Những giải thưởng, danh hiệu gây hoang mang

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không ít khán giả bình luận, giải thưởng và danh hiệu của diễn viên “đại gia chân đất” Quang Tèo nghe hoành tráng nhưng cứ thấy… hoang mang? Đây không phải trường hợp hiếm hoi trong bối cảnh “loạn” giải thưởng, danh hiệu cả trong và ngoài nước.

Trượt danh hiệu NSND lần thứ 10 nhưng NSƯT Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo) không quá buồn. Anh hi vọng lần sau may mắn sẽ mỉm cười với mình vì thành tích của anh đang ngày một dày lên. Quang Tèo khoe: “Tôi vừa giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Đông Nam Á của Liên hoan phim Điện ảnh Vàng, lần thứ 43, tổ chức tại Hàn Quốc. Ngoài ra, tôi cũng mới được vinh danh danh hiệu Hiền tài nước Viêt”.

Chạm đến đỉnh cao Đông Nam Á về diễn xuất hay chưa?

Những giải thưởng, danh hiệu gây hoang mang ảnh 1

NSUT Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo-đứng giữa) nhận danh hiệu “Hiền tài nước Việt”

Phóng viên chuyển lời một độc giả gắn bó với tờ Tiền Phong Chủ Nhật đến Quang Tèo: “Nhiều giải quốc tế chưa chắc đã mang tầm vóc quốc tế. Liệu giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Đông Nam Á anh vừa nhận được có uy tín không?”. Cây hài miền Bắc đáp liền: “Sao lại không uy tín? Đây là Liên hoan phim Điện ảnh Vàng Quốc tế cơ mà. Họ đã tổ chức lần thứ 43 rồi. Việt Nam chưa biết đến giải này, bây giờ mới biết và gửi phim tham gia. Tôi được giải với vai chính trong phim Chạm vào hạnh phúc”.

Được biết, đây là bộ phim của đạo diễn Mai Long quy tụ nhiều tên tuổi: NSND Như Quỳnh, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), NSƯT Hồ Phong, Quách Thu Phương, Tú Oanh… Quang Tèo vào vai ông Sắn, lấy nước mắt của nhiều khán giả.

Nam nghệ sĩ rất tự hào với vai ông Sắn bởi vai diễn giúp anh chứng minh với khán giả và đồng nghiệp: Quang Tèo không chỉ chuyên trị vai hài, anh còn có thể diễn được vai bi rất ngọt. Tuy nhiên, giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất Đông Nam Á của anh vẫn khiến không ít khán giả bất ngờ.

Những giải thưởng, danh hiệu gây hoang mang ảnh 2

Quang Tèo khoe giấy mời của Liên hoan phim ở Hàn Quốc

Chúng tôi liên lạc với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, cha đẻ “Tro tàn rực rỡ”, bộ phim ẵm nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: Bông sen Vàng, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, giải nhất LHP ba châu lục tại Pháp. Nhưng cha đẻ của “Tro tàn rực rỡ” cũng không biết gì về Liên hoan phim Điện ảnh Vàng ở Hàn Quốc. (Anh gợi ý chúng tôi thử hỏi “bác” Google).

Phóng viên lại tiếp tục hỏi đạo diễn, nhà sản xuất, một nghệ sĩ quan tâm và hiểu biết về các liên hoan phim quốc tế. Vị cũng không biết đến liên hoan phim đã đưa Quang Tèo lên vị trí nam diễn viên chính xuất sắc nhất Đông Nam Á. Nghệ sĩ ta không biết đến Liên hoan phim điện ảnh Vàng ở Hàn Quốc cũng không có gì lạ.

Người này giải thích: “Trên thế giới có nhiều liên hoan phim diễn ra hằng năm”. Cô hỏi tên tiếng Anh của Liên hoan phim mà Quang Tèo vừa ẵm giải. Nhưng “đại gia chân đất” chỉ nhớ tên được dịch ra tiếng Việt.

Chúng tôi kết nối với một nghiên cứu sinh người Việt đang học tập tại Hàn Quốc, đề nghị tra giùm thông tin về Liên hoan phim Điện ảnh Vàng. Sau một hồi tra cứu, nữ nghiên cứu sinh đã đáp tương tự nghệ sĩ Việt: “Hàn Quốc tổ chức nhiều liên hoan phim quốc tế lắm. Phải biết tên liên hoan phim, tổ chức ở đâu thì mới tra được”.

Lúc đầu chị chỉ kiếm được thông tin liên quan đến Liên hoan phim Quốc tế tại Busan trong đó Việt Nam ghi dấu ấn. (Chẳng hạn, “Hành trình kỳ thú” (Let’s feast Vietnam) đã chiến thắng ở chương trình thực tế và tạp kỹ hay nhất, hồi tháng 10 năm 2023). Sau nửa ngày “mò kim đáy bể”, nhà khoa học nọ cũng tìm ra đáp án: “Đây là giải thưởng điện ảnh Hwanggeum (Hoàng Kim).

Giải do Hội Liên hiệp Điện ảnh Hàn Quốc tổ chức, bắt đầu từ năm 1977. Các kì liên hoan khác chỉ có các nhà làm phim Hàn Quốc tham dự, liên hoan lần thứ 43 có thêm khách mời là Việt Nam. Việt Nam mang phim “Chạm vào hạnh phúc” của đạo diễn Mai Long tham gia và giành giải. Có bài báo nói đó là giải giao lưu hữu nghị Việt-Hàn”. Nữ nghiên cứu sinh còn chia sẻ thêm: Chị tìm được một số bài báo nhỏ khác viết về đoàn Việt Nam tham gia giải Hwanggeum (Hoàng Kim) này, trong đó đánh giá Mai Long là đạo diễn có tài, có bài hỏi chuyện Quang Tèo về phim “Chạm vào hạnh phúc”.

Một bài báo còn ghi sai danh hiệu của diễn viên Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo). Anh được nâng từ NSƯT lên NSND. Các bài báo ở Hàn Quốc mà nữ nghiên cứu sinh tìm được không nhắc tới NSƯT Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo) ẵm giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất Đông Nam Á. Không hiểu thực hư thế nào? Trên trang zalo, Quang Tèo cũng chỉ khoe giấy mời dự liên hoan phim với dòng trạng thái tràn ngập niềm vui.

Phim ảnh cũng giống văn chương đều có không ít nghệ sĩ giành giải quốc tế song tầm ảnh hưởng và uy tín của mỗi giải thưởng quốc tế vẫn cần xem xét, nhìn nhận thận trọng. Bởi vì, giải thưởng quốc tế liên quan ít nhiều đến xét tặng danh hiệu cao quí NSND, NSƯT (hoặc các giải thưởng cao quí, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật)…

Từ “Giáo sư âm nhạc” đến “Hiền tài nước Việt”

Không chỉ gây ngạc nhiên ở giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất Đông Nam Á, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo) còn được vinh danh danh hiệu “Hiền tài nước Việt”. Khán giả ngác ngơ không hiểu chuyện gì đang xảy ra?

Nguyên văn đoạn trích từ Văn bia đề danh Tiến sĩ Khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442) như sau: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi thấp xuống”. Nhắc đến hiền tài, người Việt nào cũng nhớ ngay đến câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Từ lúc nào nghệ sĩ diễn hài lại thành… nguyên khí quốc gia?

Về nguồn gốc danh hiệu này, Quang Tèo đã chia sẻ, anh được Viện Khoa học nghiên cứu Nhân tài Nhân lực trao tặng. Chúng tôi hỏi một nữ tiến sĩ văn học về cách hiểu “hiền tài”. Bà đáp: “Hiền là giỏi. Người hiền là người giỏi. Chứ không phải người hiền lành. Hiền tài rất hiếm. Văn Miếu thờ Khổng Tử, 4 vị Á Thánh, (Khổng Tử được tôn là Thánh) và 72 bậc hiền”.

Phóng viên liên lạc với GS.TS Trần Ngọc Vương, chuyên gia hàng đầu về văn học trung đại để thêm những thông tin cần thiết quanh khái niệm “hiền tài”. Ông nói: “Hiền tài chỉ những người xuất sắc, có ảnh hưởng, tác động đến văn hoá, giáo dục, nền chính trị, sự quản trị quốc gia”. “Hiền tài rất hiếm, thưa ông?”, phóng viên hỏi tiếp. GS.TS Trần Ngọc Vương khẳng định: “Tất nhiên là hiếm. Bây giờ cứ dùng chữ loạn lên, có ai cấm đâu? Nhưng dùng chữ loạn lên thì chữ mất ý nghĩa. Dùng chữ loạn, danh hiệu cũng loạn thì mất giá trị”.

Ông nói tiếp: “Người được coi là hiền tài nói chung là người ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia, ảnh hưởng đến những định hướng phát triển lớn của quốc gia, tác động ấy làm cho quốc gia phát triển. Những người như vậy có tầm ảnh hưởng và đẳng cấp riêng. Chứ nếu cứ có một chút tài năng nào đó đã phong là hiền tài thì hỏng”. Ông chán nản bình luận: “Sự lựa chọn vinh danh hiền tài hiện nay hơi tạp nham, không có chuẩn mực nào cả”.

Cứ theo quan điểm của nhà nghiên cứu văn học trung đại, phải chăng cần xem lại danh hiệu “Hiền tài nước Việt” nói chung, không chỉ riêng trường hợp của nghệ sĩ Quang Tèo?

Những giải thưởng, danh hiệu gây hoang mang ảnh 3

Bằng khen gây ồn ào của ca sĩ Ngọc Sơn

Từ vinh danh “Hiền tài nước Việt” có người lại nhớ đến vinh danh “Giáo sư âm nhạc” cho ca sĩ, nhạc sĩ Ngọc Sơn từng gây xôn xao dư luận khoảng 6 năm trước. Nếu Ngọc Sơn và ê-kip không khoe thì cũng không mấy ai biết anh được phong “Giáo sư âm nhạc”. Phía Ngọc Sơn hồi đó từng chia sẻ: “Nam ca sĩ vui mừng khi được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tặng bằng khen vì có những hoạt động xuất sắc trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá Việt Nam. Bằng khen này phong tặng anh danh hiệu “Giáo sư âm nhạc”. Ngọc Sơn đã không giấu được niềm vui khi được Nhà nước ghi nhận với danh hiệu này. Có thể xem Ngọc Sơn là nam ca sĩ Việt duy nhất hiện nay được ghi nhận danh hiệu giáo sư”.

Phong danh hiệu kiểu này không giúp người được phong thêm phần danh dự, mà ngược lại, khiến họ bị “lố” trong mắt khán giả, đồng nghiệp. Quang Tèo hay Ngọc Sơn đều là những nghệ sĩ có tài, có bề dày hoạt động nghệ thuật, có lượng fan chung thuỷ, cần gì những “món trang sức” như “Hiền tài nước Việt” hay “Giáo sư âm nhạc”? Quang Tèo cứ là “đại gia chân đất”, Ngọc Sơn cứ là “tấm thân nhỏ bé”, thế lại hơn.

Vương miện quốc tế

Làng mỹ nhân Việt cũng loạn danh hiệu quốc tế. Ít ai nhớ, người mẫu nội y Ngọc Trinh cũng từng bon chen vương miện. Cô đoạt danh hiệu Hoa hậu Việt Nam Quốc tế lần đầu tổ chức tại Mỹ. Tầm vóc của sân chơi sắc đẹp có gắn chữ “quốc tế” mà Ngọc Trinh chiến thắng ra sao người theo dõi cô đều hiểu. Vì chiếc vương miện này, Ngọc Trinh từng bị nhiều tài khoản chế giễu: “Hoa hậu ao làng”. (Vì thế nên sau này Ngọc Trinh không khoe vương miện quốc tế như khoe hàng hiệu và chưa từng có màn ăn mừng chiến thắng nào?).

Nhắc tới giải quốc tế ở đấu trường nhan sắc gây ồn ào không thể không nhắc tới trường hợp Vũ Hoàng Điệp, đăng quang cuộc thi Hoa hậu Vẻ đẹp Quốc tế 2009 (Miss Internation Beauty 2009). Tầm vóc, qui mô, sự trung thực trong thi cử của cuộc thi mà Vũ Hoàng Điệp đăng quang vướng nhiều nghi vấn. Nhưng bất chấp những tin đồn bủa vây, Vũ Hoàng Điệp vẫn trở về Việt Nam như một nữ hoàng thời hiện đại, cô được bạn trai cùng đoàn mô tô hộ tống, diễu hành trên đường phố lớn ở Sài thành, còn long trọng dâng hương, báo cáo thành tích ở tượng đài Bác. Sau khi đăng quang, mỗi khi cô đi diễn có cả đoàn vệ sĩ 26 người, bao gồm cả bạn trai đi theo bảo vệ. Có tài khoản chọc vui: “Mỹ nhân tầm quốc tế ra đường cũng có khác”.

MỚI - NÓNG