Nhớ nhà văn Sơn Tùng…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nghe tin nhà văn Sơn Tùng mất, tôi vội gọi điện để chia buồn cùng gia đình ông. Ngồi lặng nhớ lại những lần đến nhà ông, lúc là đến thăm, lúc để lấy tư liệu viết bài…, tôi bất giác nghĩ tới câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nhận xét về ông: “Nhà văn Sơn Tùng là người có trí mệnh”.
Nhớ nhà văn Sơn Tùng… ảnh 1

Phóng viên Sơn Tùng (thứ 3 từ trái sang) trong lần đi tác nghiệp tại làng Lỗ Khê được gặp Bác Hồ. Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình nhà văn Sơn Tùng

Trưởng thành từ cán bộ Ðoàn

Nhà văn Sơn Tùng bị tai biến đã hơn chục năm. Quãng thời gian này, mỗi khi đến thăm ông, tôi chỉ có thể nói chuyện với anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn. Nhưng qua những lần tiếp xúc đó, tôi có dịp hiểu biết hơn về cuộc đời nhà văn. Bởi nếu có hỏi trực tiếp ông, thì với bản tính khiêm nhường của mình, chưa chắc nhà văn đã sẵn sàng kể nhiều điều về mình.

Anh Sơn Định cho biết, hơn ba chục năm trước, anh đã từ quê nhà Nghệ An lên Hà Nội để sống cùng cha trong căn nhà nhỏ tại Khu tập thể Văn Chương (Hà Nội). Anh Định coi đó là điều may mắn và hạnh phúc hơn các anh chị em trong nhà. Khi được ở gần cha, anh đã hiểu hơn những công việc mà nhà văn làm và cống hiến. “Trong những năm tháng đó, thỉnh thoảng ba tôi lại tâm sự về thời tuổi trẻ của mình, về những cơ duyên để hun đúc viết nên tiểu thuyết “Búp sen xanh” và những tác phẩm khác…”, anh Định cho biết.

Nhớ nhà văn Sơn Tùng… ảnh 2

Nhà văn Sơn Tùng (bìa phải) và anh Bùi Sơn Định (được Thủ tướng ôm) trong một lần tới gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Anh Bùi Sơn Định kể, nhà văn Sơn Tùng xuất phát ban đầu là cán bộ Đoàn cơ sở. Năm 1944, khi 16 tuổi, Sơn Tùng hoạt động cách mạng tại quê nhà, xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An). Trong thời gian từ năm 1944-1954, Sơn Tùng làm liên lạc cho Việt Minh, rồi dần trưởng thành qua các vị trí như Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Diễn Kim, Quyền Bí thư Huyện Đoàn Diễn Châu, cán bộ Tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Nghệ An. “Trong thời gian hoạt động Đoàn tại tỉnh nhà, cha tôi may mắn được gặp chị và anh ruột Bác Hồ là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, cùng những người thân trong gia đình bên ngoại của Bác. Ông đã được nghe họ kể về những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ, rồi ghi chép lại. Cha tôi coi đây là hạt giống đầu mùa cho những tác phẩm viết về Bác Hồ sau này”, anh Định kể.

Trước khi trở thành nhà văn, Sơn Tùng là một nhà báo. Khởi đầu, ông làm việc cho tờ “Nông nghiệp Trung ương”, đến cuối năm 1962 chuyển về báo Tiền Phong. Thời gian làm việc ở Tiền Phong, Sơn Tùng được gặp Bác Hồ. Đó là vào chiều 30 tết năm Quý Mão (1963), Sơn Tùng về làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) để phản ánh hoạt động của chi đoàn địa phương trong việc thực hiện sáng kiến mà họ đề ra trong cuộc vận động tiết kiệm lương thực và thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hôm sau, mùng một tết năm Giáp Thìn (1964), khi vẫn đang tác nghiệp tại đây, Sơn Tùng bất ngờ được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Lỗ Khê. Dịp may hiếm có này đã giúp Sơn Tùng có thêm chất liệu thực tế để sau này giúp ông viết nên tiểu thuyết Búp sen xanh.

Nhờ những năm tháng hoạt động Đoàn và công tác tại báo Tiền Phong mà năm 1967, phóng viên Sơn Tùng được điều vào chiến trường B2 (miền Nam) để phụ trách tờ Thanh niên Giải phóng. Tại Trung ương Cục Miền Nam, địa điểm làm việc của tờ Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng đã gặp anh Sáu Phong (tức ông Nguyễn Minh Triết, sau này là Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam). Khi đó, tại tòa soạn Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng cùng các phóng viên lo tổ chức bài vở, còn Sáu Phong đảm trách việc in báo. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, công việc tiến triển tốt, tờ Thanh niên Giải phóng được xuất bản ổn định.

Vào ngày 15/4/1971, khi Sơn Tùng cùng đồng nghiệp đang chuẩn bị lên khuôn cho một số báo thì máy bay Mỹ ồ ạt tới ném bom. Những chùm M.79 từ máy bay bắn xuống nơi trụ sở báo Thanh niên Giải phóng hoạt động khiến ông trúng đạn. Không quản nguy hiểm, Sáu Phong đã chạy tới cõng Sơn Tùng đi cấp cứu. Ông bị 14 mảnh đạn găm khắp người, trong đó có 3 mảnh đạn vào sát não không thể gắp ra được. Sơn Tùng được đưa ra Bắc điều trị trong thời gian dài. Sau khi ra viện, với lòng yêu nghề, ông trở lại báo Tiền Phong tiếp tục làm việc và nghỉ hưu cuối năm 1979.

Người có trí mệnh

Sau khi nghỉ hưu, nhà văn Sơn Tùng bắt đầu chấp bút viết tiểu thuyết Búp sen xanh, dựa trên những tư liệu mà ông đã tích lũy được trong nhiều năm về Bác Hồ. Điều này khiến tôi nhớ lại gần chục năm trước, khi nói về tiểu thuyết Búp sen xanh, anh Bùi Sơn Định đã cho tôi xem bản gốc viết tay cuốn sách này của nhà văn Sơn Tùng. Cuốn sách được nhà văn viết nắn nót, trang đầu Sơn Tùng chú thêm dòng chữ: “Thời thơ ấu đến lúc Bác Hồ xuống tàu rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước”. “Năm 1982, Búp sen xanh được xuất bản, là một hiện tượng văn học thời bấy giờ, nhưng tiểu thuyết cũng chịu nhiều sóng gió”, anh Định cho biết. Rồi anh cho hay, cũng vì những ý kiến khác nhau về cuốn sách mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cử thư ký đi tìm hiểu và sau đó mời nhà văn Sơn Tùng đến để gặp gỡ. Sau cuộc gặp đó, rồi vài lần trò chuyện khác, Thủ tướng biết nhà văn đã viết đúng, không như một số ý kiến trái chiều khi tiểu thuyết Búp sen xanh xuất bản. Vì vậy, khi cuốn sách dự định được tái bản, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết lời tựa cho Búp sen xanh vào tháng 1/1983, trong đó có đoạn: “Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề: Ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cùng suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn thuộc về người đọc, nghĩa là nhân dân”.

Nhớ nhà văn Sơn Tùng… ảnh 3

Bản thảo tiểu thuyết “Búp sen xanh” với chữ viết của nhà văn Sơn Tùng Ảnh: KIẾN NGHĨA

Anh Bùi Sơn Định cho biết, năm 1984 Búp sen xanh được tái bản lần đầu. Nhưng trước đó, nhà văn Sơn Tùng đã xin phép Thủ tướng chưa đưa lời tựa trên vào cuốn sách, bởi không muốn có sự hiểu lầm nhờ lời tựa này mà Búp sen xanh mới được tái bản. Sau này, khi Búp sen xanh tái bản khoảng lần thứ 20, lời tựa trên mới đưa vào cuốn sách.

“Trong thời gian hoạt động Đoàn tại tỉnh nhà, cha tôi may mắn được gặp chị và anh ruột Bác Hồ là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, cùng những người thân trong gia đình bên ngoại của Bác. Ông đã được nghe họ kể về những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ, rồi ghi chép lại. Cha tôi coi đây là hạt giống đầu mùa cho những tác phẩm viết về Bác Hồ sau này”. anh bùi sơn định

Cũng từ cuốn Búp sen xanh, nhà văn Sơn Tùng có dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những lần gặp, Đại tướng thường được nhà văn kể cho nghe về gia thế, gia phong của Bác Hồ, về quá trình hình thành nhân cách của Bác dẫn đến việc Người quyết tâm đi tìm đường cứu nước. Trong những cuộc gặp đó, Đại tướng rất cảm phục khi thấy nhà văn Sơn Tùng, một con người với vóc dáng nhỏ bé, mang thương tật 81% nhưng có nghị lực phi thường và niềm đam mê lẫn khát vọng lớn để viết nên một tác phẩm để đời về thời tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, với tình cảm đặc biệt dành cho nhà văn, có lần Đại tướng đã nói: “Nhà văn Sơn Tùng là người có trí mệnh”.

Những năm tháng cuối đời

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1990, bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn ra đời, theo kịch bản “Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng” của nhà văn Sơn Tùng. Sau khi trình chiếu, phim gây được tiếng vang. Nhưng nhà văn Sơn Tùng muốn kịch bản văn học của phim được xuất bản, vì một số tình tiết trong phim đã bị lược bớt. “Trước khi đổ bệnh, ba tôi cố hoàn chỉnh cuốn sách này. Nhưng công việc gần xong thì cơn tai biến đột ngột vào năm 2010 khiến ông không thể tiếp tục công việc”, anh Bùi Sơn Định cho hay. Anh Định cho tôi xem kịch bản văn học cuốn sách Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng mà nhà văn sắp hoàn thành. Sau đó, anh đã thay cha biên soạn lại tác phẩm, đến năm 2015 cuốn sách Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng đã được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản.

Trong những năm cuối đời, nhà văn Sơn Tùng còn muốn xuất bản thêm Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh. Ông đang bắt tay vào công việc thì đổ bệnh. Anh Bùi Sơn Định lại giúp cha làm nốt công việc còn dang dở, sưu tầm, tuyển chọn để năm 2019 đã xuất bản được quyển 1 cuốn Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Văn học xuất bản). Cuốn sách gồm 47 truyện, ký tiêu biểu trong các tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng viết về Bác như: Nhớ nguồn, Kỷ niệm tháng năm, Cuộc gặp gỡ định mệnh, Bác ở nơi đây, Nguyễn Ái Quốc qua hồi ức bà mẹ Nga... “Năm 2020, quyển 2 được xuất bản gồm bộ ba tác phẩm Búp sen xanh, Bông sen vàngTrái tim - Quả đất, đều là những tiểu thuyết viết về Bác Hồ. Vậy là những mong muốn của cha tôi khi còn sống nay đã được hoàn thành”, anh Định chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.