệnh từ chồng. Năm 2009, chị trở thành góa phụ.

Hai mẹ con sống lặng lẽ trong căn nhà sàn nhỏ ven đường. Hằng ngày đều đặn Ninh uống thuốc ARV kháng virus HIV do Trung tâm y tế huyện cấp. Được các nhân viên y tế giới thiệu, Ninh tham gia nhóm Hoa Hướng Dương với mục đích chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ, tư vấn cho người mới mắc bệnh. Vượt qua sự kỳ thị của mọi người, Ninh trở lại là người tự tin và quyết không gục ngã trước bệnh tật, làm việc để nuôi con. 

“Bác sĩ nói chồng tôi bị HIV nhưng chúng tôi nào biết đó là bệnh gì, chỉ nghĩ như những căn bệnh khác, uống thuốc sẽ khỏi”. 

Chị Lò Thị Ninh

Trời run rủi, trong một lần lên thành phố Điện Biên chơi, Ninh quen người đàn ông bằng tuổi làm nghề chụp ảnh. Những giao đãi ban đầu giúp họ dần trở nên thân thiết và nảy sinh tình yêu. Ninh thật lòng nói rõ về việc mình bị nhiễm virus HIV với người yêu. Hạnh phúc mỉm cười với Ninh khi anh chấp nhận căn bệnh HIV để lấy chị làm vợ. Lấy nhau được chừng một năm, chồng Ninh tâm sự với vợ là muốn có con chung giữa hai người. Lúc này, Ninh biết điều đó rất mạo hiểm với tính mạng của chồng và đứa con nếu chị có thai. Nhưng những hiểu biết hạn hẹp của người chồng về căn bệnh HIV cùng khát khao được làm cha mẹ đã vượt qua nỗi sợ hãi, họ không dùng biện pháp an toàn để tránh thai nữa. 

Đợi hoài, Ninh vẫn không có dấu hiệu mang bầu, còn người chồng bỗng ốm yếu và sụt cân. Linh cảm mách bảo, Ninh khuyên chồng đi xét nghiệm. Bất hạnh lại dồn lên đầu hai vợ chồng khi kết quả xét nghiệm chồng Ninh dương tính với virus HIV. Giờ đây, mỗi ngày khi bóng tối ập xuống, bao trùm lên ngôi nhà nhỏ bên chân núi, hai vợ chồng lại cùng nhau uống thuốc ARV với mong ước có được sức khỏe ổn định chiến đấu lâu dài với bệnh tật, để chăm sóc đứa con gái nuôi và nhen lên niềm hy vọng nhờ y học tiên tiến sẽ có được đứa con của chính mình mà không bị virus HIV...

Không biết về HIV, cứ đẻ

Cậu bé chừng 4 tuổi ngồi ngoan trong lòng mẹ, ngước đôi mắt tròn xoe nhìn tôi, đôi mắt với ánh nhìn đủ ám ảnh người đối diện bởi nó trong sáng, thánh thiện nhưng chất chứa nỗi buồn sâu thẳm. Chị L.T.M (bản Co Đứa, xã Nà San, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) bị lây nhiễm HIV từ chồng. May mắn thay đứa con trai đầu lòng không mắc bệnh vì sinh ra trước thời điểm cha mẹ có HIV. Nhưng cậu bé thứ 2, sinh ra đã mang trong mình virus HIV lây từ mẹ trong quá trình mang thai. Có lẽ vì phải mang trong mình bạo bệnh từ nhỏ nên đôi mắt của cậu bé mới buồn thăm thẳm đến vậy.

Những khoảng trống 'chạnh lòng ở vùng biên' ảnh 1

Chị M. và cậu con trai cùng nhiễm HIV

Khi được hỏi HIV là gì, M. bảo chỉ biết đó là một bệnh bắt buộc phải uống thuốc nếu không sẽ chết. Chị không biết gì đến việc bệnh có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình thai nghén, hay lây từ chồng sang vợ khi quan hệ tình dục. Bản miền núi xa xôi, mọi tiếp cận với sách báo, ti vi để ít nhiều có thêm kiến thức là điều quá xa vời với những người dân nơi đây. Sáng sớm lên nương, tối mịt về nhà, cuộc sống trôi qua phẳng lặng mà không ngờ có ngày căn bệnh thế kỷ mò đến tận nơi, gieo rắc vào cuộc đời những con người hiền lành, thiếu hiểu biết sự tan hoang, đau đớn. 

Đứa nhỏ 4 tuổi tuột khỏi lòng mẹ chạy ra ngoài sân, tôi giật mình thấy bụng M. lùm lùm dưới lớp váy dân tộc. M. bảo cô đang mang thai ở tháng thứ 4, bản thân cũng đang ở giai đoạn 4 của bệnh, giai đoạn dễ lây nhiễm nhất sang bào thai. M.bảo không biết gì về bệnh nên cứ sinh con thôi. Có gì đau đớn trong ánh nhìn xa vời của người đàn bà bất hạnh. Mọi nỗi đau người mẹ có thể chịu được, nhưng nỗi đau vì mình mà con cái mang trọng bệnh là điều không người phụ nữ nào có thể gánh đỡ nổi. Lén chấm những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, M. bần thần không muốn chia sẻ thêm. Dường như trái tim M. hóa đá bởi tai họa dồn dập đến...

Cách nhà M. chừng vài chục mét là nhà của Lò Văn Sâm, người đang được điều trị HIV bằng thuốc ARV 3 năm nay. Sâm nhiễm virus HIV vì dùng chung bơm kim tiêm do nghiện ma túy. Không thể gọi nơi ở của đại gia đình 3 thế hệ đó là nhà. Bốn bề được quây bằng những tấm liếp rách, tồi tàn, gió thổi vào vù vù. Căn bếp chỉ có ít tro tàn nguội lạnh vì Sâm bảo đã mấy ngày nay không có gì để nấu ăn cho ra bữa. Ba đứa con gái đi học, vợ phát bệnh đau dạ dày nên sang nhà ngoại lấy thuốc chưa về. 

Người đàn ông với gương mặt khắc khổ thi thoảng lại cười ngô nghê khi được hỏi về căn bệnh mình đang mang trong người. Sâm bảo: “Mình chỉ biết HIV là một bệnh nếu không uống thuốc ARV thì chết, chết thì không có đứa chống gậy vì nhà có 3 cô con gái”. Rất hồn nhiên, Sâm bảo: “Rồi mình sẽ đẻ thêm đứa nữa để có thằng con trai nối dõi và chống gậy sau này”. Đang mang trong mình bệnh lao và HIV nên da dẻ Sâm tái mét, mắt trắng dã. Vậy nhưng Sâm vẫn nuôi ý định có được đứa con trai. Tôi chỉ thấy Sâm lặng người đi giây lát khi nghe câu hỏi: “Nếu không may lại đẻ ra con gái và đứa trẻ nhiễm HIV thì sao”. Nghĩ một lúc, Sâm khẽ nói: “Số rồi chị ạ”. 

Tôi tìm đến chị H. nhân viên y tế phụ trách bản Co Đứa để trao đổi về trường hợp của Sâm. Chị thật thà chia sẻ, đúng là nhân viên y tế thì ít, số người mắc HIV lại quá nhiều nên không thể sâu sát được tình hình. Thông tin Sâm muốn sinh tiếp con khi bản thân đang mang trong mình căn bệnh HIV khiến chị H. giật mình. Thời gian tới những người khoác áo blouse trắng nơi đây sẽ thêm công việc tư vấn kiến thức cho những người có HIV để không còn những đứa trẻ sinh ra trong oan nghiệt…

Rời những bản miền núi xa xôi khi hoàng hôn ập xuống, không khỏi lặng buồn với những thông tin về căn bệnh HIV ở tỉnh biên giới Tây Bắc này. Gần 300 người nhiễm mới từ đầu năm đến nay tại tỉnh Điện Biên, tập trung chủ yếu ở những địa bàn xa trung tâm. Thậm chí, nhiều người không biết mình lây nhiễm thế nào. Tất cả các huyện, thị, thành phố của tỉnh Điện Biên đều có người nhiễm HIV. Mạng lưới y tế cho người có HIV tại nhiều bản vẫn là con số 0 tròn trĩnh, trong khi đó còn nhiều ca bệnh có thể vẫn đang ẩn trong cộng đồng...

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.