Lưu ý những biến chứng đối với người lớn
Các phương pháp điều trị đặc biệt này trong phẫu thuật làm cho bệnh nhân đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng không còn lo sợ và đau đớn. Họ không nhớ gì về cuộc mổ trước đó cũng như không có các phản ứng thần kinh nội tiết trong khi có dao kéo đụng vào. Gây mê hô hấp là đưa một lượng thuốc qua đường hô hấp với mục đích kiểm soát tốt nhất đường thở. Còn gây mê tĩnh mạch cũng là phương pháp kiểm soát đường thở nhưng bơm thuốc thẳng vào mạch máu người bệnh. Những động tác lôi kéo sau đó có khi bít mất đường thở do làm trào thức ăn rất nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế, trừ trường hợp cấp cứu đột xuất, trước khi mổ, bệnh nhân phải nhịn ăn uống trước đó 8 tiếng đồng hồ để hạn chế thức ăn trào ngược, hạn chế khả năng tử vong có thể xảy ra.
Đối với gây tê, biến chứng thường gặp là sốc thuốc, bệnh nhân chóng mặt và vã mồ hôi là triệu chứng cụ thể của sốc phản vệ. Nếu sốc thuốc ở mức độ trầm trọng thì nhịp tim đập không bình thường và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp. Nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong mau lẹ. Mặc dù rất khó đo chính xác các tai biến gây mê nhưng nguyên nhân đầu tiên là do các bệnh vốn có trong người của bệnh nhân rồi mới đến thủ thuật ngoại khoa và sự điều khiển gây mê của BS.
Các biến chứng gây mê có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào như tiền mê, khởi mê, duy trì mê, thoát mê và sau mổ. Ở mỗi giai đoạn đều có những biến chứng đặc trưng riêng không giống nhau hoàn toàn. Gây tê cục bộ/ tại chỗ ít đau nhưng cũng có những biến chứng như màng cứng cột sống bị đâm thủng hay nặng hơn thì gây ngộ độc. Vì thế, đòi hỏi những BS giỏi có thao tác chuẩn. Trong quá trình dùng thuốc, kim tiêm hay thao tác nếu thiếu chuẩn xác thì còn “đẻ” thêm biến chứng nhiễm trùng tủy sống. Khi bị nhiễm trùng tủy sống, bệnh nhân dễ bị áp xe hoặc gây liệt tứ chi hoặc toàn thân. Một số bệnh nhân sau phẫu thuật chưa tỉnh hẳn mà vẫn ở trong trạng thái lơ mơ là do bệnh lý như sốc nhiễm trùng nên hồi sức chậm. Cũng có khi do kỹ thuật viên gây mê quá sâu làm cho bệnh nhân chậm hồi tỉnh sau phẫu thuật.
Cân nhắc kỹ đối với trẻ em
Đối với trẻ em, việc gây tê còn khó khăn hơn nhiều do ven (đường truyền tĩnh mạch) mờ nhạt khó tìm hơn người lớn. Chính vì thế đối với bệnh nhi liều lượng thuốc phải cực kỳ chính xác, đó là chưa đề cập đến đường thở của các bé cũng dễ bị tổn thương hơn nhiều. Nếu người lớn hay dùng phương pháp vô cảm bằng gây tê thì trẻ em lại dùng phương pháp gây mê toàn thân vì có ưu điểm khi tỉnh dậy đã phẫu thuật xong. Bệnh nhân hồi sức là do toàn bộ thuốc gây mê đã trao đổi hết lúc đó mới cảm thấy đau nên gây mê toàn thân còn được gọi là “trước vui sau khổ”. Đối với thai nhi, thuốc gây mê/tê ảnh hưởng qua 2 cách là trực tiếp khống chế hô hấp, trung tâm tuần hoàn của thai nhi thông qua khống chế tuần hoàn hô hấp của mẹ gián tiếp ảnh hưởng đến thai nhi. Thuốc quá liều lượng hoặc trên bàn mổ thai phụ xuất hiện triệu chứng máu ôxy thấp do hô hấp bị khống chế sẽ làm ảnh hưởng đến dưỡng khí và đào thải chất rác trao đổi của thai nhi. Lúc đó thật sự nguy hại đến an toàn sinh mạng của trẻ. Vì vậy khi lựa chọn gây tê giải phẫu, BS phải suy nghĩ cân nhắc kỹ lưỡng chủng loại, dung lượng thuốc, thời cơ, phương pháp để ngăn chặn những ảnh hưởng trực tiếp và cả gián tiếp không có lợi cho thai nhi.
Hiện nay, một phát minh khoa học và hiện đại để ngăn ngừa biến chứng gây mê/tê là máy TCI. Đây là loại máy giúp BS điều chỉnh lượng thuốc mê thích hợp tránh chỉ định quá liều và kiểm soát tốt quá trình vô cảm của người bệnh. Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân có thể thiếu thông tin về những biến chứng trong gây mê và gây tê hay cả những nguy cơ trong lúc nằm trên bàn mổ. Chính vì thế hơn ai hết y BS trực tiếp gây mê/tê phải giải thích rõ những nguy cơ và những sự cố ngoài ý muốn có thể xảy ra.
Bệnh viện quận 2, TP. HCM