Những khoản thu nhập của công chức sẽ mất đi khi cải cách tiền lương

0:00 / 0:00
0:00
Cải cách tiền lương sẽ xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện hành, nhưng không thấp hơn lương hiện hưởng.

Nghị quyết 27 Ban Chấp hành Trung ương xác định nội dung cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công).

Theo đó, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng, quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Những khoản thu nhập của công chức sẽ mất đi khi cải cách tiền lương ảnh 1
Nhiều phụ cấp của công chức sẽ bị bãi bỏ khi cải cách tiền lương (Ảnh minh họa: Hoa Lê).

Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Theo Nghị quyết, thống nhất sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Như vậy, khi cải cách tiền lương, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề trừ lĩnh vực công an, quân đội, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.

Hiện nay, phụ cấp thâm niên nghề của công chức đang được tính theo Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC. Mức phụ cấp thâm niên nghề của công chức bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung nếu công chức đó được hưởng.

Điều kiện để hưởng là khi công chức có thời gian làm việc đủ 5 năm. Từ năm thứ sáu trở đi, nếu công chức có đủ 12 tháng làm việc thì được tính thêm 1%.

Bên cạnh đó, khi cải cách tiền lương cũng bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Nghị quyết 27 cũng bãi bỏ các khoản chi ngoài lương cho cán bộ, công chức. Bởi, theo tinh thần của Nghị quyết này, việc thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng đột phá tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương.

Và một trong những giải pháp đó chính là bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp, tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo…

Chủ trương của Nghị quyết 27 là khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị; đồng thời nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương như xe ô tô, điện thoại…

Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức chỉ còn được hưởng lương, phụ cấp theo vị trí việc làm mà không còn được nhận các khoản tiền bồi dưỡng như hiện nay.

Theo Nghị quyết 27, cán bộ, công chức, viên chức được xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm gồm:

1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương.

3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG