Những dự án 'nuốt' rừng: Băm nát Măng Đen

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau khi có quy hoạch thành khu du lịch sinh thái quốc gia, khu vực thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) có gần một trăm dự án đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các dự án triển khai chậm tiến độ, nhiều dấu hiệu cho thấy lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, bán, sang nhượng dự án.

“Xé rào” mời đầu tư

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, kể từ khi có quy hoạch thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) thành khu du lịch sinh thái quốc gia năm 2013, Kon Tum đã rải thảm đỏ, đưa ra hàng loạt ưu đãi nhằm “lót ổ đón đại bàng”. Thậm chí, địa phương này còn xây dựng riêng một khu hoa màu để thu hút những người làm nông ở tỉnh Lâm Đồng (khu 37 hộ kinh tế mới ở xã Măng Cành).

Những dự án 'nuốt' rừng: Băm nát Măng Đen ảnh 1

Rừng bị đốn hạ gần làng Kon Tu Rằng 2 (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum)

Tính đến nay, huyện Kon Plông có khoảng 90 dự án (DA) đăng ký đầu tư, tổng diện tích đất trên 8.000 ha, tổng vốn trên 23.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế xác minh của PV cho thấy, hàng loạt DA được chính quyền huyện Kon Plông cho triển khai khi chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục đầu tư như cam kết bảo vệ môi trường, phương án đánh giá trữ lượng rừng, quyết định phê duyệt đồ án, hợp đồng cho thuê đất, giấy phép xây dựng...

Điển hình như DA đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp V. Kon Tum - Măng Đen của Cty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp V. tại địa bàn 2 xã Măng Cành và Đắk Long, tổng diện tích hơn 500ha.

Theo tìm hiểu của PV, DN trên đã xây dựng một số hạng mục (nhà sơ chế, nhà kho bãi vật tư) trên đất nông nghiệp khi chưa có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh Kon Tum. Mặt khác, tập đoàn mẹ đã chuyển nhượng toàn bộ DA cho DN này vào ngày 9/7/2019 với giá chuyển nhượng 124 tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại, DN vẫn chưa đăng ký biến động đất đai theo quy định.

Phía tập đoàn chưa kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với hoạt động chuyển nhượng đó. Thực tế ghi nhận của PV, diện tích đất đai được DN này đưa vào khai thác, sử dụng mới chỉ được một góc của 500ha rộng lớn, còn lại đang để hoang hóa, lãng phí.

Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh Kon Tum đã ra quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho DN trên thuê đất, triển khai DA khi chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Đáng chú ý, theo quy định của pháp luật, ký quỹ là biện pháp bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo xác minh của PV, đến tháng 8/2020 có khoảng 40/75 DA ở Kon Plông chậm tiến độ đầu tư, hầu hết các dự án đều không ký quỹ. Điển hình như DA khu vui chơi giải trí và du lịch sinh thái Măng Đen của Cty TNHH Hoàng Tùng tại tiểu khu 488, thôn Măng Đen, xã Đắk Long có 4,87ha đất thương mại dịch vụ, 15ha đất rừng được giao và cho thuê, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 58 tỷ đồng.

Ngoài việc Sở KH&ĐT Kon Tum không yêu cầu DN ký quỹ bảo đảm thực hiện DA theo quy định với số tiền 1,3 tỷ đồng thì đến nay DA mới chỉ xây dựng được một số hạng mục với diện tích 1ha trong tổng diện tích 4,87ha.

Ngoài ra, theo nguồn tin của PV, DA này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất song UBND tỉnh Kon Tum vẫn thực hiện thu hồi và cho DN thuê đất trái quy định. Chưa kể, UBND tỉnh Kon Tum không ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, để DN tự ý chuyển mục đích rừng trái phép.

“Xẻ thịt” rừng thông

Trong những ngày tìm hiểu thực tế, chúng tôi phát hiện không ít DA ở Măng Đen và Kon Plông, địa phương đã phải đánh đổi diện tích rừng rất lớn. Điển hình nhất là DA trồng cây Macadamia tại thị trấn Măng Đen do Cty TNHH Đăng Vinh (TP Quy Nhơn, Bình Định) thực hiện.

Theo hồ sơ, đầu năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp (đất rừng sản xuất) sang đất trồng cây lâu năm và cho Cty TNHH Đăng Vinh thuê thực hiện DA để trồng cây mắc ca. Thời hạn cho thuê 50 năm với tổng diện tích 198ha. Cũng từ đây, việc khai thác gỗ diễn ra rầm rộ, xe cơ giới được đưa vào để “xẻ thịt” rừng thông 20 năm tuổi trên diện tích hơn 91ha với tổng khối lượng hơn 4.000m3.

DA khai thác quỹ đất Khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông đang gây xôn xao dư luận bởi các dấu hiệu sai phạm, Thanh tra tỉnh Kon Tum đã vào cuộc. Trước đó, khu vực này được HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2019 với quy mô hơn 21ha.

Đến tháng 1/2021, UBND huyện Kon Plông quyết định phê duyệt đồ án DA trên. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2020 của huyện, khu vực DA có hơn 6 ha rừng sản xuất (rừng tự nhiên 5,75 ha, rừng trồng 0,26 ha).

Do có sự khác nhau giữa hiện trạng rừng qua các thời điểm nhưng chưa được làm rõ nên Sở TN&MT tỉnh Kon Tum đã trả lại hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của UBND huyện Kon Plông. Mặc dù chưa được sự chấp thuận của các cấp có thẩm quyền trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng UBND huyện Kon Plông vẫn “vượt rào” cho xây dựng DA.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực quy hoạch, những ngọn đồi đã bị san ủi để làm đường giao thông. Rất nhiều cây thông lớn tuổi bị đốn, đổ rạp. Các tuyến đường nhựa đã được xây dựng hoàn chỉnh phóng thẳng qua những cánh rừng tự nhiên.

Theo đại diện của Sở NN&PTNT Kon Tum, diện tích rừng thông trên địa bàn Kon Plông hơn 2.000 ha. Trong đó, tỉnh có chủ trương định hướng khai thác 800 ha rừng thông, phần còn lại để tạo cảnh quan. Hiện tỉnh đã cho chuyển đổi gần hết diện tích 800 ha rừng thông này.

Ngoài DA trồng mắc ca của Cty Đăng Vinh, các DA “nuốt” rừng thông đã cho chuyển đổi như DA đầu tư mở rộng dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp nuôi dê sữa công nghệ cao (hơn 195ha đất rừng thông); DA bảo tồn sim rừng và xây dựng nhà máy chế biến rượu vang sim (hơn 30ha đất rừng thông); DA đầu tư trồng rau, hoa, cây ăn quả, dược liệu dưới tán rừng (9ha đất rừng thông)...

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Quốc Đổng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, từ năm 2020 đến nay địa bàn xảy ra 58 vụ phá rừng với tổng diện tích hơn 23ha; 27 vụ khai thác lâm sản trái phép với hơn 600m3 gỗ bị thiệt hại. Theo ông Đổng, mất rừng do ở đây người dân tộc thiểu số chiếm tới 90% (chủ yếu người Xê Đăng, Mơ Nâm, Ka Dong, Hre), trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác chủ yếu dựa vào điều kiện đất đai, tài nguyên tự nhiên sẵn có như rừng, đời sống còn rất khó khăn...

(còn nữa)

MỚI - NÓNG