Những ai thiếu ăn năn hối cải trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

0:00 / 0:00
0:00
TP - HĐXX đánh giá hành vi của bị cáo Phạm Trung Kiên không đến mức tử hình; trong khi các bị cáo Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Thị Hương Lan, Hoàng Văn Hưng bị tuyên án chung thân.

Sau 18 ngày xét xử và nghị án, chiều 28/7, TAND TP Hà Nội đưa ra phán quyết với 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”.

Theo đó, HĐXX tuyên phạt 4 bị cáo mức án tù chung thân gồm: Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế); Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự); Vũ Anh Tuấn (nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) và Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an). Trước đó, Viện kiểm sát đề nghị án “Tử hình” đối với ông Kiên; đề nghị án 19-20 năm tù với ông Tuấn; đề nghị 18-19 năm tù với bà Lan. 3 bị cáo Kiên, Tuấn và Lan cùng bị kết tội “ Nhận hối lộ”. Riêng Hoàng Văn Hưng bị kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Viện kiểm sát trước đó đề nghị mức án với bị cáo Hưng từ 19-20 năm tù.

Những ai thiếu ăn năn hối cải trong vụ 'chuyến bay giải cứu' ảnh 1
Bị cáo Hoàng Văn Hưng

Trong khi, cùng ở tội “Nhận hối lộ”, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng lĩnh 16 năm tù. Trước đó Viện kiểm sát đề nghị toà tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng từ 12-13 năm tù. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam bị tuyên 30 tháng tù. Cựu Cục phó Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng bị tuyên 12 năm tù...

Đối với nhóm cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ, bị cáo Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý Phó thủ tướng) bị tuyên 7 năm tù; Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế) bị tuyên 6 năm tù. Hai cựu chuyên viên vụ này là Nguyễn Mai Anh lĩnh 6 năm tù và Nguyễn Tiến Thân lĩnh 5 năm tù.

Những ai thiếu ăn năn hối cải trong vụ 'chuyến bay giải cứu' ảnh 2
Bị cáo Phạm Trung Kiên

Tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, cựu Cục phó Trần Văn Dự bị tuyên 7 năm tù; cựu cán bộ Vũ Sỹ Cường lĩnh 9 năm tù.

Với nhóm bị cáo nhận hối lộ thuộc một số cơ quan, đơn vị khác, tòa tuyên bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) 3 năm tù; cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân bị phạt 6 năm tù...

Riêng cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn lĩnh 5 năm tù về tội “Môi giới hối lộ”.

Ở nhóm 23 bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) bị phạt 10 năm tù; Phó Tổng giám đốc Bluesky Nguyễn Thị Thanh Hằng lĩnh 11 năm tù; Hoàng Diệu Mơ (Tổng giám đốc Công ty An Bình) lĩnh 7 năm tù... Các bị cáo còn lại lĩnh từ 14 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 11 năm tù giam.

Bị cáo Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) bị tuyên 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ba cựu cán bộ cấp dưới của ông Thái, gồm: Nguyễn Lê Ngọc Anh; Nguyễn Hoàng Linh và Đặng Minh Phương lĩnh án từ 18 - 30 tháng tù.

HĐXX đánh giá “chuyến bay giải cứu” là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Các bị cáo lợi dụng vị trí công tác nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp chi tiền bôi trơn. Theo HĐXX, việc đưa - nhận hối lộ của các bị cáo tồn tại theo hai dạng “yêu cầu, thỏa thuận mặc cả; hoặc gây khó khăn, mập mờ không minh bạch trong công tác cấp phép chuyến bay”.

Nhóm bị cáo nhận hối lộ nhũng nhiễu, gây khó khăn

HĐXX đánh giá trong quá trình xin cấp phép các chuyến bay giải cứu, một số bị cáo thuộc nhóm phạm tội “Nhận hối lộ” đã nhũng nhiễu, gây khó khăn, từ chối hoặc không trả lời các đề nghị của doanh nghiệp.

Một số dù được cấp phép nhưng nhận được văn bản cấp phép muộn, sát thời điểm bay làm doanh nghiệp không tổ chức bay được hoặc bị thua lỗ. Do đó, nhiều doanh nghiệp chủ động liên hệ các bị cáo này đặt vấn đề hỗ trợ nhờ vả, giúp đỡ tạo điều kiện “từ đó dần hình thành cơ chế xin - cho”.

Theo HĐXX, trong vụ án, Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Y tế và Vũ Anh Tuấn, cựu Phó Phòng Tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh và một số người có hành vi đòi hỏi, ra giá, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép.

Những ai thiếu ăn năn hối cải trong vụ 'chuyến bay giải cứu' ảnh 3
Bị cáo Vũ Anh Tuấn

Các quan chức còn lại dù không đưa yêu cầu lợi ích cụ thể, không trực tiếp thỏa thuận với doanh nghiệp về chi phí cấp phép song đều gặp gỡ trao đổi, thống nhất sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Số tiền hối lộ cho nhóm cựu cán bộ đặc biệt lớn, lên đến hàng tỷ đồng, hàng trăm nghìn USD, việc nhận diễn ra nhiều lần, thường xuyên liên tục. Số tiền này lớn quá mức thu nhập bình quân công chức nên không thể xem là quà cảm ơn mà đây là hành vi nhận hối lộ”, bản án nêu.

Vẫn theo HĐXX, trong nhóm bị cáo “Nhận hối lộ”, các bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Tô Anh Dũng… là những người nhận hối lộ nhiều lần với số tiền đặc biệt lớn gây bức xúc cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước và hình ảnh của đội ngũ cán bộ công chức.

Do đó, cần có hình phạt nghiêm, cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên toà mới đủ tác dụng giáo dục, răn đe tội phạm nguy hiểm này; đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Những ai thiếu ăn năn hối cải trong vụ 'chuyến bay giải cứu' ảnh 4
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan

Bị cáo Hoàng Văn Hưng không ăn năn hối cải

Riêng với cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng, HĐXX nhận định, bị cáo được phân công điều tra vụ án từ ngày 28/1/2022. Đến tháng 9/2022, Hưng bị điều chuyển công tác nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối để lừa tiền của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky) thông qua cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn.

Tại tòa, bị cáo kêu oan và đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên HĐXX xét thấy, Hưng là người nhận thức được quy định trong giai đoạn điều tra, các điều tra viên không được gặp bị can, bị cáo bên ngoài, song Hưng vẫn nhiều lần gặp mặt Nguyễn Thị Thanh Hằng, theo sắp xếp của Nguyễn Anh Tuấn.

Sau khi gặp Hằng, Hưng hướng dẫn bị cáo viết tường trình, cách khai báo nhằm tạo lòng tin để nhóm Hằng đưa tiền. Sau khi nhận tiền, Hưng không “chạy án” như cam kết mà chiếm đoạt 800.000 USD.

Từ phân tích trên, HĐXX kết luận bị cáo Hoàng Văn Hưng cho rằng lời khai của Hằng, Tuấn, Sơn, đã đưa tiền cho bị cáo là một chiều, không khách quan là “không có cơ sở”. Bởi theo HĐXX, ngoài lời khai của Hằng, Tuấn, cơ quan tố tụng còn thu thập lời khai của nhiều người khác, dữ liệu điện tử để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. “Hành vi của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tài sản của người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng công an”, HĐXX nhận xét.

Trước đó, Hưng bị Viện kiểm sát đề nghị khung phạt 19 - 20 năm tù giam nhưng bản án nhận định, Hưng là điều tra viên cao cấp đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, lừa đảo số tiền đặc biệt lớn, đến nay vẫn không thành khẩn, không có thái độ ăn năn hối cải, không khắc phục hậu quả. HĐXX cho rằng cần phải tuyên Hưng mức án cao hơn mức án đề nghị của Viện kiểm sát mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
Xe 43 chỗ nhồi nhét tới 90 hành khách
TPO - CSGT Hải Phòng đang hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính, tước GPLX tài xế Trần H.H (quê Hà Giang) vì chở 90 người trên ô tô khách 43 chỗ (41 giường nằm, 2 ghế ngồi) và đón khách không đúng nơi quy định.