Phản ánh mức độ nghiêm trọng từ thất thoát, lãng phí, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra hàng loạt công trình, điển hình như nhà máy gang thép gần chục nghìn tỷ đồng nguy cơ thành đống sắt vụn, rồi dự án ký túc xá cho sinh viên hàng nghìn tỷ đồng chỉ phục vụ một số ít sinh viên…
Nhưng cái nguy hại của thất thoát, lãng phí không chỉ ở một vài công trình cụ thể. Điều người dân và đại biểu Quốc hội cần biết là con số cụ thể từ thất thoát, lãng phí trong cả nền kinh tế. Con số lãng phí so với GDP hằng năm như thế nào? Người ta cần một con số cụ thể, bởi trong kinh tế, con số thường nói lên tất cả.
Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh từng đưa ra nhiều con số giật mình ngay tại diễn đàn Quốc hội. Song nói về thất thoát, lãng phí, ông chỉ dám khẳng định “rất nghiêm trọng”. Nhưng nghiêm trọng đến mức nào, con số thất thoát, lãng phí cụ thể bao nhiêu, thì rất khó để thống kê được, ông nói.
Tại sao các tổ chức quốc tế lại thống kê được mức thiệt hại từ ô nhiễm môi trường hằng năm? Tại sao họ tính toán được mỗi năm Việt Nam chết hơn chín nghìn người do các bệnh xuất phát từ nguồn nước? Tại sao họ tính được mỗi năm chết hơn bốn nghìn người do các bệnh về than?...
Rõ ràng là có cách để tính ra được, mà thất thoát, lãng phí chắc cũng không phải một ngoại lệ. Chỉ có điều người ta có muốn tính toán không? Khi tính toán rồi có dám công bố không? Công bố rồi có dám mạnh tay xử lý không?
Ai cũng biết thất thoát, lãng phí làm chậm quá trình phát triển, thậm chí còn làm tụt hậu đất nước. Lãng phí đang quá nhiều, thất thoát quá kinh khủng nhưng trách nhiệm chẳng thuộc về ai? Bộ này đổ cho bộ kia, bộ kia lại đá quả bóng trách nhiệm cho bộ này. Rồi cuối cùng là hòa cả làng.
Một công trình người ta cứ thi nhau vẽ ra những chi phí quá mức cần thiết, để rồi ông thi công cũng có miếng, ông thẩm định cũng có phần. Suy cho cùng, cái gốc của lãng phí, thất thoát cũng từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà ra cả. Ai cũng có phần, hỏi ai còn tố nhau?
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói rằng, muốn đất nước phát triển thì thất thoát, lãng phí phải được ngăn chặn, khó lắm nhưng phải làm. Vậy thì làm thôi, hãy nhổ tận gốc cái gốc của thất thoát, lãng phí. Đó là xoá bỏ “lợi ích nhóm”, quy rõ trách nhiệm cá nhân quyết định đầu tư gây thất thoát.