Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn

Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn
TP- Chị Thủy khệ nệ xách đá đổ vào từng sọt cá. Không khẩu trang, không găng tay, người phụ nữ 45kg này một mình xúc đá rải lên cá, rồi bốc lên xe. Mỗi xe tải nhỏ chứa chừng 150 đến 200 sọt cá, mỗi sọt nặng chừng 12kg, trung bình một đêm chị bốc hơn 2 tấn cá.

Mỗi lần chuyển hàng, chị nhận được 40 ngàn đồng, cầm những đồng tiền còn tanh mùi cá, chị lại vội vã đi chuyển hàng cho mối quen. Một ngày vất vả đến 6 giờ sáng, chị chỉ mong một giấc ngủ đêm trọn vẹn…

Nhọc nhằn đời nữ cửu vạn ảnh 1
Chị Thủy đang bốc từng khay cá lên xe  Ảnh: Hà Yên

Thân gái gánh vác gia đình

Đêm khuya dần, những khu chợ đêm lại bắt đầu nhịp sống hối hả của mình, và những người lao động nơi đây cũng bị cuốn vào quy luật ngủ ngày, làm đêm.

Hơn 9 giờ đêm, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau kéo về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Hàng về, ngày làm việc của công nhân bốc vác cũng bắt đầu. Trong số công nhân đó có không ít người là nữ.

Chúng tôi gặp những nữ cửu vạn đang gồng mình kéo những kiện cam từ xe tải mới tới. Họ thoăn thoắt bốc, vác, kéo, hơi thở hòa với sương đang xuống. 21 nữ cửu vạn còn bám trụ lại tại chợ đầu mối này đều xuất thân từ những vùng nông thôn nghèo của các tỉnh miền Bắc, miền Trung như Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An…

Vốn quen với công việc đồng áng nặng nhọc, bốc vác với họ không phải là nghề chỉ dành cho đàn ông. Những thùng hàng thường từ 40 đến 50kg. Kéo mỗi thùng như vậy họ nhận được 1.000 đồng. Đêm nào cũng “gánh” trên mình chừng 2 tấn mới mong đủ trang trải cuộc sống. Điều đặc biệt là công việc vốn nặng nhọc này lại không phải do thanh niên đang độ sung sức làm.

Những nữ cửu vạn ở đây hầu hết đã bước qua tuổi tứ tuần. Chị Nguyễn Thị Lý đã qua tuổi 47, một mình nuôi con, gánh vác cả gia đình. Con gái lớn bước vào đại học, niềm vui nhân lên nhưng gánh nặng cũng nhân đôi. “Nó vào trong này học, sinh hoạt cái gì cũng đắt đỏ, cứ ở quê làm ruộng thì ăn còn không đủ huống gì nuôi nó học” – Chị Lý chia sẻ.

Chính lý do ở quê làm không đủ ăn đã khiến không ít gia đình phải chịu cảnh chồng con một nẻo, vợ một nẻo. Chị Ngụy Thị Nghĩa (quê Bắc Giang) năm nay đã 46 tuổi, làm nghề bốc vác, kéo xe ở đây từ khi mở chợ. Chị cùng con trai lớn vào Nam làm thuê, còn chồng và con gái út thì ở quê.

Thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên khi người đi làm xa không phải là chồng chị, chị giải thích: “Mình đi còn tiết kiệm được đồng gửi về, đàn ông đi chả mấy người giữ được tiền…”.

Thời gian gần đây, hàng về ít, sinh hoạt lại đắt đỏ, các chị phải tính toán chi tiêu từng đồng. Nhóm các chị Lý, chị Hương, chị Nghĩa cùng làm việc cho Cty bốc xếp Thạnh Long, họ cùng chia sẻ nhau những khó khăn. Mệt thì chợp mắt trên chính xe đẩy của mình. Các chị cùng thuê một căn phòng giá 500 ngàn, tự nấu ăn, tự chăm sóc những lúc đau ốm. Chị Lý chia sẻ: “Những ngày đầu ngủ ngày không quen, rạc người cả tháng mới hồi sức”…

Cùng nghề bốc vác, nhưng công việc của các chị ở chợ Bình Điền còn vất vả hơn nhiều khi hàng hóa không phải là rau quả mà là cá. Công việc của họ thường là chuyển cá từ các vựa sang các xe tải nhỏ. Thông thường, chủ xe sẽ thuê 1 đến 2 người chuyển cá vào xe.

Chị Thủy (Nghệ An) đang khệ nệ xách đá đổ vào từng sọt cá cho biết: “Chủ hàng mà dễ cũng đỡ, chủ hàng khó tính, họ đòi hỏi nhiều, cho xe ra sớm thì mình khổ…”. Không khẩu trang, không găng tay, người phụ nữ 45kg này một mình xúc đá rải lên cá, rồi bốc lên xe. Mỗi xe tải nhỏ như vậy chứa chừng 150 đến 200 sọt cá, mỗi sọt nặng chừng 12 kg, trung bình một đêm chị bốc hơn 2 tấn cá.

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, đôi bàn tay thon dài, không ai nghĩ chị có thể làm được công việc vất vả nặng nhọc này. “Lần đầu làm thế này tay xước, xót vì muối, lạnh đến buốt xương, nhưng đeo găng tay thì làm không nhanh được” - Chị thổ lộ.

Mỗi lần chuyển hàng chị nhận được 40 ngàn, cầm những đồng tiền còn tanh mùi cá, chị lại vội vã đi chuyển hàng cho mối quen. Một ngày vất vả đến 6 giờ sáng, chị chỉ mong một giấc ngủ đêm trọn vẹn.

Kéo xe  - “kéo” cả ước mơ

Sài Gòn mùa mưa, nhọc nhằn như cũng nhân lên trên vai những nữ bốc vác, kéo xe. Chị Lý tâm sự: “Trời nắng ráo còn đỡ, mưa thế này, đường trơn trượt, kéo mệt lắm”. Nói rồi, chị gạt mồ hôi trên trán, lại hì hục kéo. Ai cũng mệt nhưng vẫn mong có nhiều hàng để kéo, vì không có hàng, không kéo thì không có tiền. Mấy tháng nay hàng về ít, công việc nhàn rỗi nên ai cũng lo lắng không kiếm được tiền gửi về quê.

Nó học được 2 năm rồi, còn 2 năm nữa, tôi cũng còn phải cực 2 năm nữa, nhưng cực mấy cũng cho nó học lấy cái chữ, sau này đỡ khổ, đời mình khổ mãi rồi”. Mống mắt thâm quầng, ánh mắt mờ đục vì thiếu ngủ của chị Lý bỗng ánh lên niềm hi vọng khi kể về con.

Xa quê để rồi làm những công việc không kém phần nặng nhọc hơn làm ruộng, mơ ước lớn nhất của những nữ phu kéo xe, bốc vác này là tiết kiệm được những đồng tiền ít ỏi gửi về cho gia đình để nuôi con, để gánh vác gia đình bé nhỏ. “Ở quê cũng cực nhưng không làm ra tiền, trong này vất vả nhưng còn kiếm được đồng tiền mà tiêu” – Chị Lý vui vẻ. Con gái vào Nam học ĐH, chị cũng theo vào làm thuê lấy tiền nuôi con.

Xa chồng, xa con, công việc nặng nhọc không làm nguôi ngoai được nỗi nhớ ấp đầy, da diết. “Mới về dạo Tết, giờ lại muốn về rồi, thằng nhỏ mới hơn 3 tuổi, nhớ nó lắm nhưng đành gửi ngoại, về liên tục có làm cả tháng không đủ tiền xe” – Chị Hương tâm sự.

Các chị đi làm xa cũng là để kiếm được đồng tiền làm vốn sau này về quê đỡ cực. Có chị sắp xếp vợ đi, chồng ở nhà chăm lo gia đình, có chị lại cùng chồng tha phương.

Như trường hợp của chị Thủy, lấy chồng dạo Tết, ra Tết chị theo chồng vào Nam làm bốc vác luôn. Chị vốn là thợ may, nhưng ở quê thường hay “may chịu”, cứ may đồ mặc rồi đến mùa bán lúa mới có tiền trả, với lại xa chồng nhớ lắm. Chị 25 tuổi, chồng chị năm nay cũng ngoài 30 rồi, muốn sinh con nhưng còn kế hoạch vì tính toán kinh tế. “Làm thời gian nữa kiếm ít vốn rồi sinh con, chứ mình yếu lắm, không làm nghề này lâu được” – Chị vừa nói vừa thở dốc khi bốc khay cá nặng lên xe…

Từ 9 giờ đêm tới 6 giờ sáng tiếp xúc với đá lạnh muối xót, đôi bàn tay chị tấy đỏ. Nhưng khi chúng tôi tỏ thái độ ái ngại trước cái lạnh, buốt của đá, chị tếu: “Luôn tay luôn chân nó cũng khỏe người ra, nóng điên lên chứ lạnh thế nào được”.

Đêm nào cũng lũ lượt xe tải nối đuôi nhau về chợ cõng theo những khay cá, những kiện rau quả từ khắp nơi đổ về. Và những nữ cửu vạn nơi đây lại gồng mình bốc, kéo để mỗi sớm mai hàng hóa tỏa đi tới tận tay người dân trong thành phố. Lam lũ, vật lộn với số phận trong đêm tối, ai cũng nuôi mong ước cháy bỏng là nhanh kiếm được đồng vốn để sớm được về quê đoàn tụ cùng gia đình.

MỚI - NÓNG