Nhân viên nhà tàu phục vụ trên chuyến tàu LC 3 cận tết. |
Chuyến tàu dài 2 năm
Lao động 32 năm trong ngành đường sắt song chưa năm nào chị Võ Thị Minh được ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình. Đồng nghiệp của chị Minh và người thân thường nói, chị là người có duyên đi trên những chuyến tàu 2 năm (năm cũ và năm mới).
Đêm 30 trên tàu, chị Minh thường đón giao thừa cùng với những người lần đầu gặp nhau mà hiếm khi có thể gặp lại lần 2. Trong khoảnh khắc ngày cùng tháng tận, ai cũng trong tâm trạng bồi hồi, thấp thỏm, mong ngóng chuyến tàu sớm tới ga đến. Thi thoảng lại có người cất tiếng hỏi, tàu đến ga nào rồi nhỉ? Đêm cuối năm, dường như chị Minh cũng sốt ruột hơn.
Nằm nghỉ lưng ở toa nhân viên một chút, chưa kịp chợp mắt chị lại dậy xách đèn pin đi kiểm tra từ toa đầu tới toa cuối. Đến đâu chị cũng dừng lại thăm hỏi hành khách, dặn bảo quản hành lý cẩn thận, với mong muốn chia sẻ sự mong ngóng, thấp thỏm cùng họ...
Anh Hoàng Ngọc Tùng, Phó bí thư chi đoàn Xí nghiệp vận dụng toa xe lửa (Cty Vận tải hành khách Hà Nội), túc trực đường dây nóng nói: Đêm 30 Tết nào cũng vậy, tôi thường nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của hành khách thông báo họ để quên đồ đạc trên tàu. Những chuyến tàu ngày thường rất đông khách song cũng hiếm khi có người để quên đồ, riêng chuyến tàu cuối năm, lượng hành khách giảm nhiều, nhưng vì hồi hộp quá để quên cả đồ đạc trên tàu, đôi khi là con gà, cặp bánh chưng, đôi khi là giò lan rừng... Vì vậy, khi hành khách quay lại ga để nhận lại thì mọi thứ gần như đã hỏng cả rồi.
Chị Minh bảo, đa phần hành khách đêm cuối năm độc hành nên đồ đạc của họ cũng không nhiều. Họ thường là những người đi làm ăn xa, đi thăm họ hàng, cũng có người lỡ chuyến tàu sớm, nên đành để đêm cuối năm đi cho... rộng.
Tuy nhiên, chuyến tàu đêm 30 thường xảy ra nhiều chuyện phức tạp. Kẻ gian lợi dụng tàu vắng khách, dễ đi lại từ toa này sang toa khác, biết được hành khách có chút tiền bạc nên chúng hay hoành hành. Tết năm 2010, toàn bộ tiền bạc, quà cáp của hành khách Nguyễn Thị Linh đã bị bọn trộm cuỗm sạch, khi xuống ga chị Linh chỉ còn tay trắng.
Hôm ấy, nhà ga đành bố trí phương tiện đưa chị Linh về. Nhân viên nhà tàu gom góp tiền mua một gói quà tặng chị và gia đình. Tới nhà, thấy chị Linh đi cùng một nhân viên trong trang phục ngành đường sắt, ai nấy đều ngỡ ngàng. Nghe chị Linh kể rõ đầu đuôi câu chuyện, người nhà không buồn mà tỏ ra vui vẻ vì trong lúc hoạn nạn, chị Linh đã nhận được sự giúp đỡ, động viên kịp thời của những nhân viên hỏa xa.
Nguy hiểm
Anh Hoàng Văn Hiển, nhân viên bảo vệ tàu kể, vào tối 30 Tết năm 2009, khi tàu LC3 đang dừng đón khách ở ga Lang Khay (Yên Bái), xuất hiện hai đối tượng lạ lao lên toa số 1, sau đó một phụ nữ ngã xuống đường tàu hô to “Cướp, cướp!”.
Quan sát thấy nam thanh niên cầm túi xách vừa xuống tàu, tiến về chiếc xe Minsk gần đó, anh Hiển hô nhân viên tàu đuổi theo. Vừa đuổi kịp đối tượng giằng lại chiếc túi thì anh Hiển bị một đối tượng khác tấn công liên tiếp bằng đá vào đầu và tay khiến anh bị thương nặng, mất máu nhiều và ngất đi...
Anh Hiển nói, đặc thù của các tuyến đường sắt phía Tây là khoảng cách giữa các ga rất ngắn, hành khách lên xuống nhiều nên dễ xảy ra va chạm. Mỗi lần tàu dừng, những người bán hàng rong lên tàu bán hàng rất đông, gây lộn xộn, kẻ gian thường lợi dụng để trộm cắp.
Ông Huỳnh Cường - Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội cho biết, người bị kẻ gian cướp túi xách trên chuyến tàu LC3 năm 2009 là chị Trần Thị Hằng, trong túi xách có 1 triệu đồng tiền mặt, một điện thoại Samsung, 1 thẻ ATM.
Anh Hoàng Văn Hiển sau khi được sơ cứu tại ga Lang Khay đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Bảo Hà (Lào Cai). Hồ sơ bệnh án cho thấy anh Hiển bị đa chấn thương ở đầu, tay phải khâu 8 mũi.
Anh Trần Vĩnh Phúc, nhân viên an ninh đường sắt kể, trên chuyến tàu SE4 chạy tuyến Đồng Hới - Hà Nội vào đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết năm 2010, khi thấy cửa kính tại một toa hành khách bị ném vỡ toang, anh Phúc cầm tấm gỗ đến định chắn lại nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách.
Vừa tới nơi, anh Phúc đã lãnh một hòn đá lớn ném trúng đầu. Anh Phúc đứt động mạch vùng thái dương dài 4cm, sâu 1,5cm, được đồng nghiệp đưa vào Bệnh viện Hà Thành - Sài Gòn (TP Vinh - Nghệ An) để điều trị. Từ vị trí anh Phúc bị ném đá tới bệnh viện dài tới 180km.
Anh Phúc công tác trong ngành đường sắt 34 năm, đây là lần thứ hai bị tai nạn. Lần trước, năm 1997, cũng bị ném đá vào đầu.
Thường xuyên ăn Tết trên xe lửa, anh Phúc không khỏi chạnh lòng, nhưng bù lại, anh và đồng nghiệp lại có những niềm vui khác. Trong khoảnh khắc giữa năm cũ và năm mới, anh Phúc và nhà tàu thường lì xì cho hành khách, chia vui bằng chai rượu nút lá chuối, cặp bánh chưng quê với những lời chúc tốt đẹp. Anh Phúc nói, hạnh phúc là cho đi chứ không phải đón nhận.
Chị Nguyễn Thị Lan, nhân viên nhà tàu nói, lần đầu đi chuyến tàu đêm 30 Tết vào năm 2006 cũng là lúc mới xây dựng gia đình. Nhà tàu thường cho “lính mới” phục vụ những chuyến Tết để rèn luyện, thử sức mình. Sau chuyến tàu đó, điều khó xử nhất là chị không được chồng cũng như gia đình chồng thông cảm, thậm chí hiểu lầm.
Mãi tới năm 2008, anh Trần Văn Minh, anh trai chồng chị Lan đi trên chuyến tàu SE19-20 đêm 30, khi về đến ga Hà Nội đã gần 1 giờ sáng, đường sá vắng tanh, không một bóng người. Anh Minh được nhân viên hỏa xa đưa về nhà. Từ đó, gia đình mới thông cảm với chị Lan.
Còn chị Nguyễn Thu Hoài (22 tuổi), nhân viên thu vé tàu SE 15-16 mới vào ngành đường sắt một năm nói: “Lần đầu tiên phục vụ chuyến tàu Tết năm 2011 tôi không rơi nước mắt. Cả chuyến tàu vắng hoe, mỗi toa vài hành khách”. Chị vừa buồn vừa sợ. Chưa bao giờ Hoài phải xa người thân vào đêm 30 Tết.
Anh Nguyễn Hồng Sơn (40 tuổi), Trưởng tàu SE 19-20, có 21 năm trong ngành đường sắt tâm sự, ngần ấy năm làm nghề, không ít lần gặp phải những vụ tai nạn kinh hoàng. Tai nạn đối với ô tô, xe máy có thể xảy ra trong tích tắc, nhưng đối với lái tàu thì có thể nhìn thấy tai nạn trước đó từ hàng chục giây, biết rõ có những cái chết đang đến gần mà đành bất lực.
Dù đã hãm phanh khẩn cấp, nhưng đoàn tàu với hơn chục toa vẫn chạy ầm ầm theo quán tính, ít nhất phải hơn 100 m, khi tàu chạy hết trớn mới có thể dừng lại, còn nếu phanh gấp thì gây dồn toa, lật tàu, hậu quả khó lường.
Chuyến tàu Hà Nội - Vinh chiều 30 Tết năm ngoái vắng tanh. Có khoang chỉ vỏn vẹn đôi vợ chồng và đứa con. Sân ga đìu hiu, không có ai vội vàng. Nhân viên đường sắt nào cũng tươi cười chào hành khách. Trên tàu, chạy từ toa này sang toa khác mãi mới gặp một vài người, trẻ con khóc thoải mái mà không sợ quấy rầy ai. Ngó xuống thấy đường Hà Nội bắt đầu thưa người và xe. Đi tàu đêm 30 cũng là cái thú, cảm xúc thật khác. Vắng, nhưng người người gần như thân thiện hơn. |